ĐÌNH THẦN PHÚ NHUẬN VÀ CƠ HỘI PHỤC HỒI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

"Đại lễ Kỳ Yên” tại Đình Thần Phú Nhuận dù chỉ diễn ra 3 ngày trong năm, nhưng sau nhiều thập kỷ vẫn thu hút người dân thuộc nhiều lứa tuổi trên địa bàn quận Phú Nhuận và nhiều người quan tâm đến Lễ hội tham dự.

ĐÌNH THẦN PHÚ NHUẬN VÀ CƠ HỘI PHỤC HỒI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG - 1

Qua gần ba thập niên sau đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, tại những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, tốc độ đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ hơn làm đời sống tín ngưỡng và lễ hội ở nước ta có nhiều sự thay đổi. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố được xếp vào loại đô thị đặc biệt của nước ta và là một trong những trung tâm kinh tế, có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất nước. Chính vì thế, những công trình hiện đại dần thay thế cho những công trình kiến trúc cũ, và câu hỏi đặt ra là: “Vì sao “Đại lễ Kỳ Yên” tại Đình Thần Phú Nhuận dù chỉ diễn ra 3 ngày trong năm, nhưng sau nhiều thập kỷ vẫn nhận được sự quan tâm của người dân thuộc nhiều lứa tuổi trên địa bàn quận Phú Nhuận - một trong những quận trung tâm của đô thị ?”. Điều này không phải ngẫu nhiên mà còn dựa trên rất nhiều yếu tố liên quan đến đời sống xã hội, nhu cầu tâm linh của người dân đô thị. Vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn để có thể vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân vừa có thể phát huy tối đa giá trị của những hoạt động cộng đồng dựa trên những lễ hội truyền thống của từng địa phương.

Biến đổi của Lễ Hội cổ truyền có được nhìn nhận đúng?

Hiện nay tại Việt Nam có đến 7.965 lễ hội trong một năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (Theo số liệu từ Thống kê lễ hội / Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, 2008). Đây là một con số không hề nhỏ, nhưng khi nhắc đến việc đầu tư vào lễ hội, số đông đều chỉ hướng đến vấn đề phát triển du lịch hoặc giá trị kinh tế mà lễ hội mang lại. Bên cạnh đó, chúng ta chưa thật sự quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc dân tộc, thông qua việc tham dự các kỳ lễ hội của người dân ở địa phương.

Có thể kể đến trường hợp ở chùa bà Bình Dương, nơi thu hút rất nhiều khách từ nhiều tỉnh thành đến dự hằng năm. Theo lời người dân sống gần chùa cho hay, vào những ngày lễ, họ tập trung kinh doanh, thu lợi từ những dịch vụ cung cấp cho khách vãng lai chứ không đi lễ chùa. Dần đà, lễ hội chỉ còn mang tính phát triển kinh tế vùng, chứ không phát huy được tính giáo dục cũng như tính cố kết cộng đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều tình trạng chung của rất nhiều lễ hội truyền thống. Phải chăng chúng ta đã không quan tâm đến thành tố quan trọng để hình thành nên lễ hội truyền thống, đó không chỉ là thu hút khách du lịch, mang lại lợi nhuận mà còn phải mang lại giá trị giáo dục, giá trị nhân văn, tính ổn định và cố kết cộng đồng.

Lý giải cho sự phục hưng của Lễ Hội Cổ Truyền

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, dù chỉ với 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng đã đóng góp đến 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước cùng với việc đạt nhiều thành tựu phát triển đáng kể về mọi mặt. Tuy nhiên tiến trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh và kéo theo đó những biến chuyển phức tạp, chúng ta gặp nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên, hiệu ứng nhà kính, rác thải, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bệnh tật, thực phẩm độc hại, sức ép giao thông… Những vấn đề trên tác động rất lớn đến tâm lý của người dân sống tại các đô thị lớn. Kèm theo đó là sự bùng nổ của mạng xã hội, khiến cho thế giới ngày càng nhỏ hơn, tất cả những thông tin tiêu cực được lan truyền một cách nhanh chóng và dễ dàng. Từ lẽ đó, cuộc sống của người dân đô thị trở nên mong manh và bủa vây bởi rất nhiều rủi ro. Vì thế mà Lễ hội cổ truyền, cụ thể hơn là Lễ hội Kỳ Yên tại từng địa phương trở thành một dịp sinh hoạt văn hóa quan trọng của người dân sinh sống và làm việc tại đó. Không phải ngẫu nhiên mà Đại lễ Kỳ Yên tại Đình Thần Phú Nhuận dù chỉ tổ chức duy nhất 3 ngày trong một năm vẫn có thể tồn tại và duy trì hoạt động trong nhiều năm qua, góp phần mang lại nhiều giá trị quý giá cho người dân địa phương.

ĐÌNH THẦN PHÚ NHUẬN VÀ CƠ HỘI PHỤC HỒI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG - 2

  Chính vì những yếu tố trên, việc giữ gìn và phát triển lễ hội ngày càng phức tạp hơn, khi việc phục hồi nguyên trạng lễ hội cổ truyền gần như là không thể. Trong bối cảnh như thế này, phải chăng nếu muốn phục hồi lễ hội cổ truyền chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những lễ hội của đình và địa phương?

Cơ hội phục hồi lễ hội truyền thống trong bối cảnh đô thị hóa - Trường hợp Đại lễ Kỳ Yên tại đình thần Phú Nhuận

Đình Phú Nhuận được xây dựng vào khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kênh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay ( số 18 đường Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận, TP. HCM )

Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (tức ngày 08 tháng 01 năm 1953), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng của đình. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1930, 1966, 1989 và 1998, nhưng Đình vẫn giữ được nét độc đáo trong kiến trúc cổ của đình Nam bộ thế kỷ XIX. Đình Phú Nhuận được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 3744/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 01 năm 1997.

ĐÌNH THẦN PHÚ NHUẬN VÀ CƠ HỘI PHỤC HỒI LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG - 3

Trong số rất nhiều ngôi đình vẫn còn hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, đình Phú Nhuận là một trường hợp đặc biệt khi vẫn duy trì được hầu hết những lễ nghi và hoạt động mạnh, tiêu biểu là Đại lễ Kỳ Yên được tổ chức hằng năm. Tính đến nay Đình Thần Phú Nhuận đã tồn tại được hơn 167 năm, một quãng thời gian dài và đủ để trở nên quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân địa phương. Theo lời tường thuật của ông X- người đã làm ở đình 13 năm, lượng khách thăm đình tăng dần theo từng năm, đối tượng tham quan rất đa dạng có trẻ nhỏ, có người lớn, đã tận mắt trông thấy rất nhiều lượt người cùng nhau đến mang theo lễ vật lớn nhỏ, không chỉ cúng bái, thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn cùng nhau quây quần xem hát bội, lượng người ở lại xuyên suốt lễ hội thật sự rất đông. Trong ba đêm diễn ra Đại Lễ Kỳ Yên,  đoàn hát bội Ngọc Khanh biểu diễn những vở kinh điển như “Tam Quốc” (tuồng “Đào viên kết nghĩa”, “Quan Công phó hội Giang Đông” ), truyện “Tống Tử Vân thời Tống” (tuồng “Triệu Ngũ Lộ Phan Vương”) và tuồng “Tổ Đường về San Hậu” ( do tác giả Đào Duy Từ soạn). Đêm diễn đầu tiên, đoàn hát kính cẩn thực hiện lễ “Xây chầu – Đại bội” xong rồi mới hát, trước khi kết thúc ba đêm diễn thì làm lễ “Tôn vương” để vãn chầu. Đây là một phần của Đại Lễ Kỳ Yên, người dân đến xem vừa được thưởng thức nghệ thuật truyền thống, vừa có thể gặp gỡ nhau cùng trò chuyện.

Phải chăng con đường phát triển lễ hội dựa trên nền tảng phát triển du lịch đã làm cho tính chất của lễ hội bị biến đổi rất nhiều. Thành phần tham dự ngày càng đa dạng với nhiều thành phần, dẫn đến việc quản lý lễ hội ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Dần đà, lễ hội cổ truyền bị mất đi những giá trị giáo dục và nét văn hóa độc đáo vốn có của nó. Ban quản lý Đình Thần Phú Nhuận cho hay: “Chúng tôi cố gắng hạn chế lượng khách vãng lai đến cúng Đình vào những ngày thường, không tổ chức xin quẻ, chỉ mở cửa đón khách vào những dịp trọng đại hay lễ thường niên”.

Đối với người dân tại Quận Phú Nhuận, ngôi Đình Thần vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ, dù phải chờ đến Đại Lễ Kỳ Yên mới được vào Đình, cúng bái và dẫn theo con cháu, cùng xem hát và cầu an cho gia đình. Với trường hợp khá đặc biệt này, có thể nhận định rằng việc phục hồi Lễ hội cổ truyền tại Việt Nam là điều có thể. Với việc bắt đầu từ các Lễ hội ở địa phương   mà Lễ hội Kỳ Yên ở Đình Phú Nhuận là một ví dụ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các Lễ hội truyền thống cần được quan tâm nhiều hơn về việc nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng lại những giá trị vốn có của nó, trước khi chú trọng phát triển du lịch hay dựa vào những giá trị truyền thống để phát triển kinh tế.

Đình Hương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT