LUẬN VỀ CHUYỆN QUÀ CÁP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tập quán tặng quà cho nhau khi năm hết tết đến, đi xa về, nhân ngày vui của nhau, con cháu mừng thọ cho ông, bà, cha, mẹ… là một tập quán tốt. Thế nhưng từ xưa đến nay nó luôn luôn bị lợi dụng bởi những kẻ tâm địa bất minh.

LUẬN VỀ CHUYỆN QUÀ CÁP - 1

 

Tặng quà là nét văn hóa ứng xử đẹp của con người từ xưa đến nay. Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa tặng quà cũng phát triển đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Trong những năm gần đây, việc tặng quà không còn giữ được tính chất trong sáng vô tư nữa. Nó đã bị cuốn theo vòng xoáy của thời cuộc, biến chất và có thể xem là một dạng hối lộ núp bóng tặng quà. Tặng quà là một nghệ thuật, vốn có quy tắc ước lệ. Lý thuyết không khó hiểu, khó là khó khi thực hành. Tặng cho ai, tặng cái gì, tặng như thế nào đều cần khéo léo. Tặng nhiều hay ít phải hợp lý, món quà phải có ý nghĩa, đúng thời điểm, hiểu rõ phong tục...

Từ ngày xửa, ngày xưa tay Lã Bất Vi ở bên Tàu bắt đầu từ chuyện tặng quà mà sau này “được cả thiên hạ”. Kẻ đi tặng quà với ý đồ lợi dụng đánh trúng tâm lý hám lợi của kẻ quyền thế, rồi dần dần hình thành “liên minh ma quỷ”. Các “liên minh ma quỷ” ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, lây lan như một thứ bệnh truyền nhiễm nhiều khi thao túng cả quốc gia. Một anh công chức thường thường bậc trung, bất tài, dùng quà cáp như một phương tiện để leo lên vị trí có quyền cao hơn, với một “phương án kinh doanh ” đã tính kỹ, biết chắc là sẽ được bù lại và thu lợi nhiều hơn khi còn có rất nhiều những kẻ thường thường bậc trung khác rắp tâm dấn thân vào vết xe của con đường anh ta đã đi qua.

Và cứ như thế, như thế… Nhớ lại chuyện trùm xã hội đen Năm Cam bắt đầu cũng từ những món quà thân tình, những buổi nhậu “ấm áp tình người”, để rồi lôi kéo cả chục quan chức cơ quan bảo vệ Pháp luật, Phóng viên và lãnh đạo báo nói, báo hình, báo viết trở thành tù nhân, tay sai đắc lực cho ông Trùm này. Và còn nhiều nữa nhiều chuyện hệ lụy xung quanh chuyện quà cáp. Người tặng dùng giá trị món quà (thường là rất lớn) để mưu lợi cá nhân. Người nhận bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình, tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu mà người tặng đặt ra, sao cho tương xứng với giá trị món quà đã nhận. Và thế là bắt đầu một qui trình tha hóa. Lợi ích nhóm hình thành; tiêu cực, tham nhũng có được mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Chính vì vậy mà hầu như đạo đức trong nền công vụ các nước đều có những điều khoản quy định về việc nhận quà biếu. Ở nhiều nước châu Á đã có quy định về quà biếu, vì đây được xem là hình thức dễ bị lợi dụng cho tiêu cực.

LUẬN VỀ CHUYỆN QUÀ CÁP - 2

Thí dụ trong “Những điều không cho phép đối với cán bộ Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp phòng trở lên ở Trung Quốc” có quy định: “Không cho phép trong hoạt động việc công mà nhận lại những tặng vật (tiền, vàng) và các loại ngân phiếu, không cho phép nhận của đơn vị trực tiếp thuộc cấp dưới các loạt thẻ tín dụng, không cho phép nhận tham dự các buổi tiệc có khả năng ảnh hướng đến việc chấp hành công vụ khi quan hệ với cá nhân và các đơn vị"… .

Ở Malaysia, trong Quy định về “tư cách đạo đức và chế độ kỷ luật của công chức” thì quy định về việc nhận quà còn kỹ và chi tiết hơn ngay cả trong trường hợp bất khả kháng: “Khi có những tình huống gây khó xử cho công chức để từ chối nhận một món quà hoặc vật kỷ niệm có giá trị mà việc nhận đó đã bị Quy đinh này cấm (ví dụ khi không có thông báo hoặc dụng ý trước về việc tặng những món quà đã được trao) thì trên hình thức nó có thể được tiếp nhận, nhưng công chức đó phải trình một báo cáo, một văn bản lên thủ trưởng ngành trong thời gian sớm nhất, miêu tả đầy đủ, và ước lượng giá trị của món quà cũng như tình huống nhận món quà đó và thủ trưởng ngành sẽ chuyển tiếp báo các đó cùng với ý kiến của mình cho cơ quan có thẩm quyền kỷ luật thích hợp. Trong khi chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền kỷ luật, công chức có trách nhiệm bảo quản an toàn món quà đó. Khi nhận được báo cáo như trên của Quy định này, cơ quan có thẩm quyền kỷ luật sẽ quyết định: Cho phép công chức giữ lại món quà đó; hoặc - Chỉ thị rằng món quà đó phải được trả lại cho người tặng thông qua thủ trưởng ngành”.

