Kết thúc trận đấu bán kết Việt Nam - Singapore tối 29/12/2024, bình luận viên của đài Truyền hình Việt Nam cho rằng: không có con đường nào trải đầy hoa hồng, và đội bóng của chúng ta cũng phải “vượt ngàn chông gai” để đến với chiến thắng ngày hôm nay. Điều dường như không làm ai ngạc nhiên này lại là một minh chứng quan trọng cho sức hút của chương trình truyền hình Anh trai vượt ngàn chông gai, khi tên của chương trình đã trở thành một từ “quốc dân” mà ai cũng có thể dùng, có thể hiểu.
Sự cuồng nhiệt trên sân bóng dường như cũng hòa nhịp với sức nóng mà các fan của chương trình này tạo ra khi vận động “500 anh em” bầu chọn cho chương trình họ yêu mến trên mọi “mặt trận” mọi giải thưởng, mọi nền tảng.
Trong ngôn ngữ hiện đại, “fan” là từ để chỉ những người hâm mộ một chương trình hay một người nổi tiếng nào đó, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Đây là một từ xuất hiện trong tiếng Anh xuất hiện từ thế kỷ 17 để chỉ những người mộ đạo cuồng nhiệt. Ở thế kỷ 18, Fan là từ chỉ những người hâm mộ môn bóng chày ở Mỹ, rồi sau đó là từ chỉ những người hâm mộ văn học, điện ảnh và các sản phẩm âm nhạc được ghi âm, vào thế kỷ 19.
Từ thế kỷ 20, xã hội hiện đại với sự xuất hiện của radio, television sau này là các công cụ truyền thông điện tử, truyền thông số và các concert, đã đưa sự hâm mộ một sản phẩm văn hóa (đặc biệt là âm nhạc), thể thao trở thành một hiện tượng xã hội. Hiện tượng này gắn liền với truyền thông và văn hóa đại chúng, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ hai khi thời gian hòa bình kéo dài trên toàn thế giới và công nghiệp văn hóa phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Những người hâm mộ thường được tập hợp thành một cộng đồng gọi là Fandom và FanClub (FC).
Những cộng đồng hâm mộ sớm có thể kể đến như cộng đồng người hâm mộ tác giả truyện khoa học viễn tưởng người Pháp - Jules Vernes, cộng đồng hâm mộ thám tử Sherlockhomes, hâm mộ Napoléon rồi hội hâm mộ các siêu sao nhạc Pop như Micheal Jackson, Madonna, Taylor Swift, hội fan phim Star trek, các hội fan idols Hàn Quốc, hội fan anime, fan Harry Potter, cộng đồng xe Jeep, Harley Davidson, chơi Lego…
Văn hóa fan cũng làm cho một số quốc gia trở nên nổi tiếng hơn như fan bóng đá Anh quốc, Braxin; fan K Pop ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam có thể nói đến các cộng đồng hâm mộ lớn như Sky (cộng đồng hâm mộ ca sỹ Sơn Tùng M-TP), Fanclub Đồng Âm của Đen Vâu, FC Kẹo của ban nhạc Ngọt, FC Đóm của Jack... Càng được tổ chức chặt chẽ, tác động của các hội - cộng đồng hâm mộ càng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn, thậm chí truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với niềm yêu thích vô bờ bến, các fan có thể dành thời gian, công sức, tâm trí, tiền bạc, sự cống hiến của mình cho các hoạt động của cộng đồng mình nhằm cổ vũ, bảo vệ, phát triển hình ảnh của người mình hâm mộ hoặc tạo ra các hoạt động trong cộng đồng của mình xung quanh niềm yêu thích chung. Họ có thể lan tỏa các thông tin tích cực đến với xã hội, họ có thể chung tay làm tình nguyện, gây quỹ (fund raising), hướng sự chú ý của xã hội đến một vấn đề nóng, tương trợ lẫn nhau, phát triển tri thức trong một lĩnh vực nhất định và tham gia phát triển kinh tế ở các địa phương nơi họ xuất hiện.
Một trong các ví dụ nổi bật đó là ca sỹ người Thụy Điển, Jenny Lind, đã tạo ra một kỷ lục khi thu về 10 triệu USD chỉ sau một tour lưu diễn năm 1850 tại Mỹ. Người yêu điện ảnh cùng đổ dồn về thành phố Cannes nước Pháp và góp phần tạo ra một festival lớn vào hàng nhất thế giới; người hâm mộ kịch nghệ đổ về thành phố Avignon (Pháp) hàng năm giống như người yêu game và điện ảnh đến với thành phố Busan (Hàn Quốc) mỗi dịp có festival. Hàng năm, fans văn hóa Hàn Quốc mang đến một nguồn doanh thu khổng lồ hàng chục tỷ USD cho đất nước này. Năm 2024, Eras tour của Taylor Swift đã tạo ra doanh thu 2 tỷ USD.
Người hâm mộ có thể tập hợp thành Fandom. Họ cùng nhau tạo ra các hoạt động cộng đồng (community events) như festival của các fan (ví dụ festival cosplay, văn hóa cosplay - ăn mặc như các nhân vật trong truyện, film). Họ xem show, chú trọng quay một nhân vật mình đặc biệt yêu thích và chia sẻ trên mạng, tạo thành Fan Cam. Cùng nhau tưởng tượng và viết nên câu chuyện về nhân vật mình yêu thích, sáng tác nghệ thuật và từ đó tạo thành Fanzine, Fanart, Fanfiction.
Cùng nhau tiêu dùng các vật phẩm văn hóa của thần tượng, họ tạo ra Faneconomy, Fansumer, Fanmerchandise. Họ sưu tầm các vật phẩm liên quan tới thần tượng (gọi là Memorabilia). Nơi chia sẻ thông tin về thần tượng, về các hoạt động của cộng đồng, trao đổi ý kiến trên mạng xã hội được gọi là Fanpage.
Nơi các fan tụ hội cùng thưởng thức một hoạt động văn hóa và giao lưu cùng nhau được gọi là Fanzone. Cùng nhau tương tác, tiêu dùng, phản biện, họ tạo ra participatory culture - văn hóa tham gia - nơi các thành viên đều có tiếng nói của mình và được lắng nghe. Văn hóa Fan cũng góp phần tạo ra các cộng đồng fan chuyên nghiệp, nhà báo, blogger, social influencer chuyên về fan và fandom, FC.
Ở Việt Nam, người viết đặc biệt ấn tượng với hoạt động nhân văn của các fan của Đen Vâu khi tham gia chương trình Nuôi em đã giúp được hàng chục nghìn em nhỏ có bữa ăn tươm tất hơn. Fan của ca sỹ Hà Anh Tuấn với các nỗ lực trồng rừng được triển khai nhiều năm qua.
Fan của ca sỹ Soobin đã có một hành động nhân văn khi đã quyên góp 109.199.200 triệu để hỗ trợ người dân của bão Yagi như một hành động kỷ niệm ngày sinh nhật của ca sỹ này (ngày 10/9/1992).
Việc vận động bầu chọn cho người, chương trình mình yêu thích là một trong những hoạt động thường thấy của các Fans, nhưng năm 2024 có thể nói là đã có một bước tiến đặc biệt trong các hoạt động bầu chọn tại Việt Nam, đơn cử là với giải WE CHOICE AWARDs 2024.
Trước hết là lượng bầu chọn tăng mạnh, đặc biệt với chương trình Anh trai Vượt ngàn chông gai (hơn 1,1 triệu lượt bình chọn cho hạng mục Show của năm, chưa kể đến các đề cử cho các tiết mục và các cá nhân tham gia chương trình này).
Không những hăng hái bầu chọn “mỗi tiếng một lần” và dành thời gian giải các câu đố kiểm tra (CAPTCHA) của ban tổ chức bình chọn, các fans còn huy động “500 anh em” là họ hàng, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác của mình để bầu cho nhân vật và chương trình mình yêu mến. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều fan đã chọn cách “bầu chùm” là không chỉ bầu cho nhân vật mình yêu mến (Soobin, hơn 1 triệu lượt bình chọn) mà còn bầu cho người mình cảm phục.
Một điểm đáng chú ý nữa là sự quan tâm đến văn hóa dân tộc trong show Anh trai vượt ngàn chông gai. Giới trẻ đã cho thấy sự hào hứng đặc biệt với các tác phẩm mang đậm âm hưởng dân gian như Đào Liễu, Trống Cơm, Dạ cổ hoài lang, ca Huế cũng như các yếu tố tạo hình trong nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương đã được biến tấu theo phong cách hiện đại. Đây là một dấu hiệu đáng mừng và cho thấy giới trẻ không ngại quan tâm đến văn hóa truyền thống nếu cách thể hiện phù hợp. Họ càng thích, càng lan tỏa, càng bình chọn thì văn hóa truyền thống càng “ngấm” sâu vào giới trẻ Việt.
Có thể coi, sự thành công của các show diễn trong năm 2024, đặc biệt là show biểu diễn trực tiếp tại TP.HCM và Hà Nội là minh chứng cho sự phát triển toàn diện, cả về chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam là một làn sóng mới. Có thể coi, sự cuồng nhiệt của các “gai con” - fan của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai như một đợt thủy triều mang theo một nguồn năng lượng lớn. Thử thách của năm 2025, có lẽ là làm thế nào để nguồn năng lượng này mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho công nghiệp văn hóa nước nhà, cho người hâm mộ và cho cả các hoạt động của các fandom Việt.