Hồ Lắk, sương mù, cỏ cây và cởi voi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

So với các điểm đến trên dặm đường Tây Nguyên, thì Hồ Lắk luôn được coi là chổ ghé chơi khi du khách đi từ Đà Lạt qua Buôn Ma Thuột, hay ngược lại. Còn với những du khách nước ngoài thì với họ, cái thú ngắm nhìn hồ nước mênh mông nước, được biết là rộng tới 500 hecta, nghĩa là rộng bằng cả Vịnh Nha Trang hay Đầm Nha Phu ở Khánh Hòa, là cả một đam mê. Ở đây, cũng gắn liền với ngôi nhà nghỉ của Cựu hoàng Bảo Đại xưa kia. Vua Bảo Đại quả thật đã có rất nhiều điểm dừng chân ở nhiều thắng cảnh đẹp, và Hồ Lắk cũng đã được Ông ngắm nhìn và chọn lựa.

Hồ Lắk, sương mù, cỏ cây và cởi voi - 1

Cách đến Hồ Lắk cũng lạ. Xe không vội áp sát vào tận nơi có nhiều dãy hàng buôn bán, mà để khách ngay tận ngã ba đường vào Buôn Jun. Sự thú vị là bước chân thong dong, nhón bước từ từ trên con đường ấy, và nhìn ngắm. Ngay ngã ba ấy có một khu trưng bày để khách tham quan, nhưng sự hấp dẫn chính là những chú voi đang ăn rạ vừa cắt đem về, đợi để được chở khách trên lưng mình, đong đưa đi trên con lộ hay lội trên Hồ Lắk. Rất nhiều du khách nước ngoài đi bụi tìm tới. Họ chụp ảnh chung với voi, và sau đó lên trên cái tháp đã dựng vừa tầm lưng voi để có cảm giác ngồi trên lưng voi. Còn những Hướng dẫn viên thì lại kể câu chuyện về Hồ Lắk mỗi ngày cho du khách.

“Theo truyền thuyết của người M’ Nông, thuở xa xưa, Thần Lửa đã chiến thắng Thần Nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng của người Mơ Nông chìm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai được sinh ra giữa cuộc tình của cô gái người Mơ Nông với Thần Lửa. Để chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ, chàng trai đã ra đi tìm nguồn nước cứu dân làng. Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, một lần ngồi nghỉ, chàng chợt nhìn thấy chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang chờ chết khô. Sau khi được cứu, để trả ơn, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông và người M’ Nông đã đến định cư tại đây. Hồ nước và vùng đất đó chính là Hồ Lắk ngày nay.”

Hồ Lắk, sương mù, cỏ cây và cởi voi - 2

Voi Hồ Lắk

Tất nhiên là muốn đi hết Hồ Lắk phải có một con thuyền lớn, nhưng đó là chuyến khám phá dài ngày khi ở lại nơi này, còn cảm giá ghé qua dăm tiếng đồng hồ, rồi lại lên đường lại là một chút gì lãng đãng.

Xe của chúng tôi chạy vào tận cùng con đường. Tôi lại lội ngược ra ngã ba, dặn khi nào anh em đi ra lại thì gọi điện. Tôi đứng ở mép hồ, ở nơi này tầm mắt thấy cả một không gian kỳ ảo. Cây có cứ chen theo nước mà xanh rờn, như thể đó là một sự cộng hưởng. Trong nắng mai chói lóa, những chiếc thuyền độc mộc neo sát lề đường, cũng là mép nước hồ như làm duyên cho cảnh quen. Những chiếc thuyền làm bằng một thân cây ấy đã nhiều tuổi, nhưng vẫn là một công cụ di chuyển đặc biệt mà nếu thích, bạn cũng có thể leo lên, cùng người địa phương tham gia cuộc hành trình cùng Hồ Lắk.

Cứ thế, tôi đi vào Buôn Jun. Đây là buôn người M’Nông từ cái thuở Hồ Lắk chưa đưa vào khai thác du lịch. Buôn nằm dọc theo hai bên đường như điểm xuyết cho không gian riêng nơi này. Buôn có những ngôi nhà sàn lợp mái tole cùng những ngôi nhà gạch. Nói chung là làn sóng du lịch đã làm cho cuộc sống Buôn Jun thay đổi. Họ trở thành những người buôn bán, những nhà sàn cho khách thuê nghỉ qua đêm, uống rượu cần, ăn cơm lam và tham dự đêm hội cồng chiêng, tất cả đã trở thành dịch vụ.

Những du khách nước ngoài tỏ vẻ thích thú khi hòa trộn vào không gian của Buôn Jun hơn là ngắm nhìn Hồ Lắk. Nhưng người dân ở đây vẫn sinh hoạt bình thường như không chú ý đến du khách. Họ phơi quần áo, phơi rạ ngay trước nhà. Những cậu bé con dân tộc M’Nông vui vẻ chào khách và những con bò cùng chen đi với khách.

Hồ Lắk, sương mù, cỏ cây và cởi voi - 3

Du khách nước ngoài đi thăm Hồ Lắk

Ghé quán nước nhỏ. Vẫn theo phong thái hiếu khách, chủ quán ngay tức khắc mời khách bình trà nóng, mà không quan tâm khách có uống nước hay mua hàng của mình không. Chính thái độ hiếu khách đó làm cho du khách cảm tình với Hồ Lắk. Và thật thích thú khi ngồi ở một góc quán, nhìn Hồ Lắk thật đẹp như một tấm gương, thấp thoáng xa xa là rừng, là núi. Còn trên mặt hồ khi nước dâng lên để chìm những nương rẫy tạo ra một màu xanh rất lạ.

Ở Buôn Jun có rất nhiều hàng để mua, giá không cao. Tỉ dụ như những chiếc nhẫn lông voi (theo người bán) với giá 50.000 đồng, cả những bình rượu cần đủ loại giá cho bạn mang về nhà, những chiếc lông voi với giá 30.000 đồng, những chiếc khăn choàng cổ dệt thủ công giá từ 80-100.000 đồng. Cách buôn bán dễ thương khiến cho khách luôn mua hàng dẫu mua chẳng biết để làm gì.

Hồ Lắk, sương mù, cỏ cây và cởi voi - 4

Thổ cẩm Buôn Jun

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT