Lễ hội Sayangva - Nơi kết nối cộng đồng người Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hơn 9.000 người dân tộc Chơ Ro đang sinh sống tại các huyện Châu Đức, Châu Pha, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là ngần ấy hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau. Nhưng họ đều có chung một niềm kiêu hãnh tự vào về lễ hội Sayangva - nơi kết nối đoàn kết cộng sinh các tầng lớp dân tộc Chơ Ro đời đời bền vững.

Độc lạ nhưng thắm tình dân bản

Nếu Xuyên Mộc là một trong ba huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số người dân tộc Chơ Ro sinh sống nhiều nhất, thì ấp Tân Lâm, xã Bàu Lâm là “nguồn cội” văn hóa của người Chơ Ro. Nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng nổi bật nhất ở đây là lễ mừng lúa mới, hay còn gọi là lễ hội Sayangva (tức là lễ cúng Thần lúa). Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơ Ro được tiến hành trong thời gian tháng ba hoặc tháng tư âm lịch hàng năm, vào một đêm trăng thanh gió mát, người dân rảnh rỗi, thôn ấp vui mừng.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia người Chơ Ro quanh năm làm lụng vất vả, nhưng hạn hán triền miên, lúa không trổ bông, ngô không ra bắp, mất mùa thường xuyên, người dân đói khổ. Để không bị “Thần lúa” quở trách, người dân đã tụ lại thành vòng tròn giữa ruộng hoang, đưa tay lên trời cầu thần cho “mưa thuận gió hòa, người dân không đau ốm, thương yêu nhau đoàn kết mưu sinh”. Thấu lời cầu nguyện của dân lành, “Thần lúa” đã  cho lúa trổ bông trĩu hạt, ngô ra bắp đầy đồng, mưa tràn ruộng nương, nước ngọt đầu nguồn chảy về tắm mát cánh đồng lâu ngày hạn mặn. Thấy việc cầu cúng linh ứng, từ đó, cứ sau Tết cổ truyền của dân tộc, người Chơ Ro sẽ tổ chức Lễ hội Sayangva như một sự tạ ơn “Thần lúa”, biết ơn trời đất đã cho họ cuộc sống sinh sôi.

Lễ hội Sayangva - Nơi kết nối cộng đồng người Việt - 1

Nghi thức Lễ Sayangva của người Chơ Rom. Ảnh: Trung Nguyên

Trước đêm diễn ra lễ hội Sayangva, già làng đi thông báo cho mọi người biết địa điểm thời gian và không quên căn dặn mặc trang phục truyền thống đẹp nhất để cúng lễ và múa hát. Trai tân khoẻ mạnh, cơ bắp săn chắc, bắn nỏ giỏi, chạy nhanh, được chọn “dựng chòi, treo lúa, cài bắp”. 12 bó lúa mẩy hạt vàng óng được chọn từ nương cao về treo trước chòi, 12 trái bắp “đực- cái” đều hạt, lột vỏ treo ngược lên thân tre thẳng. Trái cây, rượu cần, thịt heo, chim rừng quay cũng được bày biện trong mâm cúng lễ.

Sau khi các công tác chuẩn bị hoàn tất chu đáo, Lễ hội Sayangva bắt đầu. Trong trang phục áo khố, già làng đứng trước chòi thắp nén nhang, tay đưa lên cao nói: “Hôm nay chúng con tập trung đông đủ tại đây để cảm ơn Thần Lúa đã cho chúng con cuộc sống an lành, mùa màng bội thu, không còn đói rách như xưa. Trước bà con, xin Thần Lúa nhận lễ vật và phù hộ cho bản làng bình yên, đoàn kết làm ăn, mưa thuận gió hoà…”. Dứt lời ắt thì gà trống thiến, chim quay, rượu cần, hoa quả được dâng lên để Thần Lúa chứng giám và nhận lễ.

Sau nghi thức cúng lễ, là sinh hoạt lễ hội. Những nghệ nhân, người già biểu diễn cồng chiêng, thanh niên nữ tú múa hát trong trang phục váy khố. Các trò chơi “đẩy cây”, “nhảy bao bố”, “bịt mắt bắt dê”, “nhảy sạp” cũng được tổ chức với đông đảo bà con tham gia.

Lễ hội Sayangva - Nơi kết nối cộng đồng người Việt - 2

Người dân bản xứ biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Trung Nguyên

Trước đây mỗi lần Lễ hội Sayangva chỉ có người Chơ Ro dự lễ và vui chơi, nhưng từ khi chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng nét đẹp văn hoá tín ngưỡng và sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nhiều bà con không phải dân tộc Chơ Ro cũng tham gia đông đảo như  một sự đoàn kết giữa cộng đồng dân cư, đồng thời khơi dậy niềm tự hào nền văn hoá đậm đà đa sắc nhân nghĩa của dân tộc.

Chị Bùi Thị Lệ người dân tộc kinh nhưng lại am hiểu về văn hoá Lễ cúng Thần Lúa cho hay, sở dĩ nghi thức cúng Thần Lúa có 12 bó lúa vàng óng, 12 trái bắp mẩy hạt là vì, số 12 là số may mắn. Hơn nữa, một năm có 12 tháng, người dân cầu nguyện Thần Lúa cho họ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no suốt 12 tháng trong năm. Người Chơ Ro “đi có cặp, ngủ có chòi, ăn có người chung” nên trong Lễ Sayangva chọn bắp ngô “đực cái” hay thường gọi là “ngô nếp tẻ” để làm lễ. Đó cũng là biểu hiện của sự sống sinh sôi phồn thực gắn với đời sống người Chơ Ro ngay từ nông sản, ruộng vườn.

