NÉT ĐẸP VŨNG CHÙA – ĐẢO YẾN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vũng Chùa -Đảo Yến là danh thắng nổi tiếng thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nằm dưới chân dãy núi Hoành Sơn cách đèo Ngang khoảng 10 km về hướng Đông Nam. Nếu từ Quốc lộ 1A đi về phía biển thì chỉ cách hơn 2 Km 

NÉT ĐẸP VŨNG CHÙA – ĐẢO YẾN - 1

Mảnh đất kiên cường  

Vũng Chùa là vùng biển nhỏ, nơi đây yên bình như “vũng”, có bờ cát trắng và bằng phẳng, sóng dịu êm được hình thành bởi một triền đá đâm ra biển , người dân địa phương gọi là mũi Rồng.Từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử nay chỉ còn cái nền móng. Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng rất kín gió. Những ngày gió bão, tàu thuyền thường về đây trú ẩn.

Thời chống Mỹ, khi mở chiến dịch Hòn La, Mỹ đánh phá các cảng biển Hải Phòng, Bến Thủy thì nơi đây thành điểm tiếp nhận hàng hóa viện trợ đường biển. Biết thế, Mỹ đã đánh phá ác liệt, chỉ tính riêng năm 1972 Mỹ đã thả vào đây 22.000 quả bom các loại. Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, quân dân Quảng Bình đã đưa hàng ngàn tấn gạo vào bờ chi viện cho miền Nam.

Cách Đèo Ngang 10 km về phía Nam còn  có làng Cảnh Dương - một làng biển sầm uất, thịnh vượng, có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử.Trong 2 cuộc kháng chiến, Cảnh Dương là pháo đài kiên cố chống ngoại xâm, là một trong những làng văn vật của Châu Bố xưa và Quảng Bình nay.

NÉT ĐẸP VŨNG CHÙA – ĐẢO YẾN - 2

Vẻ đẹp hoang sơ

Đảo Yến rộng khoảng 10 ha và cách bờ chỉ 1 km  như bức bình phong nổi lên giữa biển, không có dân ở (chỉ có một số công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến).

Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển người ta có thể thấy khung cảnh non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên. Mặt nhìn vào đất liền của Đảo Yến có những bãi cát chạy dài và một triền cây thấp, lá hẹp, mặt hướng ra đại dương có nhiều bãi đá hùng vĩ, được sóng biển tạo nên nhiều hình thù khác nhau. Từ đảo Yến trông ra xa có thể thấy đảo Hòn La và đảo Gió. Ba đảo đó đã tạo thành 3 đỉnh của một tam giác, cảnh đẹp như trong cổ tích.Tuy không có sự đa dạng của động thực vật nhưng nơi đây có đàn chim yến cư ngụ và làm tổ. Công ty Yến Sào (Khánh Hòa ) đã phối hợp với nhân dân địa phương thành lập tổ bảo vệ đảo Nồm và sự tồn tại của đàn chim yến.

Từ Vũng Chùa- nơi đất liền đi bằng thuyền chỉ 20 phút du khách sẽ đặt chân lên Đảo Yến-hòn đảo thơ mộng đắm mình trong làn nước mát rượi trong vắt, men theo bờ đá để nhặt những con ốc ngộ nghĩnh, đặc biệt sẽ tận mắt nhìn thấy từng đàn chim yến ríu rít chao mình bay lượn trên đỉnh đầu.

 NÉT ĐẸP VŨNG CHÙA – ĐẢO YẾN - 3

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Điểm du lịch sinh thái và tâm linh

Cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đặc sản nơi đây có  yến sào, sò huyết, tôm hùm, có loài "Cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư mà ngày xưa thường mang đi cung tiến cho triều đình

T.S  Phan Viết Dũng nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết thêm: quần thể danh thắng này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian như việc: người dân vùng này không dám chặt cây chò trắng vì đây là loại cây tương truyền được long vương dùng xây thủy cung dưới biển. Mà long vương từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi đến quấy phá dân làng thời Đại Việt.

Dân gian còn truyền miệng chuyện năm Vua Lê Thánh Tông cho thủy quân xuất trận đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ, thắng giặc và chúng sinh an lành. Sau đại thắng, Vua lại trở về lập đàn tạ ơn trời đất.

  Ở chân Đèo Ngang này ngoài Đảo Yến - Vũng Chùa còn có đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh là điểm Thờ Mẫu - nơi tôn vinh người phụ nữ - vai trò người mẹ ,người  vợ ở nước ta là một truyền thống tốt đẹp và có sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian từ thời Văn Lang Âu Lạc truyền lại cho đến ngày nay.  Ba điểm đó tự khắc tạo thành tuyến du lịch sinh thái - tâm linh vừa là thắng cảnh có sức thu hút rất hấp dẫn .

Với cảnh quan hùng vĩ và linh khí huyền diệu của Đảo Yến-Vũng Chùa ấy đã nói lên khá rõ vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn nơi đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Địa điểm an táng Đại tướng ở lưng chừng triền núi phía nam mũi Rồng cách ngọn mũi Rồng khoảng 1 km. Nhiều chuyên gia nghiên

cứu về phong thủy đã cho rằng địa điểm an táng này đã đạt được tiêu chí thế đất Tứ Tượng bao gồm: -Hoàng Vũ (rùa đen) ở phía sau (Đèo Ngang), -Thanh long (rồng xanh)  là ngọn đồi phía trái(một phần của Đèo Ngang), -Bạch Hổ (hổ trắng) là địa hình thấp hơn phía tay phải, - Chu Tước (chim sẻ đỏ) là gò đồi nhỏ phía trước mặt(đảo Yến,trước biển)

Ông Lương Ngọc Bính - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đã có cảm nhận về nơi an táng Đại tướng: “…Tôi nghĩ rằng trên đất Quảng Bình nơi đâu cũng là quê hương của Đại tướng và mỗi người dân Quảng Bình đều tự hào về Người, Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của nhân loại. Nói rộng ra là ở đâu trên đất nước Việt Nam này cũng đều là quê hương của Đại tướng. Vũng Chùa - Đảo Yến là một nơi rất đẹp, tựa lưng vào dãy Hoành Sơn có núi Phượng, trước mặt là biển Đông, có Đảo Yến là bức bình phong để chắn giữ phần mộ của Người, đồng thời đây là trung tâm, trung điểm giữa hai đầu đất nước”.

 Chính vì thế, từ sau lễ tang, ngày ngày hàng vạn người từ khắp muôn phương đã nườm nượp nối hàng dài để được viếng mộ Đại tướng. Trước tình cảm thiêng liêng đó, Nhà thơ Lý Hoài Xuân đã viết:

“Nhập linh Đảo Yến, Núi Rồng

Muôn năm  Bác sống giữa lòng nhân dân”.

 (Bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Trong những tháng ngày tới chắc rằng số người đến đây còn tăng lên gấp nhiều lần. Xu hướng tích cực của tâm linh con người Việt Nam là hướng về cội nguồn ông bà,  tổ tiên, đất nước, dân tộc. Đến đây ai cũng mong được thắp một nén nhang để tỏ lòng tri ân với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, của thế giới.

Hướng về thế giới tâm linh không những là một nhu cầu mà còn là một cách giúp con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Đó chính là sự khát khao của con người hướng về cái chân, thiện, mỹ và hạnh phúc vĩnh hằng là giá trị  văn hóa và sự trường tồn trong xã hội đương đại mà chúng ta mãi còn tôn vinh.

                                                   Văn Lạc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT