CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 10/07/2014, phiên họp Hội đồng Tư vấn Du lịch (gọi tắt là TAB) lần thứ tư đã diễn ra tại Hà Nội với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (gọi tắt là Dự án EU, do Liên minh Châu Âu tài trợ).

Phiên họp có sự tham gia của 40 đại biểu là thành viên của Hội đồng TAB cùng các khách mời là đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong Ngành.

 CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI - 1

Ngay sau phát biểu khai mạc của Ông Trần Hùng Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng TAB; Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đã trình bày về: “Kế hoạch hành động của ngành Du lịch trước tình hình hiện nay” nhằm đưa du lịch Việt Nam vượt qua thách thức, khó khăn, nhanh chóng phục hồi và duy trì đà tăng trưởng trong các năm 2015, 2016 và các năm tiếp theo.

Tiếp đó, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, Thư kí Hội đồng đã trình bày ba vấn đề chính Tổng cục Du lịch cần xin ý kiến tư vấn của Hội đồng, bao gồm việc nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng dịch vụ Du lịch, chính sách cấp thị thực và biện pháp cải thiện xúc tiến quảng bá.

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI - 2

Hội đồng Tư vấn Du lịch được thành lập vào ngày 27/11/2012, nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến du lịch bền vững bằng việc xây dựng và triển khai hợp tác công - tư và đối thoại công - tư. Hội đồng sẽ tận dụng những nguồn lực của khu vực Nhà nước và tư nhân, thúc đẩy việc đối thoại và chia sẻ thông tin, kiến thức giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch để tạo ra một chiến lược ngành thống nhất và toàn diện.

Hội đồng Tư vấn Du lịch bao gồm hơn 20 cá nhân có ảnh hưởng lớn trong ngành du lịch, bao gồm từ Giám đốc điều hành của các khách sạn, các công ty lữ hành, doanh nghiệp vận tải, chủ tịch của các hiệp hội du lịch, lãnh đạo của một số cơ sở đào tạo, đại diện từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng thương mại Châu Âu, tới cán bộ quản lý cao cấp từ khu vực nhà nước. Hội đồng Tư vấn Du lịch sẽ tư vấn cho Tổng cục Du lịch, góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển.

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI - 3

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam phát biểu

Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay chất lượng dịch vụ ở các lĩnh vực Lữ hành, Cơ sở lưu trú, Nhà hàng, Điểm dừng chân, Cơ sở mua sắm du lịch và các điểm đến Du lịch đều có những vấn đề bất cập. Trước những thực tế này, Hội đồng đã đưa ra các ý kiến tư vấn để có thể nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch theo các nhóm nội dung như cơ cấu tổ chức, bộ tiêu chuẩn và phương thức đánh giá chất lượng dịch vụ.

Liên quan tới vấn đề thị thực, hiện tại mới chỉ có một số lượng hạn chế các đối tượng được miễn thị thực, thủ tục nhận thị thực còn phức tạp, thời gian chờ đợi dài, chưa thực sự mang tính chất thị thực cấp tại cửa khẩu. Tổng cục Du lịch đề nghị các thành viên Hội đồng cho ý kiến tư vấn về cách thức, biện pháp tác động để xây dựng “Đề xuất cải tiến chính sách cấp thị thực”. Theo Đề xuất này, phạm vi miễn thị thực đơn phương sẽ được mở rộng, thời gian miễn thị thực cho công dân của một số quốc gia sẽ được kéo dài và quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu được cải tiến theo hướng thuận tiện, minh bạch và nhất quán nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ Đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có trị giá 11 triệu Euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro, được triển khai trong giai đoạn từ 2011 - 2015. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, và Tổng cục Du lịch là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện.

Các trọng tâm chính của Dự án: Hỗ trợ chính sách và Tăng cường thể chế; Thiết lập cơ cấu tổ chức và xây dựng mạng lưới hợp tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân; Xây dựng lực lượng lao động du lịch có trình độ; Tăng cường tính cạnh tranh của du lịch; Nâng cao nhận thức về Du lịch có Trách nhiệm.

Về phía các thành viên Hội đồng, ông Trần Hùng Việt đã thay mặt trình bày đề xuất của Hội đồng về tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Du lịch lên Tổng cục Du lịch. Theo trình bày của Ông Việt, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn cho ngành du lịch và tiến hành khảo sát nhu cầu theo vùng, miền để có cái nhìn thực tế và sâu sắc hơn về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với các vùng đang có nhu cầu cao về nhân lực ngành Du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo... Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn cán bộ quản lý cấp cao (Giám đốc khách sạn 4-5 sao), tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia vào các chương trình nâng cao năng lực giảng viên như chương trình “Đào tạo Đào tạo viên” của dự án EU. Thêm vào đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa các trường đào tạo du lịch và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các giảng viên đi thực tế ở các doanh nghiệp để nâng cao tay nghề.

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI - 4

Khánh Hưng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT