HÚT MỠ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HÚT MỠ - 1

 

 

Theo thời gian, lượng mỡ dư thừa trong quá trình trao đổi chất của con người sẽ tích tụ trong cơ thể. Những vùng dễ thấy có ứ đọng mỡ sớm nhất là bụng, eo, đùi, mông, cánh tay, dưới cằm… Khi khối mỡ ứ đọng nhiều đến một mức nào đó, nó sẽ làm căng giãn da, lâu ngày sẽ làm giảm khả năng đàn hồi của da, làm rạn nứt da.. Sự ứ đọng mỡ cũng sẽ gây biến đổi vóc dáng cơ thể theo chiều hướng kém thẩm mỹ. Hiện tượng ứ đọng mỡ xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên với giới nữ nó gây nên nhiều âu phiền, mặc cảm hơn cho nhan sắc. Mục đích của kỹ thuật hút mỡ chính là nhằm loại bỏ lượng mỡ thừa ứ đọng này, phục hồi vóc dáng trẻ trung tự nhiên

 

 

 

 

I. CHỈ ĐỊNH:

- Cho cả nam và nữ không hạn định ở lứa tuổi nào, kể từ tuổi trưởng thành.

- Khi có sự ứ đọng mỡ rõ rệt dưới da những vùng dễ nhận thấy.

- Sự đọng mỡ gây ảnh hưởng họat động cơ thể và tâm lý, làm giảm thẩm mỹ.

- Đánh giá khả năng đàn hồi của da còn tốt, có thể co lại sau khi hút mỡ.

- Lưu ý: khi có lượng mỡ quá nhiều thì sau khi hút mỡ, vùng da dư sa xệ khó có thể trở lại bình thường hoàn toàn như khi còn trẻ (như ở người lớn tuổi, phụ nữ sau khi sinh đẻ nhiều lần…). Trường hợp này cần kết hợp với giải phẫu tạo hình để lấy bỏ da dư, tái tạo vóc dáng của cơ thể.

- Lứa tuổi: ngoài những trường hợp cơ thể béo mập sớm do những rối loạn bất thường trong quá trình phát triển của cơ thể, thì còn lại thường do tuổi tác. Có thể ngay ở tuổi 30 đã có thấy ứ đọng mỡ ở mức độ cần can thiệp. Tuy vậy những người béo phì cũng không nên coi hút mỡ là biện pháp duy nhất, mà phải phối hợp bằng nhiều biện pháp như chế độ ăn, luyện tập thể dục, thể thao, các biện pháp điều trị béo phì bằng cách hạn chế ăn uống như dùng thốc chống mập, phẫu thuật thắt dạ dày bằng các kỹ thuật khác nhau v.v..

1. Ống hút (canule):

Hút mỡ là kỹ thuật thẩm mỹ được áp dụng và phổ biến trong 30 năm gần đây. Từ những ngày đầu cho đến những năm đầu thập niên 70, người ta dùng cây nạo (giống như dụng cụ nạo tử cung) để nạo phá tổ chức mỡ và hút ra. Người ta cũng dùng các dụng cụ khác để nạo và cắt nhỏ tổ chức tế bào mỡ. Những dụng cụ này chỉ mang lại kết quả hạn chế vì nó gây ra xoắn vặn, xé rách, gây tổn thương bầm dập và chảy máu cho tổ chức cơ thể.

Năm 1976, dụng cụ nạo hút kiểu canule đã được chế tạo bởi công ty Ubrich, Thụy Sĩ. Sau khi thử nghiệm thành công, nó được áp dụng phổ biến từ năm 1978. Đó là bộ ống hút gồm nhiều canule (thường gồm 9 ống) có độ lớn, độ dài khác nhau với hình dáng thẳng hoặc hơi cong ở phần đầu, có tên Aspirades (canule, lipidodissector).

Bạn đọc có thể hình dung, các ống hút này có kích thước trung bình cỡ bằng ống hút nhựa ta thường dùng uống nước và chiều dài cũng bằng cỡ đó hoặc dài tương tự chiếc đũa ăn cơm. Ống hút có tay nắm như cán dao, đầu không sắc nhọn và đuôi có bộ phận để đấu nối vối đầu ống dây của máy hút. Bộ dụng cụ này hiện nay vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Từ 1990, siêu âm bắt đầu được sử dụng kết hợp trong kỹ thuật hút mỡ. Ngày nay, các thiết bị hút mỡ đã được cải tiến nhiều, kể cả việc kết hợp với thiết bị siêu âm, laser và rung cơ học, làm cho công việc hút mỡ ngày càng thuận lợi, an toàn và hiệu quả hơn.

 

2. Máy hút với áp lực mạnh.

3. Các dụng cụ nối (connector):

Những ống này thường phải trong suốt để có thể quan sát được tính chất, màu sắc của chất dịch hút ra ngoài cơ thể, để nhận định đánh giá chính xác hiệu quả của kỹ thuật đang tiến hành và điều chỉnh kịp thời.

4. Các phương tiện hỗ trợ:

- Laser: Một đèn laser được gắn vào dụng cụ hút mỡ để tia laser tác động lên tổ chức mỡ giúp làm tan mỡ và góp phần giảm thiểu một số tai biến như chảy máu, nhiễm trùng v.v…( Kỹ thuật LAL – Laser Assisted Liposuction )

- Máy rung: Đây là máy phát rung cơ học, giúp cho Phẫu thuật viên không phải dùng sức tay để phá tổ chức mỡ khi hút. (Kỹ thuật PAL – Power Assisted Liposuction )

- Máy siêu âm: Kỹ thuật có kết hợp siêu âm (UAL – Ultrasound Assisted Liposuction). Sóng siêu âm tạo ra bởi máy phát sóng siêu âm được sử dụng trong hút mỡ theo 2 cách: trực tiếp hoặc gián tiếp. Theo cách trực tiếp thì sóng siêu âm được hướng theo đường đi của ống canule đến vùng mỡ đang hút, Sóng siêu âm sẽ tác động trực tiếp lên tế bào mỡ và tổ chức mô mỡ, phá vỡ cấu trúc mô mỡ, biến khối mỡ thành dạng lỏng và hút ra dễ dàng. Theo cách gián tiếp thì sóng siêu âm tác động vào mô mỡ một cách gián tiếp qua da. Còn gọi là kỹ thuật kết hợp siêu âm ngoài (EUAL – External Ultrasound Assisted Liposuction ). Khác với động tác hút thông thường, dùng tác động cơ học để phá hủy tổ chức mỡ, khi sử dụng siêu âm, mọi việc diễn ra êm ái, nhẹ nhàng, không gây bầm dập, chảy máu ở vùng hút mỡ. Đây là kỹ thuật hút mỡ tiên tiến nhất hiện nay. Hút mỡ siêu âm đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp hút mỡ ở người trẻ và nam giới (có các mô mỡ rắn chắc hơn) hay trường hợp phải hút nhiều lần trên cùng một người.

HÚT MỠ - 2

III.PHƯƠNG PHÁP:

Nói chung có 2 phương pháp hút mỡ khô và hút mỡ ướt. Do phương pháp khác nhau nên việc thực hiện kỹ thuật cũng có những bước khác nhau:

1. Phương pháp ướt (wet technic):

Trước khi hút, bơm vào dưới da 1 lượng dung dịch bao gồm huyết thanh sinh lý, thuốc cầm máu, giảm đau. Dung dịch này có tác dụng giảm đau, cầm máu và là môi trường để hòa lẫn các mô mỡ sau khi bị phá hủy làm cho việc hút mỡ ra được dễ dàng. Lượng nước đưa vào tùy thuộc vùng hút mỡ và tùy theo mức độ mỡ dư cần hút. Tùy lượng mỡ cần hút ra và lượng dịch đưa vào người ta phân ra các kỹ thuật hút ướt khác nhau:

- Hút ướt nhỏ: Khi phạm vi hút nhỏ và lượng dịch đưa vào nhỏ hơn khối lượng mỡ cần hút.

- Hút ướt lớn vừa (super-wet): Khi hút mỡ trên diện rộng và lượng dịch đưa vào tương đương lượng mỡ cần hút ra.

- Hút ướt cực lớn (tumescent): Khi hút trên diện rất rộng, hút lượng mỡ tối đa và lượng dịch đưa vào lớn hơn (có thể lớn gấp 2-3 lần) lượng mỡ hút ra.

2. Phương pháp khô (dry technic):

Không đưa dung dịch từ ngoài vào, phương pháp này có một số lợi điểm:

- Làm nhanh hơn.

- Quan sát và đánh giá chính xác lượng mỡ hút ra.

Nhưng chỉ thích hợp khi hút lượng mỡ nhỏ và phạm vi nhỏ, như hút mỡ cằm, cổ. Đặc biệt thường áp dụng trong các trương hợp hút mỡ để cấy ghép vào nơi khác của cơ thể (ghép mỡ tự thân ).

 

IV- KỸ THUẬT THỰC HIỆN:

Các bước tiến hành:

1. Vẽ đánh dấu vùng cần hút mỡ (rộng hơn chu vi vùng cần hút 2 cm)

2. Rạch da khoảng 1 cm ở điểm luồn ống hút. Chú ý chọn vị trí rạch da ở nơi dễ xâm nhập vào vùng hút mỡ và giấu được vết sẹo về sau. Trong thực tế các vết rạch này hầu như không để lại sẹo. Ví dụ hút mỡ bụng thì vết rạch ở trên mu hay trong rốn.

3. Dùng dụng cụ chuyên dụng để đưa dung dịch đã pha vào mô mỡ dưới da vùng cần hút (nếu là phương pháp ướt)

4. Đưa dụng cụ chuyên dụng qua vết rạch da vào vùng hút mỡ để phá hủy mô mỡ. Dùng dụng cụ này để tạo các đường hầm trong lớp mỡ dưới da, dùng các xung lực cơ học hoặc siêu âm để phá vỡ cấu trúc mô mỡ thành những hạt mỡ nhỏ có thể đi qua lòng ống canule dễ dàng.

5. Tiếp đó luồn ống hút (canule) vào qua vết rạch da vào để hút. Dưới áp lực hút liên tục của máy hút, chất dịch hòa lẫn mô mỡ đã bị phá hủy sẽ được hút ra.

Chú ý theo dõi số lượng và màu sắc của dịch hút để đánh giá khối lượng mỡ và xem có bị chảy máu hay không để kịp thời điều chỉnh kỹ thuật.

 

* Lưu ý:

- Phương pháp vô cảm: có thể là gây tê tại chỗ, gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.

- Đưa ống hút vào và tạo đường hầm phải đúng lớp mỡ cần hút. Luôn hướng ống hút đi đều dưới da và giữ khoảng cách với da khoảng 2 cm. Vì tổ chức dưới da trong phạm vi chiều dày 2cm chứa nhiều thành phần quan trọng của da như dây thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng da.

- Lượng mỡ hút mỗi lần phải phù hợp với từng cơ thể, không nên hút quá nhiều sẽ gây rối loạn cho cơ thể do thay đổi khối lượng đột ngột.

- Kỹ năng hút phải chính xác, nhẹ nhàng và đều tay để hạn chế thấp nhất tổn thương tổ chức; và lấy mỡ đều để khi lành, bề mặt da không bị lồi lõm, nhấp nhô.

- Đặt ống dẫn lưu (áp lực âm) trong 24h.

 

V.Chăm sóc sau hút mỡ:

- Nếu hút khới lượng nhiều nên nằm theo dõi tại giường bệnh trong 12-24h.

- Băng ép đều, kỹ càng vùng hút mỡ bằng băng thun, nên băng ép bởi chính tay người bác sĩ thực hiện hút mỡ vì băng ép là khâu quan trọng liên quan đến kết quả về sau. Băng liên tục trong ít nhất 1 tháng.

- Có thể có đau, sưng nhẹ và có thể có vết bầm tím. Đau sưng hết dần sau 3-5 tuần.

- Rút ống dẫn lưu sau 24h

- Da lành và co lại, tạo hiệu quả thẩm mỹ cho cơ thể sau 2-3 tháng.

- Massage nhẹ và tăng dần bắt đầu từ tuần thứ 4.

- Có thể có các biến chứng chảy máu, máu tụ, nhiễm trùng, tắc mạch do mỡ v.v… như những loại hình giải phẫu khác, nhưng cũng rất hiếm gặp.

- Người bệnh cần giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt và thể dục thể thao hợp lý sau khi hút mỡ để đạt kết quả lâu dài.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh

Giám đốc Phòng khám Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT