Tản mạn về bánh mì Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi có thằng em ở Quy Nhơn vô giúp việc, cuối tuần muốn chiêu đãi nó ăn ngon, hỏi muốn ăn gì? Nó nói, ăn bánh mì. Lúc đầu tôi tưởng nó ngại tốn kém nên nói vậy, sau nhiều lần thì nó trả lời, bánh mì nóng giòn, ngon vì có nước sốt và pa-tê mặn mòi hơn. Nó nói ăn bánh mì có nhận thịt là ngon rồi, hồi còn sinh viên tụi em ăn bánh mì lạt (không thịt). Thật vậy, mỗi lần về quê, ngồi chỗ trạm xe ở đường Tản Đà, tôi thấy có một thanh niên chạy xe đạp có gắn loa rao “bánh mì nóng giòn đây”, nhiều người kêu lại mua và nhai nhóp nhép vì bánh nóng giòn. Tôi hỏi anh bán bánh, có chắc bánh anh lúc nào cũng nóng giòn không? Tôi biết ở các xe bánh mì cố định đều có lò than, bánh mì để trong hộc thiết, nhiệt độ tỏa bền trong hộc thiết, còn anh này với giỏ cần xé đậy bằng bao bố thì vài giờ cũng hết nóng giòn. Anh bán bánh cho biết, lò bánh ở gần khu phố này, mỗi lần ghé lò chỉ lấy khoảng 30 ổ thôi, đi một vòng bán hết về lấy bánh mới, nhờ vậy mà lúc nào cũng có bánh nóng. Bánh mì Sài Gòn có cái ưu điểm, ăn trong lúc nóng cũng ngót ngót có vị ngọt nên ngon. Khách mua, ăn từ từ bẻ từng miếng đưa vào miệng cũng là cái khoái!

Tản mạn về bánh mì Sài Gòn - 1
Một mẻ bánh mì vàng giòn. Ảnh: Mây

Ở Sài Gòn thì hầu như con đường nào, khu phố nào cũng có xe bánh mì. Lựa chỗ bán bánh ngon vừa ý đôi khi phải lội xa một chút. Cơ quan tôi ở Quận 3, chiều làm thêm giờ thì ăn bánh mì, thằng em phải chạy ra Huỳnh Khương Ninh mua về một chục ổ, giá rất rẻ.

Trong khu vực chợ Tân Định còn có một xe bán bánh mì phá lấu ngon, nên anh bạn nhà báo nhậu trưa đói bụng phải đến trước cổng trường đường Trần Quốc Toản để mua về làm mồi nhậu tiếp. Nói đến bánh mì phá lấu thì tiệm của người Triều Châu đường Nguyễn Trãi, Quận 5 là độc đáo. Chỉ nhìn dòng người xếp hàng mua thì khách hàng đến sau tin tưởng là bánh mì ngon rồi.

Bánh mì cũng như cơm thích nghi với các loại thức ăn khác, cái nào cũng có thể làm nhân bỏ vô giữa cũng được. Đa số các xe bánh mì đều có pa-tê, chả lụa, bơ, pa-tê gan, cá mòi hộp, đương nhiên là các thứ này đều phải có dưa leo, cà chua, ngò, rau cần tây... Về sau, bánh mì được đưa trứng gà vào ổ bánh, lạp xưởng, chà bông, bì, xíu mại viên.

Tản mạn về bánh mì Sài Gòn - 2
Thực khách luôn nhớ đến hương vị bánh mì đôi khi chỉ vì vị sốt độc đáo. Ảnh: Mây

Trên đường Trần Hưng Đạo, gần khu Trung tâm văn hóa Quận 5 có người bán bánh mì bì rất ngon, giá rẻ, chỉ bán đến hơn 8 giờ là hết. Chỗ này có hai loại, bánh mì bì và bánh mì xíu mại, trước Tết chỉ có 12 ngàn đồng! Tôi có anh bạn sành ăn chỉ tôi bánh mì nhân xíu mại khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần tiệm nước Tân Sanh Hoạt. Người bán bỏ mấy viên xíu mại, không có nước, xịt xì dầu tương ớt vô, ăn ngon mà lạ miệng.

Nếu như ngày xưa và bây giờ ở các tỉnh chỉ có pa-tê chả lụa, thì ở Sài Gòn dùng chả cá, chả bò đưa vào bánh mì. Chả cá được lấy ở Phan Thiết, Nha Trang giá rẻ, đem về chiên nóng lại trước khi cho vô bánh mì, vừa nóng lại vừa hợp vệ sinh nên khách mua đông. Trước đây, trên đường Lê Quý Đôn có xe bánh mì chả cá, 10 ngàn đồng một ổ, nay dường như không còn. Còn chả bò có vị giống như chả lụa heo nên Tuấn Mập mở ra nhiều điểm, rất ăn khách.

Bánh mì ngon nhờ thịt nhiều, một ổ bánh của Như Lan (Hai Bà Trưng) giá tiền bằng hai đến ba lần bánh mì lề đường. Tuy nhiên, ở Hóc Môn bánh mì rất ngon, giá khoảng 15 đến 16 ngàn đồng. Nổi tiếng lâu năm có Mỹ Phụng, đường Nguyễn Ảnh Thủ, có lò điện tại chỗ nên bánh lúc nào cũng nóng giòn, khách muốn ăn trưa không có đợi 4 giờ chiều mới có bánh mới ra lò. Cách nay hai năm có hiệu bánh Những Chàng Trai ra bán gần đường Tô Ký (Quận 12) với giá tương đương nhưng ổ bánh dài hơn, có thể cắt hai cho hai người dùng được. Có lẽ với giá rẻ nên thương hiệu này có hai chi nhánh, một ở đường Thống Nhất, Gò Vấp, một ở Lê Văn Khương, Phường Thới An, Quận 12. Mỗi lần chúng tôi họp bạn ngoài Sài Gòn, các anh chị yêu cầu mua ở đây mỗi người một ổ.

Ở chợ Hóc Môn có hiệu bánh mì Ngon Nhất, được khách hàng ưa chuộng, so với các hiệu trong địa phương thì tương đương, nhưng ổ bánh cứng hơn, nhưng cũng tự tin là ngon nhất! Đối diện và nằm cùng phía chợ có lò bánh mì Bửu Hiệp, quy mô nhỏ hơn hiệu Ngon Nhất, nhưng bánh mì nhiều thịt hơn và bánh mì thì nóng giòn vì có hai lò điện thay phiên nhau ra bánh.

Tản mạn về bánh mì Sài Gòn - 3
Một trong những cửa hiệu bánh mì được nhiều người yêu thích ở Hóc Môn. Ảnh: Lương Minh

Lúc này là thời đại dịch, một số người không dám ăn bên ngoài nên hàng quán bán ít nhưng các lò bánh mì lại sản xuất tăng số lượng. Người ta mua “bánh mì không” đem về nhà nhiều hơn. Người thì ăn theo Tây, bánh mì với chuối già, cùng một miếng phô mai; người ăn đơn giản thì chấm với sữa đặc hộp cũng qua một bữa sáng. Mấy nàng công nhân viên đi làm, trưa không ra ngoài cũng bánh mì với cá hộp, uống ly trà lipton là xong.

Bánh mì còn là thức ăn của giới tu hành. Đã có bánh mì chay phục vụ ở gần các chùa. Bánh mì chay ở các thương hiệu không rẻ đâu. Bánh mì chay Thôi Kệ trên đường Bà Hạt ở Quận 10, bánh mì chay Tùy Duyên ở Quận 4; bánh mì chay Hạnh Tường ở xã Bà Điểm, Huyện Hóc Môn. Tên các cửa tiệm cũng đượm hơi thiền nên không cần để chữ thức ăn chay người ta cũng biết.

Lương Minh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT