NGÀY XUÂN BÀN PHIẾM CHUYỆN DU LỊCH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Mưa chi mưa mãi

Lòng biết thương ai

Trăng lạnh về non không trở lại

Mưa chi mưa mãi

Lòng nhớ nhung hoài

Nào biết nhớ nhung ai

Mưa chi mưa mãi

Buồn hết nửa đời xuân

Mộng vàng không kịp hái...”

Những cơn mưa thúi trời thúi đất của xứ Huế chính là nguồn cảm hứng vô tận để nhiều nhà thơ “gặt  hái” được những bài thơ buồn não ruột. Không riêng gì Lưu Trọng Lư, mà Nguyễn Bính, trong một chuyến đi giang hồ, rồi “nằm mốc ở nơi đây” đã thốt lên não nùng:

Giời mưa ở Huế sao buồn thế

Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...

Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả

Chén ứa men lành lạnh ngón tay...

NGÀY XUÂN BÀN PHIẾM CHUYỆN DU LỊCH - 1

Và ngay cả nhà thơ Tố Hữu, khi cảm nhận về mưa của quê mình đã tự hỏi: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”. Ừ thì mưa! Nơi nào cũng có mưa. Nhưng có lần trao đổi thân mật với chúng tôi, Anh Xê – lúc ấy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “tiết lộ” một thông tin đáng để những người làm du lịch suy nghĩ. Ấy là tại sông Hương núi Ngự sẽ hình thành Tour du lịch... mưa Huế!

A! Nghe ra thấy cũng ngồ ngộ. Lâu nay, người ta vẫn thích đi chơi lúc trời trong nắng mát, để ngắm cảnh, chụp hình, để nghe chim kêu vượn hót... chứ mấy ai thích đi trong mưa dầm dề, ướt át, lạnh đến buốt xương! Nhưng nghĩ như thế là... nhầm. Vấn đề đặt ra là cách tổ chức như thế nào cho hợp lý, phù hợp tâm lý của những người muốn được tận hưởng những cơn mưa bất tận ở Huế! Không chỉ như cái thời thi sĩ Lỡ bước sang ngang đã “Thuốc lào hút mãi người ra khói”. Mà phải được “hỗ trợ” thêm nhiều thứ nữa, chẳng hạn được ăn cái gì cho “đã”, cho đúng “điệu nghệ” lúc chìm đắm trong mưa Huế nữa chứ!

Năm kia tôi có được đọc một truyện ngắn của nhà văn Nhật Bản, trong đó có hai nhân vật, họ có thú vui lạ lùng là đôi lúc đi bộ vài trăm cây số đến một ngôi chùa, đến nơi cả hai ngồi im lặng, đối diện nhau, cùng ngắm nhìn cây Bonsai suốt một ngày rồi lặng lẽ... đi về! Thế thì, làm du lịch không phải “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Mà phải tìm cho mình một hướng đi riêng, tận dụng thế mạnh vốn có của địa phương mình, tất nhiên, nó cũng nằm trong quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, như phát triển du lịch Đà Nẵng trong thế liên kết chặt chẽ với du lịch miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là du lịch Huế và Hội An - Mỹ Sơn.

NGÀY XUÂN BÀN PHIẾM CHUYỆN DU LỊCH - 2

Vậy ở Đà Nẵng có gì? Câu hỏi này, tôi tin chắc rằng Sở Du lịch Đà Nẵng cũng từng “nung nấu tâm can vò võ trán” để tìm câu trả lời. Vẫn biết Đà Nẵng có tiềm năng, lợi thế là nằm trong vùng tài nguyên du lịch phong phú, vị trí trung tâm của những di sản văn hóa thế giới; có bờ biển đẹp dài hơn 60 km và nhiều danh lam thắng cảnh v.v... Có lần qua trò chuyện, Anh Sâm – lúc còn là Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, các anh đang xúc tiến mở tour du lịch sinh thái, làng quê. Chẳng hạn, đó là các khu du lịch làng quê Hòa Xuân, làng văn hóa dân tộc Katu Hòa Phú, khu vực sông Trường Giang...   

Thoáng nghe qua đã thấy hấp dẫn rồi. Thử nghĩ, tại sao một Làng quê Đường Lâm ở Bắc bộ, như nơi hiện đang thờ danh tướng Ngô Quyền lại hấp dẫn du khách đến thế? Tại sao Làng quê Bát Tràng lại gợi hứng cho cảm xúc đến thế. Tôi đã tìm đến, và tưởng chừng như không ghi nhận ngay thì đêm ấy sẽ không sao ngủ yên trước vẻ đẹp dân dã đã chín dần trong tâm tưởng. Thì ra, nhà thơ khi du lịch vẫn là kẻ “có lợi” nhất, vì ít ra ngoài những sản vật, kiến thức đem về, anh ta còn có dịp tiếp cận với một nguồn năng lượng mới để làm giàu cho cảm hứng sáng tạo. Lại nghĩ, làm du lịch mà không “móc túi” được du khách thì đâu phải làm du lịch.

NGÀY XUÂN BÀN PHIẾM CHUYỆN DU LỊCH - 3

Với tôi, có hai trường hợp đáng nhớ: Năm kia khi đặt chân lên Mỹ Sơn, ngay giữa trời nắng chói chang chúng tôi phải lội ngược về Đà Nẵng, vì nơi ấy không có gì để... ăn cho khoái khẩu! Và năm nọ, nhân dịp 30.4, chúng tôi ra Vũng Tàu chơi, cứ tưởng tiền thuê khách sạn cũng như “ngày như mọi ngày”, nhưng không ngờ do đón số lượng khách nhiều nên các khách sạn lập tức... tăng giá đồng loạt gấp đôi! Bực mình quá, chúng tôi phải bấm bụng. Lúc về nhà, tôi viết bài báo cho phản ánh đăng trên báo Vũng Tàu. Nhưng sau đó, dăm lần tôi gọi điện thoại Anh Toàn – lúc ấy, Tổng biên tập Báo, hỏi Sở Du lịch có trả lời gì không thì Anh cho biết là... không! Thế là mỗi lần nghĩ đến nơi ấy, muốn đi chơi lần nữa, cũng ngại chạm phải kiểu “cứa cổ” trên. nên đành chuyển đi chơi ở Mũi Né vậy.

Trong khi đó, đến Thái Lan, tôi thấy họ nghĩ ra nhiều “độc chiêu” để “moi” tiền của du khách một cách hợp lý. Mà thôi, kể lại làm gì, ai cũng biết cả rồi, lại không khéo có người cho rằng “đi xa về nhà nói khoác”, vì sự so sánh nơi này với nơi kia bao giờ cũng làm người chưa đi xa bực mình. Thế những, cho tôi được tâm đắc với một chuyện khá thú vị, là lâu nay ta đã và đang báo động về một số làng nghề Việt Nam đang có nguy cơ bế tắc, sản phẩm làm ra không có người mua v.v... Sao ta không thử làm như họ, ví dụ như đem tranh dân gian Đông Hồ in vào vải lụa thật đẹp theo đủ kích cỡ để bán cho du khách?

NGÀY XUÂN BÀN PHIẾM CHUYỆN DU LỊCH - 4

Tôi đã thấy trong các siêu thị, trên hè phố Bangkok bày bán rất nhiều tranh dân gian Thái - in trên lụa với giá rất rẻ, chỉ khoảng 25 - 30 “bat” (tương đương 10.000 -12.000 đồng VN) mà thôi. Nếu đến Huế - chỉ đến Thành nội Huế là ta mới có thể mua được loại tranh in các phiên bản cảnh trên đỉnh đồng triều Nguyễn bằng giấy Dó. Sao ta không phát triển rộng rãi loại tranh độc đáo đó như ở Thái Lan. Họ cũng cho in các điêu khắc văn hóa của họ bằng phương pháp thủ công, nhưng đường nét thật sắc sảo, sắc nét trên vải lụa. Lập tức nó nó hoàn toàn khác với tranh giấy Dó của ta chỉ để trong bộ sưu tập - thì của họ, ta có thể treo trên tường cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

            Còn nhiều chuyện để bàn nữa, mà thôi. Tết đã đến rồi!

L.M.Q

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT