“Trải kỷ” - lễ nối số của người Nùng Khen Lài ở Hạ Lang

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những người có bản mệnh mỏng hay đau ốm sẽ được làm lễ bắc cầu, nối số để cầu sức khỏe và sống thọ hơn. Lễ bắc cầu nối số của người Nùng Khen Lài được gọi là ''trải kỷ''.

Tại Cao Bằng, người Nùng có các nhóm như: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang, Nùng Khen Lài... phân bố hầu hết khắp các huyện trong tỉnh. Trong đó, các huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang có người Nùng chiếm số đông. Ở Hạ Lang, người Nùng Khen Lài cư trú chủ yếu tại 2 xã Thị Hoa, Thống Nhất.

“Trải kỷ” - lễ nối số của người Nùng Khen Lài ở Hạ Lang - 1

Bộ dụng cụ được thầy Tào sử dụng trong các nghi lễ của người Nùng Khen Lài huyện Hạ Lang.

Ở xã Thị Hoa, người Nùng Khen Lài chiếm đa số, cư trú hầu hết tại các xóm với 80% dân số; số còn lại là người Tày. Người Nùng ở đây vẫn giữ tập quán truyền thống với các nghi lễ vào nhà mới, đám tang, đám cưới, lễ đầy tháng... Theo phong tục, tập quán của người Nùng, với người đã khuất không làm giỗ, chỉ khi từ 49 tuổi trở lên, hằng năm đến ngày sinh nhật, gia đình sẽ tổ chức lễ sinh nhật. Đến 61 tuổi trở lên gia đình sẽ làm lễ mừng thọ.

Người Nùng, Tày cho rằng mỗi người đều có số mệnh, tiếng Nùng, Tày gọi là ''mỉnh'', bản mệnh của mỗi người mạnh hay yếu thể hiện ở sức khỏe. Nếu người nào đó hay ốm đau, bệnh tật thì bản mệnh mỏng, người nào khỏe mạnh chứng tỏ bản mệnh dài và dày nên sẽ được sống thọ. Những người có bản mệnh mỏng hay đau ốm sẽ được làm lễ bắc cầu, nối số để cầu sức khỏe và sống thọ hơn. Lễ bắc cầu nối số của người Nùng Khen Lài được gọi là ''trải kỷ''.

Lễ trải kỷ do thầy Tào thực hiện. Sau khi thầy Tào định được ngày tốt, gia đình có người tổ chức lễ trải kỷ sẽ mời họ hàng và con cháu đến dự lễ vào ngày đã định. Theo phong tục, khi đi dự lễ trải kỷ mang theo 1 kg gạo tẻ, 1 con gà để biếu gia chủ. Riêng con gái của gia đình mang đến 2 kg gạo nếp, 2 kg gạo tẻ, 1 con gà, 1 đôi bánh dày to. Tất cả đồ lễ được bày để cúng trước bàn thờ...Để chuẩn bị cho lễ trải kỷ, người nhà phải chuẩn bị thang tre - cầu nối giữa hai cõi âm dương, ống tre để đựng lương thực... Lễ trải kỷ gồm hai bước cơ bản: lễ Pú Lường và lễ Chay Mạy Ỏ. Pú Lường là bù lương thực để cơ thể người làm lễ được khỏe mạnh. Chay Mạy Ỏ - trồng mạy ỏ (tiếng địa phương) để bản mệnh người được làm lễ sẽ sống thọ.

Việc bù lương thực do con cháu người được làm lễ đảm nhiệm, khi thầy Tào thực hiện đến lễ Pú Lường và đọc đến đoạn: “Sỉnh thây mạy cuốn sang lường cuốn dáo nời. Sỉnh pú nòng kép vạ mai, lồng pài vạ khồm. Tỷ dá dằng mì phải đăm mà hắt chướng. Phải phước mà hét kiều. Nồng mà síp mình mấu. Sấu mình đay, mỉnh bố sù au mạy si mà síp hử mìn sì, pi bố quảng âu mạy si mà síp hử mìn quảng, hử mìn dú đảy xiêu chỗ hác, pác chổ vuồng. Pha tứ cuông cỏi cuông, pha luông cộm coi cộm, pha tắm cùi cỏi cùi. Hao ét tổ mí làng. Cống tỏ sàng. Dì tố kim nèn páo zìn sàng. Sam tố con làng khon hí sản. Sí tổ phù lù máy nèn sàng, hả tố sèn sài páo pỉnh vàn...”.

Đoạn thơ trên tạm dịch nghĩa là: “…Dải vải để làm cầu, đến chỗ làm đón mệnh mới. Để bản mệnh dài bền vững. Các con cháu sẽ lần lượt mang gạo từ dậu đổ vào ống tre. Việc này mang ý nghĩa bù cho số mệnh của người được làm lễ được thêm dài...”.

Đến lễ Chay Mạy Ỏ, thầy Tào sẽ cầm theo cây và thang tre nhỏ ra đến ngã ba vừa đọc “Mạy Ỏ mà chỏi sèng, trình seng mà tẳm mỉnh”, nghĩa là “Trồng Mạy Ỏ để thêm sức, để cây bản mệnh vững”.  

Thầy Tào miệng đọc thơ và tay trồng cây Mạy Ỏ. Việc này có ý nghĩa để người làm lễ thêm sức khỏe, để cây bản mệnh dài thì người đó sẽ sống thọ (pi quảng).

Đối với người Nùng Khen Lài, thực hiện lễ trải kỷ như một cách để làm bình ổn tâm lý của người già. Ngoài ra, lễ trải kỷ còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, mong muốn người già được khỏe mạnh, sống lâu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Rộn rã hội đình làng biển
Rộn rã hội đình làng biển

Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp trở về Trà Cổ, đắm mình trong không khí rộn rã của hội đình làng biển.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngân Hà (Báo Cao Bằng)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.