Về Cần Thơ tham gia ngày hội chợ nổi lớn bậc nhất miền Tây
Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng với chủ đề “Bảo tồn và phát triển văn hóa Chợ nổi Cái Răng” diễn ra từ ngày 7 đến 9/7, tại điểm dừng chân Chợ nổi Cái Răng.
Bà con chạy ghe, xuồng tới Chợ nổi Cái Răng để mua sỉ nông sản về bán lẻ. Ảnh: Đăng Huỳnh.
Chợ nổi Cái Răng từ lâu đã trở thành thương hiệu của du lịch Cần Thơ. Đây không chỉ là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, mà còn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm nay, Ngày hội có khoảng 15 hoạt động với quy mô trên 60 gian hàng. Một số điểm nhấn và điểm mới của Ngày hội năm nay là hội thi “Nét đẹp áo bà ba xưa và nay”; hội thi trưng bày mô hình ghe, tàu - cây bẹo mua bán nông sản tại Chợ nổi Cái Răng; Ngày hội chuyển đổi số du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Đồng thời có các hoạt động: lễ khai mạc, diễu hành tàu trên sông, vớt rác trên sông, các gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu đặc sản, bánh dân gian Nam Bộ, hội thi đàn hát dân ca, giải đua thuyền rồng, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông…
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; UBND TP Cần Thơ cũng phê duyệt Đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng”. Đó là những tiền đề quan trọng để gìn giữ và khơi dậy tiềm năng chợ nổi gắn với phát triển du lịch, bảo tồn nét văn hóa đặc thù miền sông nước.
Theo Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, trong quy hoạch TP Cần Thơ có quy hoạch một số cảng biển trên sông Hậu, trong đó có Cảng khách Quốc tế Cần Thơ (bờ phải sông Hậu, tại bến phà Cần Thơ cũ); Cảng thủy nội địa hành khách (bờ phải sông Hậu, phía trước Quảng trường khu dân cư 586). Dự kiến triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2030.
Đồng thời, theo phân khu quy hoạch chi tiết 1/500 quận Cái Răng có quy hoạch một số bến tàu gắn với khu đô thị mới. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng các khu đô thị mới sẽ đồng thời triển khai xây dựng các bến tàu du lịch.