Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 - 1Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 chính thức diễn ra từ ngày 29-9 đến ngày 3/10/2012. Phần lễ sẽ diễn ra tại khu vực Bãi Trước, miếu Hòn Bà, Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đình Thắng Tam. Lễ hội nhằm quảng bá văn hóa, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, thu hút du khách, tạo điểm vui chơi cho người dân và đặc biệt là để bảo tồn, làm đẹp văn hóa dân tộc.

Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu là một trong những Lễ hội được Bộ Văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn là 1 trong 15 Lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000, được xem là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của ngư dân miền biển. Năm 2012, Lễ hội Nghinh Ông là 1 trong 9 sự kiện Văn hóa, Du lịch nổi bật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được công bố trong dịp Khai hội Văn hóa - Du lịch đầu năm, là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu, nhằm quảng bá hình ảnh và nét đẹp của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lễ hội được tổ chức long trọng trong 3 ngày ( ngày 16 đến 18/8 Âm lịch), đặc trưng Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu vừa có nét chung của Lễ hội Dân gian Nam bộ, vừa có nét riêng của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi trong suốt các quá trình lịch sử, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là vùng giao thoa, chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa Nam Trung bộ và Nam bộ. Lễ hội Nghinh Ông không chỉ là ngày Tết của riêng ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là điểm hẹn của hàng chục ngàn du khách từ các tỉnh, thành lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long…và du khách nước ngoài, góp phần nâng cao doanh thu cho ngành du lịch, đồng thời tạo được dấu ấn của Bà Rịa-Vũng Tàu với người dân địa phương và du khách

Lễ hội Nghinh Ông là dịp để ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, mong cuộc sống ấm no thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Lễ hội Nghinh Ông là loại Lễ hội nước lớn nhất của ngư dân, tục thờ cá Ông (cá voi) bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ cư dân vùng ven biển nước ta. cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông thành một vị thần rất thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi ngư dân gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ, điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là một trong những Lễ hội đã đi vào đời sống tâm linh lẫn đời sống văn hóa của người dân miền biển, giữ được các nghi lễ truyền thống, gắn quyện với phần hội là các trò chơi dân gian, như Múa Lân, diễn Tuồng, các loại hình nghệ thuật dân gian như Hát Bả chạo, múa Lân Sư Rồng, hát Bội, tuồng Cổ... được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 Âm lịch (từ ngày 01/10 đến ngày 03/10/2012). Trong Lăng Ông Đình thần Thắng Tam còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông, bộ xương sớm nhất được đưa vào lăng năm 1868, khi cá Ông dạt tới bãi biển Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu, bộ xương này nặng khoảng 4 tấn và có chiều dài khoảng 30 mét, dự kiến Ban Quản lý Đình thần Thắng Tam sẽ phục chế lại bộ xương này. Lăng Ông còn giữ được hai sắc thần được phong vào năm 1846 và 1850 dưới triều Tự Ðức.

Năm nay, Lễ hội Nghinh ÔngThắng Tam Vũng Tàu sẽ mở rộng quy mô nhằm tạo ấn tượng với du khách, Lễ hội có các hoạt động chính như Lễ Nghinh Ông, Lễ Cầu ngư, Hội Hoa đăng..., ngày 16/8 Âm lịch diễn ra Lễ hội chính, những ngày còn lại là chuỗi các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian để làm sinh động phần hội, đồng thời thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, để biến lễ hội văn hóa thành sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch, tham gia vào các trò chơi dân gian miền biển.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 - 2

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 - 3

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 - 4

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu – năm 2012 - 5

Lễ hội Trùng Cửu tổ chức từ đêm mùng 8 và ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch (đêm 22/10 và cả ngày 23/10/2012), diễn ra tại Nhà Lớn Long Sơn (Thôn 10 - xã Long Sơn - TP.Vũng Tàu). Đây là Lễ cầu an, là lễ hội cầu cho vạn dân bá tánh được mạnh khoẻ an lành.  Đêm mùng 8/9 gọi là Lễ Tiên Thường kỉnh mặn (cúng mặn) chủ yếu là các sản vật do các bá tánh mang vào kỉnh (cúng), và ngày 9/9 gọi là Chánh Giỗ kỉnh chay (cúng chay), Lễ hội không tổ chức linh đình như nhiều lễ hội khác chủ yếu là đi dâng hương, nguyện cầu khấn vái, và tưởng nhớ đến công đức của Ông Trần. Vào những ngày này, hàng vạn du khách thập phương hội tụ về đây, đặc biệt là người ở các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ. Du khách đến đây có thể tìm thấy những điều mới lạ mà người dân nơi đây đã tạo ra theo ý muốn và ước vọng của họ, bổ sung cho kho tàng văn hóa dân tộc hiểu biết của mình.

K.L

Tuần lễ Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Thi Vân

Nhằm kỷ niệm 20 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 – 22-12-2012), Bộ Văn hóa ,Thể thao & Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Tuần lễ Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra từ ngày 15 đến ngày 23/9/2012 tại Thành phố Bà Rịa và Thành phố Vũng Tàu

Lễ khai mạc vào lúc 19h ngày 21/9/2012 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đường 27/4, thành phố Bà Rịa) với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa của hai nước, đặc biệt có các ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các đoàn nghệ thuật của BR-VT và TP. Pohang Hàn Quốc (TP kết nghĩa với BR-VT) sẽ tham gia chương trình, sẽ có nhiều nghệ sỹ Hàn hát nhạc Việt và những nghệ sỹ Việt hát nhạc Hàn; Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại với Hàn Quốc được tổ chức từ 14h đến 17h ngày 21/9 tại Khách sạn Imperial, TP. Vũng Tàu, với sự tham gia của gần 300 đại biểu đại diện Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Hiệp hội liên quan đến Hàn Quốc, các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt  Nam nói chung, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng; Triển lãm ảnh “Chặng đường 20 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc” (từ ngày 18 - 23/9 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh BR-VT, TP. Bà Rịa), Lễ hội thả diều (từ 15h ngày 21 – 23/9 tại Khu Du lịch Biển Đông, TP. Vũng Tàu); Giải giao hữu bóng đá Việt Nam – Hàn Quốc (từ ngày 15 – 16/9 tại sân vận động Lam Sơn, TP. Vũng Tàu), Giải giao hữu TaeKwondo gồm các vận động viên Hàn Quốc và BR-VT (từ ngày18- 23/9 tại Nhà thi đấu đa năng, TP. Vũng Tàu); Tuần lễ chiếu phim Việt Nam – Hàn Quốc (diễn ra từ ngày 18 – 23/9, công chiếu tại rạp Điện Biên, TP. Vũng Tàu và sẽ phát sóng trên Đài Truyền hình BR-VT; Lễ bế mạc vào lúc 19h - 21h30 ngày 23/9 tại chợ Du lịch Vũng Tàu…

Thông qua các hoạt động văn hóa, đối ngoại là dịp để nâng cao sự hiểu biết và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc; và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các địa phương Hàn Quốc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè Hàn Quốc; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tăng cường mối quan hệ chính trị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho Tỉnh và phát triển ngày càng sâu rộng với các đối tác Hàn Quốc. Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ hội tốt để  BRVT quảng bá văn hóa, sự thân thiện mến khách, những danh lam thắng cảnh… đến với bạn bè Hàn Quốc nói riêng và du khách bốn phương nói chung.

T.V

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT