Sông nước Tiền Giang
Một ngày cuối tuần, được lênh đênh trên chiếc thuyền, rong ruổi khắp các chợ nổi, làng nghề truyền thống, ngắm cảnh đẹp 2 bên bờ sông.
Từ TPHCM, chiếc xe đời mới 45 chỗ của Công ty Du lịch Vietravel đưa đoàn chúng tôi về với xứ sở cây trái, với bao háo hức khám phá tìm hiểu đời sống miền sông nước. Băng băng trên con đường cao tốc Trung Lương, trên xe là những câu chuyện kể thú vị của anh Hướng dẫn viên Huy, làm chúng tôi quên đi thời gian, thoáng chốc đã trải qua 2 tiếng đi đường, và xe cập bến tàu Cái Bè.
Trước mặt chúng tôi là con sông Tiền đỏ nặng phù sa. Neo đậu tại bến, những chiếc thuyền tiện nghi, trang bị đầy đủ áo phao, với những cô hướng dẫn viên xinh xắn, giọng nói dịu dàng tươi cười chào đón du khách. Chúng tôi được hướng dẫn lên thuyền an toàn, và khởi hành chuyến hành trình khám phá đặc trưng miền sông nước.
Chiếc thuyền thoáng đãng, gió mang theo hơi nước và cả mùi đặc trưng của nước sông làm dịu đi cái nắng vàng như mật ong đang rót xuống dòng sông. Nhiều du khách háo hức mang điện thoại ra chụp ảnh mình cùng quang cảnh cả con thuyền đầy du khách. Cô hướng dẫn viên hồ hởi giới thiệu những thắng cảnh, những đặc trưng của vùng đất miền Tây quanh năm cây trái. Thuyền đi ngang qua chợ nổi Cái Bè vào lúc tan tầm, nên việc giao thương mua bán đã thưa thớt. Trước đây, chợ nổi Cái Bè chủ yếu buôn bán mặt hàng trái cây, vì đây là vựa trái cây lớn. Nay ngoài trái cây, còn có nhiều mặt hàng nông sản, gia dụng cũng được buôn bán, trao đổi. Du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu, chiêm ngưỡng và tham gia vào hoạt động của chợ nổi. Trên thuyền có những cây Bẹo, treo những mặt hàng mà họ bán. Thuyền treo gì thì bán thứ nấy, hoặc treo thứ này nhưng bán thứ khác... qua sự hướng dẫn và hỗ trợ của hướng dẫn viên, họ được trực tiếp tham gia, trải nghiệm hoạt động mua bán này. Những chủ thuyền là những người nông dân hiền lành, chất phác, lúc nào cũng nở nụ cười đôn hậu. Đó là nét độc đáo, đặc trưng của miền sông nước Tiền Giang, là ấn tượng khó quên không chỉ với du khách quốc tế, mà cả với du khách trong nước, chỉ được nghe qua lời kể, xem qua sách, báo, ti vi... lần đầu tiên được đặt chân đến vùng sông nước này.
Thuyền chở đoàn chúng tôi dừng chân tại cơ sở mật ong Thanh Thúy. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu quy trình nuôi ong lấy mật, được tận mắt nhìn thấy tổ ong, những chú ong thợ và sáp ong trĩu mật. Trong khuôn viên của cơ sở, có những dãy bàn ghế kê ngay ngắn, sắp sẵn những bình trà mật ong thơm phức, để du khách nghỉ chân thưởng thức. Chủ cơ sở nuôi ong đon đả chào khách và giới thiệu những sản phẩm từ mật ong nguyên chất, và còn hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt mật ong tự nhiên với mật ong nuôi từ đường kính. Mỗi người tranh thủ mua vài chai mật ong về làm quà, hoặc để ngâm chanh, làm thuốc.
Rời cơ sở nuôi ong, thuyền đưa chúng tôi đến mục sở thị cơ sở bánh kẹo Cửu Long, với nhiều bất ngờ, thú vị. Nằm trong khu làng nghề bánh kẹo, nơi đây còn giữ nét cổ xưa của làng nghề truyền thống với những bếp lò, dụng cụ làm bánh kẹo, tôi chắc rằng tuổi nghề của chúng hơn tuổi đời của nhiều người trong đoàn chúng tôi. Mỗi cơ sở bánh kẹo truyền thống nắm giữ quy trình sản xuất hơn chục loại bánh, kẹo, mứt... Mỗi loại, được làm bằng nhiều loại công cụ chuyên dụng độc đáo. Theo hướng dẫn của Hướng dẫn viên, chúng tôi được xem qua quy trình làm từng loại sản phẩm.