Theo tài liệu về chính sách chống tham nhũng ở châu Á của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), ở Nhật, công dân có thể tiếp cận các thông tin về quà biếu có giá trị trên 170 đôla Mỹ theo từng yêu cầu.

Mức trần cho phép nhận quà biếu giữa các quốc gia có sự khác biệt. Ví dụ, mức trần được quy định là 25 USD tại Hàn Quốc, 50 USD tại Nhật Bản và 125 USD tại Malaysia

Ở nước ta trong “Luật phòng chống tham nhũng ” có nói rõ : “Người có chức vụ, quyền hạn không được làm những điều sau đây: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức…". Cho dù có quy định thì việc xác định ranh giới quà biếu và hối lộ cũng không thể bao quát tất cả trường hợp. Ranh giới giữa quà biếu và hối lộ đôi khi mỏng như sợi tóc, chỉ có chính người nhận và người đưa quà mới có thể hiểu bản chất. Một khi chưa có chế tài kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, thì chuyện tặng quà vì mục đích vụ lợi vẫn cứ tồn tại và ngày càng tinh vi hơn. Cái phong bì truyền thống đã quá chật hẹp so với những món quà thậm chí giá trị lên tới cả bạc tỉ hiện nay. Và ma lực của nó, những món quà "khủng" ấy, không gì có thể cưỡng nổi. Tổng kết 10 năm thực hiện "Luật phòng chống tham nhũng", nhiều địa phương báo cáo không phát hiện trường hợp nào nhận quà có tính chất hối lộ?! có tin được hay không tùy bạn.

Thật ra những điều quy định trong Luật còn xa và thô sơ so với thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, phong phú và cực kỳ tinh vi. Lúc đầu tôi tặng quà cho anh nhân những dịp rất hợp lý, không hề liên quan đến công việc anh đang xử lý giải quyết… Nhưng dần dần “mưa dầm thấm sâu” các món quà trên kể cả “dưới mức tình cảm” đã thắt chặt tình thân giữa hai ta. Đến lúc đó tôi mới ra tay! Những kẻ này đánh trúng tâm lý người Việt ta rất nặng tình nghĩa, ân tình, duy tình hơn duy lý. Quan chức thường đem tình nghĩa, ơn nghĩa vào xử lý công vụ. Một nền công vụ có nguồn gốc xuất thân từ nền “văn minh làng xóm”. Thế nhưng trong cuộc đời này từ xưa tới nay không phải là hiếm những tấm gương của những người tỉnh táo, biết từ chối những món quà cáp ngầm chứa trong nó những ý đồ lợi dụng.

Trong chuyện Không nhận cá (Cổ học tinh hoa) kể về Công Nghi Hưu làm tướng cho Mục công nước Lỗ đời Chiến quốc rất thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh sở thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”.

Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó.”

Ở nước Nam ta mấy năm trước đây rộ lên một số chuyện về một ông “quan đầu tỉnh” nọ, sau cái Tết đầu tiên mới nhận chức đã đem nộp lại bạc tỉ tiền các phong bì do ban, ngành, doanh nghiệp “Biếu anh chị để ăn Tết chơi vui vẻ”; một ông Bộ trưởng kia nộp lại phong bì “bỏ quên” của một Giám đốc doanh nghiệp và quyết định kỷ luật anh chàng giám đốc này. Chuyện đáng buồn là những việc như vậy không những không được dư luận xã hội tôn vinh một cách nghiêm túc, mà trái lại bị đàm tiếu là “tân quan đầu tỉnh” nọ “chơi xỏ” các người tiền nhiệm của mình và ông Bộ trưởng kia cảnh cáo ngầm các anh Thứ trưởng của Bộ mình do đã biết về sự tồn tại “luật chơi rải đều từ trên xuống dưới” mà không nói ra ai cũng biết!

Rất mong rằng Tết năm nay, với tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, cương quyết đẩy lùi tham nhũng, lập lại kỷ cương trong bộ máy Nhà nước sẽ có thêm nhiều vị “không nhận cá”, hoặc trả lại phong bì tiền tỉ góp vào việc xây dựng hàng chục trường học, hàng ngàn nhà tình nghĩa, tình thương hoặc giúp làm sáng mắt hàng ngàn bệnh nhân nghèo, hàng vạn học bổng vì ngày mai phát triển… 

 

Diệp Văn Sơn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT