Tháng ba, lên Minh Hoá với chợ rằm
Lễ hội Rằm tháng 3 được mở lại trong sự háo hức của cư dân huyện Minh Hoá và du khách gần xa.
Đây là lễ hội thường niên lớn nhất của đồng bào nhiều dân tộc ở huyện miền núi cao Minh Hoá. Năm 2004, Lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hóa cấp tỉnh, với ba yếu tố được duy trì từ xưa đến nay: lễ, hội, chợ…
Người dân Minh Hoá bây giờ không ai không biết câu ca nằm lòng từ xưa của ông cha mình: “Thà ốm mà nằm, ai mà nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba…”. Tục truyền rằng, ngày xửa ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên núi lèn Ông Ngo thuộc xã Yên Hoá (Minh Hoá) tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động, trong đó có rất nhiều tượng bụt bằng đá. Ba anh em bèn mỗi người vác lấy một pho tượng mang về nhà. Đi đến một ngọn thác họ dừng lại tắm. Sau khi tắm xong trở lên thì họ không sao nhấc nổi các pho tượng ấy lên vai nữa. Họ đành bỏ lại tượng ấy mà về. Và sau đó dòng thác mà họ bỏ tượng lại đã mang tên thác Bụt. Từ đó mỗi mùa xuân đến vào rằm tháng 3 âm lịch là người dân quanh vùng kéo nhau đến Thác Bụt để dâng hoa, thắp hương cầu tự, cầu tài, cầu lộc cho cả một năm mới. Nơi đây cũng trở thành cội nguồn của Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hoá.
Lễ cúng ở Thác Bụt
Lễ hội này nguyên là của đồng bào dân tộc Nguồn ở Cơ Sa, Kim Linh. Là tết to nhất trong năm, sau đó có thêm chợ rằm tháng 3 được tổ chức vào ngày 16 âm lịch. Vào ngày rằm này tất cả mọi nhà của dân tộc Nguồn đều làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, cho con cháu ăn tết rằm.
Dịp này dân làng ở tổng Cơ Sa cũng đem xôi, oản lên cúng Bụt ở Thác Bụt để cầu yên vui, thịnh vượng, mùa màng tốt tươi. Còn dân làng Kim Linh thì làm lễ cầu đảo, cầu cho mưa thuận gió hoà… Và cứ thế Lễ hội rằm tháng 3 còn truyền lại đến ngày hôm nay, để trở thành một lễ hội lớn ở phía Tây Quảng Bình, tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá.
Tượng Bụt ở thác Bụt
Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, ngay từ tinh mơ các ngày trước rằm, những người cao tuổi nhất trong làng được mời ra thắp hương vái lạy tượng Bụt ở thác Bụt, đồng thời dâng lễ là những sản vật gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân nơi đây.
Thường thì sáng ngày 15/3 âm lịch bắt đầu hành lễ chính, nhưng có năm thì từ ngày 13/3 phần hội đã diễn ra bởi có rất đông người từ các bản làng, xã trong huyện và tỉnh đổ về. Dưới ánh trăng pha sương huyền ảo của miền sơn cước rẻo cao, chợ rằm tháng 3 được nhóm họp. Từ chiều các ngày từng đoàn người gùi mang sản vật tới chợ rằm bày bán, trao đổi tạo ra cảnh nhộn nhịp, huyên náo mà lại rất trữ tình.
Trong khói sương, từng đống lửa được đốt lên để nấu nướng. Người dân tộc bày bán các món ăn gắn liền với lễ hội từ xưa truyền lại, như ốc suối, cá mát đánh bắt từ suối nướng chấm muối trộn ớt... Món bồi ăn với ốc đực, canh trứng kiến nấu với lá bún, rượu đoác, rượu cần… Du khách không chỉ được thưởng thức mà còn được thấy nhiều loại nguyên liệu để chế biến món đặc sản của đồng bào các dân tộc, như cá mát, cá leo, cua đá, ốc đực, ốc đá, trứng kiến, rau bún, rau tớn, cà lào, mật ong, nấm mối… Nếu muốn, du khách cũng được đồng bào hướng dẫn cách chế biến các món ăn dân dã từ các nguyên liệu của núi rừng.
Một mâm cơm trong hội thi nấu ăn
Đêm 14/3 được coi là đêm của thanh niên trai gái gặp gỡ nhau… Chợ tình tháng 3 cũng bắt đầu từ đây. Người dân tộc Nguồn dù có làm gì đến đâu cũng ưu tiên cho thanh niên trong nhà đến chợ. Trong đêm trăng lung linh, với cái lạnh se se của miền rừng núi đá vôi, từng nhòm, từng đôi nam nữ mang áo quần đẹp nhất của dân tộc mình quấn quýt bên nhau trò chuyện, hẹn hò.
Họ trao cho nhau tà áo, tấm khăn thổ cẩm hay chiếc vòng tay để kỷ niệm một lần gặp gỡ. Rồi từ đây trong năm mới cũng có những cặp thành đôi vợ chồng, cho dù bản làng của họ có cách xa nhau nhiều cây số. Dưới trăng suông khi trời về nửa đêm bắt đầu vẳng lên câu hát giao duyên. Đó là những lời hát đúm, hát sắc bùa bày tỏ tình yêu gái trai, như: “Em đi năm ngày đường đến chợ… Anh đi bảy quăng dao đến đây…”.
Trong lễ hội rằm thì hoạt động văn nghệ cũng diễn ra rất sôi nổi trong đêm như nhạc đường phố, vui trẩy hội... Phần đông là do các nghệ nhân dân gian trong huyện còn giữ được các điệu hát xưa biểu diễn. Các làn điệu quen thuộc của đồng bào các dân tộc nơi đây là hát đúm, hò thuốc cá, hò kéo nôốc (thuyền), hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, múa lăm vông (giao thoa với đồng bào Lào biên giới).
Người Minh Hoá có điệu hò kéo nôốc với điệp khúc đệm: “Ai lên Minh Hoá… hôi lên là hôi lên… xin mời ghé lại… hôi lên là hôi lên… Mật ngọt bồi ngon… hôi lên là hôi lên…”. Những điệu hò này trở thành nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong các mùa lễ hội hay sinh hoạt văn nghệ quần chúng của đồng bào.
Trong lễ hội năm nay, các hoạt động thể dục thể thao truyền thống cũng được tổ chức như thi đấu 8 môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian: bắn nỏ, kéo co, thả diều, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, vật dân tộc và đi cà kheo, bắn cung, ném xoay, thi đấu bóng chuyền nam, nữ… Bao trai tài gái sắc và thiếu niên cùng tham gia trổ tài và làm duyên.
Một màn múa hát trong lễ hội
Người ta đi lễ hội rằm tháng 3, ngoài vui chơi, tìm hiểu cái lạ mắt lạ tai trong ngày xuân, còn một vui thú khác là được nếm những món ăn của đồng bào dân tộc Nguồn ở chợ rằm. Ở chợ rằm hàng hoá và món ăn được bày bán ngay từ đêm 13, 14 với đủ các mặt hàng từ miền xuôi đến miền ngược, như cá mắm, vải vóc, áo quần, đồ gia dụng… đến củ khoai, chai mật ong rừng, từng cái rổ cái gùi, con dao… Trong đó mặt hàng được nhiều du khách tìm mua là mật ong rừng nguyên chất, là sản vật nổi tiếng lâu nay của Minh Hoá. Chợ rằm ngày nay ít trở thành nơi trao đổi hàng hoá như xưa, mà nay chỉ bán hàng hoá và sản vật theo thị trường hiện đại.
Nếu ai đến với Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hoá mà chưa nếm được vị các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây thì coi như chưa biết đến lễ hội. Bởi trong chợ rằm cũng diễn ra hội thi nấu ăn làm các món ăn của đồng bào các dân tộc.
Trước đây tất cả các xã trong huyện đều cử ra một đội nấu ăn từ 3 đến 5 người, ai bày cỗ đẹp, món ngon là thắng cuộc. Các món ăn thường được làm bằng cá suối nướng, ốc đá luộc hoặc xào, canh ốc, nấm rừng, canh trứng kiến, bánh bột gạo gói lá…
Đặc biệt là món chè bắp non lẫn bột sắn và bánh bồi là không thể thiếu. Bồi là món ăn đặc sản luôn có trong chợ rằm, được làm từ bột ngô xay mịn, đồ cho chín trong chõ tre hoặc mây, xong ép thành từng bánh tròn hoặc vuông, dày mỏng tuỳ thích người làm. Bồi có màu vàng của ngô, đôi khi người ta cho lẫn vào cả đậu đỏ cho thêm phần hấp dẫn. Ăn bồi vừa béo vừa bùi, càng nhai càng thấy ngọt. Khi ăn bồi có thể ăn không hoặc chấm với mật ong tùy khẩu vị từng người. Các món ăn không tìm thấy đâu là sơn hào hải vị, nhưng mà một lần qua chợ rằm đã nếm thử rồi, là cứ muốn cho mau chóng đến tháng 3 năm sau để còn được nếm nữa.
Đi chợ rằm tháng 3 Minh Hoá , với người Minh Hóa, còn là sự buông bỏ hết mọi muộn phiền trong cuộc sống để vui chơi, để ca hát và để xích lại gần nhau hơn.
Đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) lên Minh Hoá
Nhiều du khách sau những ngày dự Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hoá, khi xuôi về, như vẫn nghe đâu đó trong trời cao, trong rừng cây xanh thẳm vẳng lại những câu hò thuốc cá, câu hát đúm: “Em bỏ lời cha lời mẹ, em lội suối băng rừng, chân đi không biết mỏi đến đây tìm anh…”.