Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đông thời không ngừng được tái tạo, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc cung đình Huế thuộc thể loại nhạc kết hợp giữa Lễ và Nhạc thường được sử dụng trong cung đình, biểu diễn vào các dịp lễ hội, các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu và trong các dịp triều hội trong năm của các triều đại nhà Nguyễn. Nhã nhạc là một thuật ngữ âm nhạc cung đình có mặt tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 1

Vào năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu được UNESCO công nhận, mang vinh dự to lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Hiện nay, Nhã nhạc cung đình Huế luôn được tôn vinh trong sự kiện Festival Huế.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Là nét văn hóa đặc trưng riêng từ vùng Tây Nguyên, các bản nhạc được người chơi tấu bằng cồng chiêng trong các lễ hội (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...).

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 2

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu. Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.

Dân ca Quan họ

Quan họ là một hình thức hát giao duyên thường gắn liền với lễ hội và là đặc trưng văn hóa quan trọng tại Bắc Ninh. Quan họ không chỉ phong phú, mà còn đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt bởi nghệ thuật ca hát đối đáp.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 3

Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 9/2009. Dân ca quan họ đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

Ca trù

Ca trù là là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu.”

Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc được thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù khởi nguồn từ lối hát Đào nương, một lối hát lấy giọng nữ làm trọng và đã xuất hiện trong đời sống người Việt hơn hai thế kỷ trước Công nguyên.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 4

Ngày 1/10/2009, ca trù được ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở nửa phía Bắc Việt Nam. Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Hội Gióng

Hội Gióng là lễ hội truyền thống hàng năm ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hiện tại, có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 5

Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Hát xoan

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân tại Phú Thọ. Nghệ thuật Hát Xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ diễn ra theo các chặng sau: Hát Thờ, Hát Nghi lễ, Hát Hội. Tháng 11/2011, Hát Xoan được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 6

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 7

Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Đờn ca tài tử Nam bộ

Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 8

Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động với cách thể hiện diễn tấu gồm ban nhạc cùng 4 loại nhạc đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục...

Dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh

Dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa...

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 9

Lời ca của dân ca ví, dặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người. Tháng 11/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kéo co

Kéo co hay kéo dây là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian thông dụng và đơn giản trên thế giới hiện nay. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 10

Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền. Hiện nay, nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam

Ngày 1/12/ 2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 11

Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao… Điều đó thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Bài chòi

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 7/12/2017 tại Hàn Quốc.

Khám phá 12 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận - 12

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Châu Tấn

CLIP HOT