Thăm rừng trúc sào ở độ cao ngàn mét
Không chỉ cung cấp nguyên liệu sản xuất đồ dùng sinh hoạt, những cánh rừng trúc sào còn mở hướng phát triển du lịch với những điểm "check-in" nên thơ và độc đáo không thua kém những điểm đến khác.
Cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 40 km, rừng trúc xóm Bản Phường, xã Thành Công huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng có không gian xanh mát với hàng nghìn cây trúc sào cao vút. Điều khá đặc biệt là trong rừng trúc, không có bất kỳ loại cây nào khác nên càng đi sâu vào rừng, du khách càng cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ của thiên nhiên miền sơn cước. Nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, rừng trúc Bản Phường rì rào với tiếng tiếng chim rừng líu lo khi ban mai hay lúc chiều xuống, khiến tâm hồn con người trở nên thư thái hơn.
Không gian xanh mát trải dài tít tắp.
Anh Hoàng Văn Hoạt - Đội quản lý rừng trúc Bản Phường, xã Thành Công cho biết diện tích rừng trúc hiện là hơn 40ha và từ khi rừng trúc có khách du lịch ghé thăm, người dân trong xóm nhắc nhở nhau không khai thác bừa bãi mà giữ gìn cảnh quan để khu rừng luôn tươi xanh, phát triển.
"Bản ở phía dưới rừng trúc là Bản Phường có 57 hộ, hơn 200 nhân khẩu, nhà khá thưa thớt, có các dân tộc: Dao Tiền, Dao Đỏ, Tày và Nùng cùng sinh sống. Hôm qua, có 4 - 5 đoàn khách lên đây tham quan. Mỗi người trực 1 ngày thứ 7 hoặc chủ nhật, ít nữa bản sẽ phân công trực cả ngày thường. Dù chưa được trả tiền hỗ trợ nhưng chúng tôi vẫn bảo ban nhau làm công việc này", anh Hoàng Văn Hoạt nói.
Ô tô di chuyển tới điểm dừng chân rừng trúc Bản Phường thuận tiện.
Huyện Nguyên Bình hiện có 16/17 xã, thị trấn có các diện tích trồng trúc, nhiều nhất là tại các xã Ca Thành, Thành Công, Minh Tâm, Thể Dục, Triệu Nguyên... Một số xưởng chế biến, sản xuất đồ dùng từ nguyên liệu trúc, tre trên địa bàn thường xuyên tổ chức thu mua trúc sào của bà con, để đưa ra thị trường những sản phẩm được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng bàn ghế trúc, chiếu trúc và các loại đồ gia dụng khác.
Đường vào sâu trong rừng trúc được xếp gạch sạch sẽ.
Năm 2021, huyện Nguyên Bình đã triển khai chương trình xây dựng điểm ngắm cảnh, trải nghiệm vườn trúc sào trong vùng Phja Oắc - Phja Đén với điểm được lựa chọn là vườn trúc Bản Phường, xã Thành Công. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng, UBND xã Thành Công nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy chế khai thác trúc, vầu theo đúng quy trình, thời vụ; vừa khai thác phát triển kinh tế, vừa phục vụ phát triển du lịch. Cùng với phiên chợ Phja Đén nổi tiếng bởi các sản phẩm miến dong và nông sản địa phương, du khách đến Nguyên Bình có thể tham gia "săn mây" trên đỉnh Phja Oắc, thăm đồi chè Kolia, trang trại cá hồi; tham quan các cánh rừng trúc, rừng thông cổ thụ và tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao Tiền ở xóm Hoài Khao...
Dọc con đường từ huyện Nguyên Bình vào huyện Bảo Lạc là màu xanh bạt ngàn của những rừng trúc xanh mát. Những vạt trúc thẳng tắp trên sườn đồi hay dưới thung lũng, bên những nếp nhà mái ngói âm dương đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách bởi sự mộc mạc, hoang sơ và không gian yên bình, nhuốm màu huyền ảo. Đến với những rừng trúc sào Nguyên Bình không đòi hỏi chi phí đắt đỏ hay những hành trình hiểm trở nhưng chắc chắn sẽ để lại thật nhiều kỷ niệm khó quên cho du khách./.
Hoa tam giác mạch bắt đầu nở rộ ở Hà Giang, thu hút du khách thập phương. Khí hậu trong lành, se lạnh, cảnh sắc ấn tượng...