Tại khu làm bánh cốm, một cái chảo to, đường kính chừng hơn 1 mét, 2 người thợ thao tác. Đầu tiên, một lượng cát màu đen được cho vào chảo đang bắc trên bếp vỏ trấu rực lửa, đảo đều cho tới khi đạt độ nóng nhất định, một mẻ thóc được đổ vào, hai người thợ dùng chiếc đũa tre dài đảo đều. Chỉ trong 15 giây, khi nghe tiếng tách tách, những hạt thóc nở bung thành những hạt cốm trắng ngần, giữa lớp cát đen nháy, trông như những bông hoa rất đẹp mắt. Chúng tôi băn khoăn lo ngại, khi hạt cốm nở trong lớp cát đen như vậy, có bị mất vệ sinh, những hạt cát dính vào hạt cốm, khi ăn sẽ rất khó chịu. Anh thợ cả tươi cười giải thích: Những mẻ cốm này sẽ được xử lý bằng lò quay ly tâm, đảm bảo sạch sẽ, không còn một hạt cát hay một mẩu vỏ trấu nào. Từng nhóm du khách vây quanh mỗi lò bánh, không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên trước quy trình làm bánh. Những người thợ thực hiện công việc hàng ngày của mình, tranh thủ giới thiệu, giải thích cho du khách biết về quy trình làm ra những chiếc bánh giòn tan, thơm phức, mà sau đó, du khách được ăn thử ngay khi bánh còn nóng hổi. Và thích loại nào, du khách chọn mua loại đó về làm quà, và tả lại cho người thân nghe về việc làm bánh, và ý nghĩa của những chiếc bánh mà mình được tận mắt chứng kiến quá trình chế biến, sản xuất...
Tạm biệt những chiếc kẹo dừa béo ngọt, những chiếc bánh thơm lừng, những người thợ hồ hởi hiếu khách, chúng tôi xuống thuyền đến một nơi được mệnh danh là “thiên đường bên sông”.
Từ dưới thuyền, khu Mekong RiverSide Resort nổi bật giữa bạt ngàn xanh tươi của cây cỏ, sông nước. Bến thuyền khá kiên cố, thuận tiện để du khách lên bờ. Bước vào sảnh khu resort, chúng tôi được phục vụ khăn lạnh, nước trà mùi xả thơm nhẹ dễ chịu. Ngồi trên những chiếc ghế êm ái, nhấp từng ngụm trà mát lành, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn quang cảnh thơ mộng bên sông. Sau đó, chúng tôi được nghe giới thiệu và đưa đi tham quan tổng thể toàn khu resort. Với diện tích khoảng 7 ha, resort có 25 bungalow tổng cộng 50 phòng. Các phòng ngủ đều có tầm nhìn ra sông, hoặc được bố trí ngay cạnh cái hồ rộng rãi, có thuyền Kayak để du khách chèo đi thong dong. Nơi đây có khu trồng rau tự cung tự cấp, với nhiều loại rau sạch được trồng trọt, chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ. Những luốn rau xanh non mơn mởn, những cây trái trĩu nặng chín vàng, khiến bước chân du khách không muốn dời đi, và trong lòng ước ao có một chuyến nghỉ dưỡng tại đây. Trước sự niềm nở của nhân viên resort, mấy chị em chúng tôi đều thử hái vài mớ rau và thích thú trước sự ngon lành, an toàn của rau củ được trồng tại đây. Hoặc với tay hái mấy trái đu đủ chín vàng, để rồi mang vào cắt ra mời mọi người trong đoàn thưởng thức. Nhân viên resort cho biết, tại đây có lớp dạy nấu ăn. Du khách sẽ được ra vườn hái rau quả, xuống mương bắt cá, và được các chuyên gia ẩm thực hướng dẫn chế biến, nấu các món ăn đậm đà bản sắc miền Tây sông nước.
Mấy bạn trẻ không cưỡng được sức hấp dẫn của không khí trong lành, tự nhiên của resort, đã mặc những bộ đồ bà ba, khăn rằn, xuống mương bắt cá. Trên bờ, những chiếc máy chụp ảnh lách tách chụp lại những khoảnh khắc bạn mình reo hò thích thú khi bắt được cá. Chiếc giỏ mỗi lúc một nặng thêm, cá bắt được, có thể nhờ nhân viên nhà hàng chế biến thành các món ăn, hoặc mang về như một chiến lợi phẩm. Dưới cái nắng có phần chói trang, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi vẫn reo hò, cổ vũ những “nông dân văn phòng” đang hăng hái tát nước, chụp nơm... Có lẽ, phải tới khi hướng dẫn viên thông báo sắp đến giờ khởi hành tiếp tục hành trình, thì không khí náo nhiệt tại khu bắt cá mới dịu dần đầy luyến tiếc. Về lại tiền sảnh, những dĩa trái cây mát lành, những ly nước mát sẵn sàng, làm cho chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà mình...
Trong hành trình thú vị ấy, chúng tôi đi qua nhiều điểm nữa, được trầm trồ, thích thú với bao điều thú vị khác. Đọng lại trong chúng tôi là sự niềm nở hiếu khách, những tình cảm lưu luyến khi vừa mới gặp gỡ làm quen đã phải tạm biệt hẹn ngày gặp lại. Một ngày trải nghiệm miền Sông nước Tiền Giang đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, và nhất định sẽ còn nhiều lần trở lại.
Thu Hương
Ảnh: HỮU ÂN