KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TNXP TP.HCM (28/03/1976 – 28/03/2011): NGÀN THƯƠNG CỎ HÁT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TNXP TP.HCM (28/03/1976 – 28/03/2011): NGÀN THƯƠNG CỎ HÁT - 1


Ảnh: Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

 

Trong phong trào TNXP có truyền nhau câu nói: “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát”. Tuổi đôi mươi phơi phới, như nhà thơ Phạm Trường Phục đã viết, họ “vẫn vui, vẫn cười, vẫn soạn nhạc, vẫn làm thơ”. Nội san TNXP – Tuyến đầu nhận được rất nhiều bài thơ, bài nhạc tự biên từ cơ sở gửi về. Có người chỉ góp một bài, có người viết mãi và trở thành người sáng tác chuyên nghiệp

Đỉnh cao của phong trào ca hát là Đội Văn công, một thời là nhóm Ca khúc Chính trị được Thành phố yêu mến, đã từng đi phục vụ vùng sâu vùng xa, chiến trường Tây Nam Tổ quốc, về thủ đô Hà Nội và đi các nước biểu diễn. Tại từng Đội cơ sở, “chiều chiều hòa tiếng ca” là hạnh phúc bình dị. Họ đổ mồ hôi trong việc khai hoang phục hóa, xây dựng đất nước một cách tự nhiên, và họ hát bằng tất cả tấm lòng. Hồn nhiên như cỏ hát. Có gì hát nấy. Chưa có thì làm thơ, phổ nhạc tự biên hát với nhau. Giản đơn như “Gà rừng ơi sao mày chưa gọi sáng, vẫn ngủ vùi bên bếp lửa đêm khuya”, mượt mà như “Nhà ai bên sông lên khói bếp, anh về nhớ mênh mông” đến những câu khái quát như “Có chăng tình đồng đội, và lòng ta hướng lên”.

Họ viết từ thực tế cuộc sống có gian nan, có mất mát. “Em đi qua cầu cây”(Lê Văn Lộc), “Những bông hoa trên tuyến lửa”(Nguyễn Cửu Dũng – Đỗ Trung Quân), “Trăng treo đỉnh đầu” (Lê Đức Du - Cao Vũ Huy Miên), “Hương tràm” (Vũ Hoàng – Đỗ Trung Quân), “Đêm rừng ĐăkMil” (Nguyễn Đức Trung), “Lời tỏ tình trên đảo ông Đen” (Trương Quang Lục – Ông Văn Chiến”, “Đầu xuân ra sông giặt áo” (Lã Văn Cường – Nguyễn Nhật Ánh)…, và còn biết bao nhiêu bài hát khác nữa của một thời!

Dòng đời trôi xuôi, TNXP ngày nay có người cũ, người mới, khán - thính giả có người già, người trẻ. Thơ nhạc vẫn tươi non dù có lúc cũng hằn dấu suy tư.

Tháng 3 lại sắp về, khi trên những nẻo đường Thành phố nở rộ những chùm hoa bằng lăng tím, cũng là lúc trên các nông trường, đơn vị, công ty, xí nghiệp của TNXP dồn dập những khúc hát, điệu múa để đón lần sinh nhật thứ 35 của mình. Ở lứa tuổi này, diện mạo TNXP trầm tĩnh hơn, ý nghĩ sâu lắng hơn nhưng tình cảm thì vẫn trong trẻo và đượm thắm…

KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TNXP TP.HCM (28/03/1976 – 28/03/2011): NGÀN THƯƠNG CỎ HÁT - 2

Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp - tự nhận mình là “ngoại đạo” - chị đến “trễ” với TNXP bằng chùm ca khúc nằm trong album mang tên Cỏ Hát để mừng sinh nhật TNXP thành phố tròn 35 tuổi. Album gồm 2 dĩa CD cùng tập nhạc đủ 35 ca khúc – 35 đóa hoa Quỳnh Hợp mừng sinh nhật của TNXP TP. Những ca khúc được Quỳnh Hợp phổ từ những bài thơ của hầu hết những cây bút trong - ngoài - mới - cũ của TNXP  qua những giai điệu tự sự, trẻ trung cùng những âm hưởng dân gian các vùng Tây nguyên, miền núi, Nam bộ và… cả âm hưởng hiện đại của hiphop – rap.

… Một Bùi Nguyễn Trường Kiên nhắn gửi: “Hãy giữ giùm tôi tấm lòng sâu nặng, với rừng, với bạn, với thời gian” (Về lại Đăk RLấp) hay “Ai nhớ, ai quên, ai suốt đời tìm kiếm, riêng ta buồn thức suốt những đêm thâu” (Sông ơi chảy về đâu), Ông Văn Chiến nhận biết: “Những lứa trẻ thay dần vai cha chú, người lìa trần mấp mé cõi nguôi quên”(Tháng ba về…). Một Cao Vũ Huy Miên đằm thắm, nồng nàn, tràn đầy sức trẻ trong các bài: Lung linh trăng treo, Là khi có em  về, Chiều xuân ra suối, Bài thơ đồng đội, Nơi ấy mùa xuân,

… Những ký ức một thời “với rừng, với bạn ”… nghẹn ngào, bâng khuâng trong Chiều Đăk Nông (thơ Trần Mạnh Hảo), Gặp rừng ở phố (Đỗ Trung Quân), Nơi ấy tình yêu (Phạm Trường Phục), Nơi anh đến (Thục Nguyên), Chiều tháng ba ở cao nguyên (Vạn Lý)… cùng những kỷ niệm một thời nhớ mãi như: 10 phút nghỉ giải lao, Nói đi em trời đã sang mùa (Nguyễn Nhật Ánh), Phản Tống biệt hành (Bùi Chí Vinh), Đón Tết giữa rừng (Phạm Trường Phục),…

… Những ca khúc được phổ từ những bài thơ nhiều góc nhìn về những năm tháng TNXP với cả trời nhớ thương của Đào Công Điện “Giá hôm ấy ta không về với biển, trưa nay đâu ngồi ngơ ngác nhớ mười phương” - Giá ta không về với biển, rồi các bài khác như Dòng sông thương nhớ, Đồng dao trên đồi, Nghiêng nón em về, Forget me not,…, trẻ trung phới phới, đầy náo nức của tuổi trẻ trong những lời thơ của Huỳnh Dũng Nhân trong Trẻ như dáng dấp mùa xuân “Chia tay nhau, một cái bắt tay thôi/đã hình dung một công trình lớn dậy”.

Bên cạnh ngòi bút Đào Công Điện, Lê Thị Kim, Bùi Thị Trinh,… vẫn dồi dào những bài tình thơ sâu lắng, còn có những Đào Cử, Hữu Sơn, Bích Ngọc, Nguyễn Văn Ta .v.v… rộn ràng, hừng hực khí thế cuộc sống trẻ hôm nay trong các ca khúc Xôn xao Đắk Nông, Tình màu áo xanh, Em là thanh niên xung phong, Trẻ như dáng dấp mùa xuân, Đừng nhìn em như thế, Lao xao rừng xanh…

Vẫn như vậy. Những lớp TNXP và chúng ta vẫn hát về tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình đồng đội chung sắc áo xanh. Họ và chúng ta đang và mãi mãi làm mới cuộc sống, làm mới tâm hồn người nghe.

Album “Cỏ hát” chuyển tải một phần nhỏ những tâm tình của TNXP trong chùm ca khúc của Quỳnh Hợp. Với sự đồng cảm sâu đằm, như là tâm tình gửi đến TNXP các thế hệ và những người yêu thương TNXP: “Dù gian nan ngày tháng vẫn đẹp màu áo xanh, thắm mãi tình đồng đội, bền lòng ta hướng lên” (Tình đồng đội) và cùng xao xuyến, bồi hồi, rưng rưng, tự hào hát lên “Bỗng dưng muốn quay về mặc lại màu áo cũ, và cùng đồng đội hát về thời TNXP”(Hát giữa đồng đội cũ – thơ Thanh Nguyên). Đặc biệt, trong album còn có bản hợp xướng Tháng năm đồng đội phổ từ Trường ca Phù sa tháng ba của nhà thơ, nhà báo, cựu TNXP Bùi Nguyễn Trường Kiên.

Trung tâm băng nhạc Rạng Đông sẽ phát hành album Cỏ Hát vào ngay đầu tháng 3/2011, góp thêm một niềm vui mới, một hơi thở mới gần gũi, dung dị trong đời sống tinh thần của những đồng đội TNXP mùa sinh nhật này và sau, sau nữa…


NAM THIÊN


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT