Liên tục ba ngày qua, các nghệ sị, nghệ nhân và diễn viên đến từ nghiều tỉnh, thành trong cả nước đã trình diễn những chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc; tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu ở Hội thi Diễn xướng dân gian các dân tộc tại Quảng Ngãi. Hội thi đã quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc.
Tối 4/8, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ bế mạc Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024.
Trong 3 ngày diễn ra hội thi, các đoàn nghệ thuật đã trình diễn những chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc; tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu phục vụ người dân và du khách.
Phần thi dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống có 108 tiết mục được trình diễn. Phần trang phục truyền thống đã mang đến hội thi 52 bộ trang phục truyền thống đặc sắc của các dân tộc.
Phần thi trình diễn tái hiện các nghi lễ đã giúp khán giả trải nghiệm về 24 lễ hội truyền thống mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc của các địa phương, dân tộc. Phần thi ẩm thực của 20 đoàn tham gia tranh tài đã giới thiệu, quảng bá trên 100 món ăn độc đáo.
Phát biểu bế mạc hội thi, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy cho hay, hội thi đã đáp ứng về quy mô, chất lượng nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền. Qua đó, tích cực quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc.
Nhiều đoàn đã bám sát mục đích, yêu cầu quy chế của ban tổ chức đề ra để xây dựng chương trình, tiết mục tham dự đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật. Kết cấu chương trình chặt chẽ, dàn dựng công phu, hoành tráng, sôi động nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đảm bảo được tính nguyên gốc của các bài dân ca, nhạc cổ.
Thành công của hội thi là có sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, có cả các em nhỏ trình diễn, biểu diễn cùng với các nghệ nhân lớn tuổi. Đây là điều đáng mừng và đáng khích lệ đối với thế hệ trẻ say mê và yêu mến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Dịp này, các đại biểu và khán giả được thưởng thức các tiết mục đặc sắc được công diễn như: Hòa tấu “Âm vang nguồn cội” của đoàn Ninh Thuận; hát Dân ca K’ho “Nhắn gửi yêu thương” của đoàn Lâm Đồng; Hò khoan Lệ Thủy đối đáp của đoàn Quảng Bình; tái hiện Nghi lễ kết nghĩa Prơngooch của đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam; Hò bá trạo của đoàn Phú Yên; múa dân gian “Hoa của đất” của đoàn Hải Dương; múa Dâng của đoàn TP.Hồ Chí Minh và tổ khúc giã bạn: Người ở đừng về - Con nhện giằng mùng của đoàn Bắc Giang.
Kết quả, ở phần thi nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức trao 8 huy chương Vàng cho 8 đơn vị gồm: Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Yên và Ninh Thuận. Huy chương Bạc được trao cho 16 đơn vị còn lại.
Ở phần thi trang phục truyền thống, giải Nhất thuộc về đoàn Điện Biên; giải Nhì thuộc về đoàn Bắc Giang, Ninh Thuận; giải Ba thuộc về đoàn Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Đắk Lắk. Giải Nhất phần thi ẩm thực thuộc về đoàn Hòa Bình; giải Nhì thuộc về đoàn Quảng Ngãi, Sơn La; giải Ba thuộc về đoàn Hải Dương, Lai Châu, An Giang. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao huy chương Vàng cho 25 tiết mục dân ca, dân vũ xuất sắc nhất và huy chương Bạc cho 45 tiết mục dân ca, dân vũ của các đơn vị.
Tại lễ bế mạc, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch trao Bằng khen cho hai tập thể gồm: Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi; UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân có thành tích đóng góp tích cực tại hội thi.