Múa hát gắn kết cộng đồng

Ngoài nghi thức “độc lạ” trong Lễ hội Sayangva, người dân Chơ Ro còn nổi tiếng với những điệu múa dân giã với “bản ngã phồn thực” và những lời hát mang âm hưởng của đại ngàn núi cao rừng sâu. Mỗi điệu múa, lời ca có “thuật điệu” khác nhau, nhưng đều có chung nét văn hoá ngợi ca cách nói hay, việc làm tốt, tinh thần đoàn kết tự giác mưu sinh, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình an, không có đói nghèo, vượt qua dịch bệnh.

“Cầu mùa bội thu” là điệu múa không thể thiếu trong Lễ hội Sayangva. Nam thanh niên mặc khố cầm rựa (dao - PV), nữ thanh niên đeo gùi cầm ống. Họ đi vòng quanh đọc “thần chú” và hát. Anh Tòng Văn Kinh ở ấp 1 xã Bàu Lâm cho biết, thanh niên cầm rựa là thể hiện sức mạnh phát rẫy rừng, chặt củi, san đồi. Nữ đeo gùi là thể hiện gặt lúa, trỉa bắp, cầu thần phù hộ thôn bản làm ăn thuận hòa.

Lễ hội Sayangva - Nơi kết nối cộng đồng người Việt - 3

Trai thanh nữ tú Chơ Ro múa hát trong Lễ Sayangva . Ảnh: Kim Hồng

Quả là thiếu sót nếu không nói về trang phục độc đáo được người Chơ Ro. Trong Lễ hội Sayangva, người Chơ Ro phải mặc trang phục do họ tự tay dệt nên. Đó là bộ váy, khố sắc mầu sặc sỡ họ dệt trong năm lúc nông nhàn.  

Bà Tòng Thị Gái ở (ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết, để may được bộ trang phục đúng chất, người Châu Ro thuở xưa phải tự trồng bông nhuộm sợi, dệt vải làm khố, váy, áo và chăn. Cũng có thể váy khố được dệt bằng vỏ thân cây sau khi tước nhỏ, xe thành sợi. Nhưng dù làm bằng chất liệu bông hay vỏ cây, đều bảo đảo được yếu tố dệt tay với những hoa văn vuông vức và những hoạ tiết màu sắc đan xen tinh tế. Khi cúng lễ, mọi người đều váy khố truyền thống. “Những ô vuông nhỏ dệt tinh tế trên áo, váy, khố là thể hiện lối sống ngay thẳng của người Chơ Ro. Thanh niên mặc khố, nịt trần vai là thể hiện sức khoẻ mạnh, làm chủ cuộc sống, sẵn sàng chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên. Ngoài trang phục chính, người Châu Ro còn trang sức bằng nhiều hình thức khác như vòng kiềng, vòng cườm, căng tai bằng gỗ hoặc ngà voi, dây thổ cẩm cuốn quanh trán cho các chàng trai trẻ, khăn bịt đầu cho đàn ông trưởng thành” - bà Gái cho biết.

Cần bảo tồn văn hóa truyền thống xa xưa

Theo dòng chảy của thời gian và “trào lưu văn hóa hiện đại xâm nhập”, những phong tục tập quán, nếp sống mưu sinh, văn hoá truyền thống không còn nguyên vẹn như thủa xa xưa. Mặc dù chính quyền địa phương có nhiều chủ trương biện pháp để  lưu giữ, bảo tồn, khơi dậy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Chơ Ro, song trên thực tế hiện nay, các nghi thức văn hoá ít nhiều bị “lai căng”. Một số nghi thức đã “biến đổi” cho phù hợp với văn hoá hiện đại, tuy nhiên vẫn giữ được “cốt cách căn bản” truyền thống cha ông để lại như Lễ hội Sayangva.

Lễ hội Sayangva - Nơi kết nối cộng đồng người Việt - 4

Lễ hội thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu và tham gia. Ảnh: Trung Nguyên.

Trước đây, thanh niên trai gái Chơ Ro mặc váy, áo, khố ngay cả khi đi rẫy làm lúa, xuống suối mò cua, lên rừng hái củi; thì nay chỉ mặc vào dịp lễ, tết, hội bản. Nghi thức Lễ hội Sayangva cũng gọn nhẹ, phù hợp, nhưng vẫn giữ được nét văn hoá cốt lõi bản địa. Tuy nhiên nhìn ở góc độ bảo tồn lưu giữ văn hoá, những nghi lễ có tính văn hoá nguồn cội được truyền lại từ xa xưa mang nét đẹp truyền thống nhân bản, cần được giữ nguyên “gốc lõi” mà “Lễ hội Sayangva”, “Múa hát cầu mùa bội thu” là một ví dụ.

Thủa xưa, đồng bào Chơ Ro sinh sống quần tụ theo khóm dọc sườn đồi, hoặc triền cát. Nhiều gia đình có 4 thế hệ dưới một mái nhà, nhưng hiện nay đã có sự “phân tách”. Những chàng trai Chơ Ro lấy vợ, những thiếu nữ Chơ Ro lấy chồng được ở riêng để độc lập xây dựng kinh tế gia đình. Tuy vậy, họ vẫn giữ được nét đẹp sinh hoạt văn hoá cộng cộng đồng. Người già lưu giữ truyền nghề, người trẻ tiếp nhận truyền nối cho thế hệ mai sau. Tất cả họ đều có chung niềm tự hào hãnh diện vì vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng văn hoá Chơ Ro của dân tộc mình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Thắng (Báo Tài nguyên và Môi trường)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.