Côn Sơn - Kiếp Bạc trên hành trình trở thành di sản thế giới
Nếu được công nhận là di sản thế giới thì quần thể di tích danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai của Hải Dương) sẽ nâng tầm quốc tế và ngày càng thu hút du khách.
Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc được các chuyên gia đánh giá cao. Ảnh tư liệu
Tín hiệu vui
Vừa qua, đoàn chuyên gia của Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống di tích, di vật tại Hải Dương để bổ sung tư liệu cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành di sản thế giới. Tại đây, đoàn đánh giá cao Hải Dương đã tích cực đồng hành cùng 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng hệ thống di tích chùa tháp, phủ đệ và các hiện vật được lưu giữ ở Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phần nào giải đáp nhiều câu hỏi. Ông cũng hoan nghênh Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chú ý đến công tác khảo cổ, lưu giữ hiện vật để giờ đây trở thành luận chứng, luận điểm phục vụ cho quá trình làm hồ sơ.
Thực tế trước nay, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là mắt xích không thể thiếu trong hệ thống di sản Phật giáo Trúc Lâm. Trong vòng cung Đông Bắc, nếu điểm những cơ sở thờ tự, tu thiền đầu tiên của dòng thiền Trúc Lâm thì không thể thiếu khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khu di tích được đánh giá như cầu nối giữa kinh đô Thăng Long với Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm, từ đây dòng thiền Trúc Lâm phát triển và lan tỏa rộng khắp. Hiện nhiều chùa, am tháp, di vật cổ quý hiếm chứa đựng giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm vẫn đang được lưu giữ tại Côn Sơn - Kiếp Bạc và hệ thống di tích liên quan.
Ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, phải kể đến đầu tiên là dấu tích Đăng Minh bảo tháp chứa xá lị của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang ở chùa Côn Sơn. Kế đến là hệ thống văn bia, mộ tháp, đền thờ, đệ phủ… Đặc biệt là hệ thống bia ký ở Thanh Hư động, hệ thống văn bia chùa Côn Sơn có niên đại thời Lê trung hưng thế kỷ XVII, XVIII. Điều đó chứng minh dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm không mất đi mà còn được phục hưng mạnh mẽ hơn ở những thế kỷ sau.
Tăng giá trị
Theo sách sử, chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIII, đây là nơi Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đào tạo tăng ni, phát triển đạo pháp. Năm 1329, Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng và mở rộng phong cảnh Côn Sơn. Năm 1330, Đệ tam tổ Huyền Quang về trụ trì, đào tạo tăng ni và phát triển phái thiền Trúc Lâm. Còn đền Kiếp Bạc được xây dựng từ thời Trần, thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Trong 10 tiêu chí của UNESCO, các chuyên gia tư vấn lập hồ sơ đang hướng đến 4 tiêu chí, trong đó tập trung vào các yếu tố chứa đựng một minh chứng khác biệt về một truyền thống văn hóa, tín ngưỡng nổi bật mà khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, cũng không phải không có những khó khăn vì lý do khách quan như biến động xã hội, chiến tranh mà đa phần các di tích đều phải trải qua trùng tu, tôn tạo, thậm chí phục dựng, xây mới. Hiện điểm mạnh được các chuyên gia đánh giá cao là giá trị di sản phi vật thể, được thể hiện rõ qua lưu giữ, phục dựng và tổ chức lễ hội truyền thống ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Hằng năm, Côn Sơn - Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống là lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 16-23 tháng giêng âm lịch, kỷ niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả; lễ hội mùa thu từ ngày 16-20.8 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của hai vị Anh hùng dân tộc là Trần Hưng Đạo (ngày 20.8 âm lịch) và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16.8 âm lịch).
Lễ hội đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Bởi vậy, dân gian mới lưu truyền câu ca:“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành”. Còn lễ hội đền Kiếp Bạc được quan niệm là ngày giỗ cha: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Cả hai mùa lễ hội đều được tổ chức với quy mô lớn, nhiều hoạt động đặc sắc gắn với tín ngưỡng thờ cúng Phật, Thánh đặc trưng như tế lễ, rước bộ, rước nước, lễ mộc dục, lễ đàn Mông Sơn thí thực, diễn xướng hầu Thánh… Nhiều trò chơi đậm chất dân gian cũng được tổ chức như đấu vật, đua thuyền, giã bánh chưng, bánh dày… Năm 2012, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vẫn biết con đường trở thành di sản thế giới còn nhiều gian nan nhưng rõ ràng hơn 700 năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử thì khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn lưu giữ được nhiều giá trị, đặc biệt góp phần minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của nền văn minh Đại Việt qua các thời kỳ.
Hải Dương đang phối hợp với 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai) là di sản thế giới. Đơn vị tư vấn lập hồ sơ là Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có buổi làm việc tại Hải Dương để khảo sát, củng cố thêm tư liệu nhằm tiến hành các bước tiếp theo trong lộ trình tư vấn, định hướng lập hồ sơ cho phù hợp với tiêu chí của UNESCO. Dự kiến hồ sơ được hoàn thành trong năm nay và trình UNESCO vào đầu năm 2022. |
UBND tỉnh Ninh Bình vừa cho phép các dịch vụ giải trí, thể thao, du lịch được phép hoạt động trở lại kể từ 0h ngày...