Nghỉ lễ này bạn hãy thử đi trẩy hội chợ tình lớn nhất nước
Dịp lễ này, tại thị trấn Mộc Châu, bạn sẽ gặp hàng ngàn chàng trai cô gái dân tộc vùng cao sẽ đổ về chợ tình, với mong muốn tìm vợ tìm chồng, gặp lại người thương.
Chưa đến cuối tháng 8 nhưng người dân Sơn La đã bắt đầu nô nức hướng đến chợ tình Mộc Châu – một nét văn hoá trong chuỗi sự kiện Tết Độc lập - lễ hội lớn nhất của vùng đất giàu truyền thống văn hoá này.
Sắp tới, thị trấn Mộc Châu sẽ bừng sáng xuyên ngày và tới đêm khuya với những cô gái H’mông xinh đẹp
Chợ tình Mộc Châu (thuộc huyện Mộc Châu – cách Hà Nội 180km), có từ lâu đời với tục “bắt vợ”, là chợ nhưng đó không phải là nơi buôn bán – mà là một nét văn hoá đặc trưng của người H’mông.
Theo tục cũ, nếu một cô gái và một chàng trai mến nhau, hoặc chỉ một phía từ chàng trai thì phía nhà trai sẽ nhờ bạn bè đi “bắt vợ”. Cô gái bị bắt về được ở phòng riêng trong 3-5 ngày.
Trong thời gian đó, chàng trai không được gặp cô gái, cũng không được nói chuyện với cô. Khi mẹ hoặc chị gái của nhà trai đưa váy áo cho gô gái thay, nếu cô gái đồng ý lấy chàng trai thì sẽ mặc váy vào.
Sau này, tục “bắt vợ” đã không còn, nhưng mỗi năm vào Tết Độc lập – ngày hội văn hoá lớn nhất của người H’mông thì thanh niên, thiếu nữ đều xem như là dịp để tìm một nửa kia của mình, hoặc là gặp lại người yêu cũ.
Tái hiện cảnh “bắt vợ” trong một buổi trình diễn văn hoá nghệ thuật tại Mộc Châu.
Cứ đến dịp này, người H’mông ở khắp nơi như Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, ... sẽ về Mộc Châu để tham gia lễ hội. Đặc biệt là các chàng trai – cô gái đi tìm người thương, tìm vợ, tìm chồng. Họ sẽ mặc trang phục đẹp nhất, các chàng trai còn mang theo những chiếc khèn, sáo… để trổ tài lấy lòng đối phương.
Lễ hội thu hút nhiều bạn trẻ đến vui chơi
Đến với lễ hội chợ tình Mộc Châu, bạn sẽ lạc bước vào muôn sắc màu đẹp đẽ của trang phục người H’mông.
Người H’mông có nhiều nhánh và mỗi nhánh có đặc trưng trang phục riêng nên trên những con đường của thị trấn Mộc Châu ngày 1-2/9 sẽ rực rỡ sắc hoa, lấp lánh đồ trang sức cùng bao gương mặt xinh đẹp tràn đầy sức sống của thiếu nữ vùng cao.
Dù nhịp sống vùng cao đã ngày càng hiện đại hơn, nhưng tại đây, bạn sẽ bắt gặp những đôi mắt trong veo lúng liếng đưa tình, nhưng đôi má hồng hào đầy e thẹn của các thiếu nữ. Tất cả tạo nên một màu sắc thắm đượm và đẹp đẽ.
Năm nay, chợ tình vẫn diễn ra cùng với những lễ hội đặc sắc khác tại Mộc Châu. Đặc biệt, tại đây sẽ tổ chức Tuần Văn hoá Du lịch huyện Mộc Châu 2024 với chủ đề Mộc Châu – Tiếng gọi mùa yêu, diễn ra từ ngày 28/8 đến 4/9.
Những ngày lễ có rất nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật tại Mộc Châu.
Xuyên suốt lễ hội có rất nhiều hoạt động như: Hội chợ kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn, trại văn hoá các dân tộc, trưng bày – giới thiệu nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người H’mông, tổ chức bay dù lượng, bắn pháo hoa tầm trung mừng Quốc khánh…
Đặc biệt, vào tối 1/9, tại quảng trường 8/5 sẽ có chương trình nghệ thuật Đắm say đêm hò hẹn với nội dung công bố danh mục Di sản văn hoá phi vật thẻ Quốc gia cho di sản ở địa phương: “Lễ hội Cầu mưa” của người Thái Trắng, xã Mường Sang, Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Tiền; Nghi lễ Mo Mường của dân tộc Mường và nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống.
Lượng người đổ về lễ hội rất đông nên bạn cần có kế hoạch ăn ngủ nghỉ từ sớm để đảm bảo cho một chuyến đi thú vị. Tại Mộc Châu đồ ăn rất ngon, bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng như bê chao, cá suối chiên giòn, rau cải mèo… Gần thị trấn cũng có nhiều homestay đẹp để bạn nghỉ dưỡng, tuy nhiên du khách nên đặt trước để tránh tình trạng hết phòng.