Làm “điệu”… cho núi rừng Tây Bắc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tình cờ mới đây, khi ghé về thăm làng Vĩnh Trị ở Tỉnh Nam Định, tôi mới phát hiện ra “lò” chuyên làm “điệu” cho những người con của núi rừng Tây Bắc, nằm ngay giữa lòng đồng bằng, bên dòng sông Đáy hiền lành …

Làm “điệu”… cho núi rừng Tây Bắc - 1

Nghề độc quyền

Vĩnh Trị là vùng nông nghiệp, nằm dọc theo sông Đáy, trong phạm vi xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vĩnh Trị không chỉ nổi tiếng với nghề làm tượng ảnh Công giáo, mà còn được bà con dân tộc ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc quen thuộc.  Bởi đây là nơi hàng trăm năm qua “trang điểm” cho họ. Cho đến bây giờ, hàng ngày ngôi làng đồng bằng này vẫn luôn có bà con dân tộc mặc váy, mang gùi lui tới mua bán, đặt hàng.

Nghề làm đồ trang sức cho người dân tộc, nghe nói, đã có ở làng từ hàng thế kỷ rồi. Nghề không khuyếch trương lớn, cũng không phải là phương kế sống chính của con dân trong làng, vì số người sử dụng sản phẩm giới hạn. Tuy vậy, công việc ổn định và ai làm cũng được. Xưa nay vẫn vậy, ít có thay đổi, về cả nhu cầu lẫn kiểu dáng. Nghề này, nói như anh Vũ Quốc Sủng, một người thợ lâu năm, là “làm tất tần tật những cái bằng kim loại người dân tộc mang trên người”, từ chiếc trâm cài đầu, chiếc vòng đeo tay, chiếc kiềng cổ,  cho đến đôi hoa tai, hột nút áo, dây xà tích… Làm từ đồng nát nấu chảy và kéo sợi, sau đó gò uốn bằng tay, chạm trổ cũng bằng tay, “trẻ con 12,13 tuổi là đã biết làm tốt…”, anh Tích bảo vậy.

Có thể hình dung thế này : người làng thu mua đồng nát về, đưa vào bệ thổi cho chảy ra, sau đó kéo thành sợi. Tùy theo mặt hàng định làm mà kéo sợi lớn hay nhỏ. Có được sợi đồng rồi, người thợ bắt đầu gò, uốn, hàn xì để cho ra những sản phẩm thô. Khâu cuối cùng là chạm trổ hoa văn, theo những mẫu có sẵn hoặc theo đơn đặt hàng. Nếu như với nghề Kim hoàn, sản phẩm làm ra luôn đòi hỏi khâu đánh bóng cho sang,  thì hàng này lại không cần, thậm chí… càng cũ, càng mốc meo càng tốt (chắc là cho có vẻ hoang dã, sậm màu thời gian ?). Chỉ có vậy, hàng làm ra cũng không phải đem bỏ mối, mà những “thương lái” vùng cao - tất nhiên là người dân tộc - tìm về lấy.

Vì sản xuất đơn giản, vì làm đồ trang sức cho “đối tượng có thu nhập thấp”, nên giá bán cũng không được cao, dù không có cạnh tranh. Chị Nguyễn Thị Soi, 35 tuổi, nhưng đã có hơn 20 năm tay nghề cho biết : “Chủ yếu là lấy công làm lời, coi như kiếm thêm đồng rau đồng hành trong nhà. Vả lại, làm nghề này còn là một cái thú của người Vĩnh Trị được cha ông để lại, chơi mà…có tiền”.

Vì không là nghề chính, vì “làm mà chơi”, nên nghề này gần như dậm chân tại chỗ cả thế kỷ qua, dầu không phải là không có những cơ hội phát triển. Tôi đã được nhìn thấy nhiều hòn đe, nhiều bệ thổi, nhiều khuôn kéo sợi đồng của những gia đình làm nghề ở đây đã bước vào tuổi…cổ lai hy, tức đã nhiều thế hệ dùng rồi mà cũng chưa cần… thay đổi. Kể cũng lạ !?

*Đồ đồng trong thời đồ…điện

Các cụ ở Vĩnh Trị kể rằng, nghề làng họ đã có những thời điểm “vàng son lắm !”. Bây giờ thì người dân tộc đã văn minh hơn, mặc “đồ Âu” nhiều, nên…số lượng trang sức trên người giảm, dầu họ vẫn đang “độc quyền” làm trang sức cho nhiều dân tộc khác nhau như người Mường, người Thái, người Sán, người Mèo…

Vì số lượng đặt hàng ngày càng ít đi, thu nhập từ nghề vì thế cũng teo tóp, nên đã từ lâu, làng ít xuất hiện những nghệ nhân giỏi (làng trước đây có nhiều người giỏi về chạm trổ kim loại, nổi tiếng miền Bắc về món chạm trổ tinh vi trên những vật liệu nhỏ). Cũng dễ hiểu vì nghề giờ đây chủ yếu được các chị nữ rỗi việc và các em bé làm, như là cách phụ  kinh tế gia đình, nên ít chú ý đến sáng tạo nghệ thuật.

 Hiện nay, thu nhập bình quân của người làm nghề này chỉ dao động trong khoảng từ 25 đến 50 ngàn/ngày, lại phải bỏ vốn bạc triệu “nằm chờ”, vì rằng thường phải “gối đầu” vốn cho những người dân tộc đi buôn hàng này. Đó là chưa kể, họ bắt đầu bị mất thị phần, không phải do phải cạnh tranh cùng loại hàng, nhưng do những loại trang sức sản xuất công nghiệp hàng loạt phá giá, lại tiếp thị lên vùng cao giỏi, dù không đẹp và cứng cáp bằng. “Đồ đồng trong thời đại …đồ điện” xem ra bị lép vế. Sản xuất thủ công, như bao ngành nghề khác, có khả năng bị công nghiệp hàng loạt nuốt chửng.

Làng Nghề truyền thống phục vụ du khách?

Tôi hỏi chị Vũ Bích Phượng, một thợ giỏi nghề này trong làng: “Liệu có chuyện nghề thất bát mà mai một ?”, chị bảo có thể lắm, nếu như giá nguyên liệu cứ lên như…nước lũ thế này, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Đây là một thực tế, dù chưa đến, nhưng cũng không phải là không đến và cũng không phải không có lối ra, nếu thật sự chúng ta có ý duy trì một nghề độc đáo, muốn hỗ trợ cho những người trang điểm cho núi rừng hàng trăm năm qua.

Tỷ như, chúng ta hoàn toàn có thể xem đây như một Làng Nghề Truyền thống, nâng cấp thay vì chỉ sản xuất theo nhu cầu trang sức của người dân tộc,  thì mở rộng ra làm hàng lưu niệm. Cũng với những loại vật dụng đó nhưng có giới thiệu, giải thích về tính văn hóa, quan niệm về trang sức…của người dân vùng cao, các công đoạn và vật liệu làm…, chắc chắn sẽ thu hút du khách. Nhất là giá bán không cao lắm, chỉ từ mươi, mười lăm ngàn mỗi món. Hoặc chúng ta cũng có thể kết hợp với những Công ty Du lịch đưa du khách về thăm Làng Nghề lâu đời, cũng là một Làng cổ với nhiều di tích, lại nằm trên đường từ Hà Nội đi Chùa Hương. Từ đó giới thiệu luôn sản phẩm Làng Nghề đả sản xuất.

Làm được điều này, sẽ vừa giúp được cho Làng Nghề duy trì, vừa có thêm một phương cách khai thác du lịch. Tất cả đều nằm trong tầm tay, lẽ tất nhiên là nếu chỉ một mình những người thợ làm đồng nát làng Vĩnh Trị không thôi thì không làm được. Thử hình dung, trong một tương lai không xa, nếu một Làng Nghề độc đáo thế này bị xóa sổ, có lẽ không những bà con dân tộc buồn, vì không còn người làm “điệu” cho mình, mà chắc là chúng ta cũng cảm thấy tiếc lắm !

LHT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT