Ramsar Côn Đảo thiên đường của du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 1/11/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo là khu Ramsar tại Trung tâm Văn hóa -Thể thao huyện Côn Đảo. Tham dự có: Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ông Hồ Văn Niên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ông Hồ Văn Lợi - Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường; Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập mặn; Ông Lê Xuân Ái - Giám đốc Ban Quản lý Rừng Quốc gia Côn Đảo; Ông Nguyễn Đức Tú - Đại diện Ban Thư ký Ramasar; Bà Trịnh Ngọc Hoàn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nhạc sĩ - Nhà báo Vũ Hoàng - Tổng Biên tập Tạp Chí Du lịch TPHCM; Đại diện báo Du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch & Giải trí, Tạp chí Việt Nam Heritage... Đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa đối với huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn cho thấy, Việt Nam, mặc dù diện tích không lớn, nhưng đã có tới 6 khu bảo tồn rừng ngập mặn tầm cỡ thế giới, ở đây không chỉ là sự đa dạng phong phú về sinh học của thiên nhiên ban tặng, mà còn còn có ý nghĩa kinh tế đối với sự phát triển du lịch. 

Ramsar là tên công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn của mọi yếu tố, cũng như sự mất đi của chúng ở mọi thời điểm. Công ước này được phê chuẩn bởi các quốc gia tham gia, tại thành phố Ramsar, Iran ngày 2/2/1971 và có hiệu lực ngày 21/12/1975.

Đến nay đã có 160 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia công ước Ramsar, Việt Nam là quốc gia thứ 50 tham gia công ước Ramsar từ năm 1989 và đã có 6 khu vực rừng ngập mặn của việt Nam được công nhận là Ramasar thế giới như: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai); Hồ Ba Bể  (Bắc Kạn); Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau) và ngày 18/6/2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo là Vườn quốc gia ngập mặn thứ 6 của Việt Nam trong 2.203 Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

VQG Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha ngập nước.Các rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)... Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo là điều kiện tốt để bảo tồn sinh vật biển, phát triển du lịch do có những đặc điểm riêng biệt như: Là một vùng đảo tương đối xa bờ, tác động của con người chưa nhiều nên hệ sinh thái biển gần như còn nguyên vẹn, có thể thấy sự phong phú của thảm thực vật, rạn san hô dầy đặc ở đây.

Ramsar Côn Đảo thiên đường của du lịch - 1

Rùa Côn Đảo

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, san hô ở đây có độ phủ trung bình là 42,6%. Mật độ cá sống ở rạn san hô đạt trung bình 400 con/m2, một mật độ khá cao so với các vùng biển khác ở Việt Nam.

Ramsar Côn Đảo thiên đường của du lịch - 2

Lặn ngắm san hô

Rừng ngập mặn Côn Đảo là vùng biển có nhiều rùa biển, có 17 bãi cát là bãi đẻ của rùa, hằng năm có hàng ngàn rùa mẹ lên đây để đẻ trứng. Ở đây còn có loài bò biển (Dugong) khá tập trung, sống dựa vào các thảm cỏ biển dày đặc quanh các đảo.Cho đến nay có 11 loài cỏ biển được ghi nhận ở Côn Đảo. Hệ sinh thái rừng ngặp mặn: có 46 loài thực vật phân bố tại rừng ngập mặn Côn Đảo trong đó có 28 loài cây rừng ngập mặn chủ yếu thuộc 14 họ và 18 loài tham gia rừng ngập mặn  thuộc 13 họ. Họ có nhiều loài nhất trong khu vực là họ Đước với 9 loài, họ Bàng 3 loài, họ Đậu 3 loài, các họ còn lại có 1 – 2 loài. Rừng ngập mặn ở đây phân bố trên lập địa cát, sỏi nhỏ và san hô chết, đây là điểm khác biệt, độc đáo của rừng ngập mặn Côn Đảo so với rừng ngập mặn của các vùng khác.

Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Đất ngập nước cũng là kho của nguyên liệu gen thực vật. Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam.

Ramsar Côn Đảo thiên đường của du lịch - 3

Cua xe tăng

Thiên nhiên hoang sơ với những bãi cát dài mịn màng hấp dẫn, cùng thảm động thực vật phong phú là điều kiện để Côn Đảo phát huy lợi thế trong khai thác du lịch. Nhiều năm qua, Ban quản lý (BQL) VQG Côn Đảo cũng đã từng bước khai thác tài nguyên này qua các hoạt động du lịch sinh thái, lặn biển ngắm san hô, bước đầu đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Nếu lựa chọn các tour du lịch sinh thái, du khách sẽ được đi bộ xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh để hít thở không khí trong lành và khám phá nhiều loài cây rừng quý hiếm.Ngoài ra, VQG Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Đặc biệt, đến Côn Đảo, du khách còn có thể tìm hiểu thêm về các dự án về biển và công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm như: trai tai tượng, ốc vú nàng... Ban quản lý VQG Côn Đảo cho biết, mỗi năm, VQG Côn Đảo đón và phục vụ khoảng 1.500 du khách tham gia bơi, lặn ngắm san hô và khám phá các loại sinh vật biển. Và sau khi được công nhận khu Ramsar của thế giới, BQL VQG Côn Đảo tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về Công ước Ramsar và các giá trị mà khu Ramsar sẽ mang lại.

 Theo đó, BQL VQG Côn Đảo khuyến khích cộng đồng sử dụng tài nguyên một cách bền vững bằng cách tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, chuyển đổi ngành nghề ít ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; khuyến khích và hướng dẫn ghe, tàu vận chuyển khách du lịch không thả neo trực tiếp trên rạn san hô, cỏ biển mà buộc vào các phao neo cố định. Hiện nay, nhiều người dân ở Côn Đảo đã chuyển đổi từ đánh bắt thủy, hải sản ven bờ sang vận chuyển khách du lịch, buôn bán, nuôi ong mật, nhà nghỉ cho khách du lịch; phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch ít ảnh hưởng đến đa dạng sinh học đất ngập nước như bơi, lặn xem san hô, xem rùa biển đẻ trứng…

Tuy nhiên, để thực sự phát huy cao độ lợi thế tự nhiên của VQG Côn Đảo và để bảo vệ nguồn tài nguyên quí giá này một cách bền vững, có lẽ phải có sự chung tay của cả cộng đồng, từ những người dân sinh sống trong khu vực, đến những du khách cả đời đến một lần đều phải biết nâng niu gìn giữ từng bãi cỏ biển, những con rùa đến những rạn san hô dày đặc cá đủ sắc màu và ý thức ngay trong việc gìn giữ môi trường biển, môi trường vệ sinh khu vực, không xả rác bừa bãi, không sự dụng những loài động thực vật quí hiếm ở đây…Và có lẽ phải nghiêm khắc hơn nữa trong sử dụng chế tài bảo vệ cảnh quan, môi trường, hệ động thực vật một cách nghiêm khắc hơn thì chúng ta mới có hy vọng bảo tồn và phát huy VQG Côn Đảo một cách hiệu quả nhất….

Ngọc Anh

(Báo Du lịch, số 43, thứ Năm, ngày 30.10.2014)

Xem thêm tại: http://www.baodulich.net.vn/vn/official/khampha/3458/Ramsar-C%C3%B4n-%C4%90%E1%BA%A3o-thi%C3%AAn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-du-l%E1%BB%8Bch-Ramsar-C%C3%B4n-%C4%90%E1%BA%A3o--thi%C3%AAn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-du-l%E1%BB%8Bch.htm

 

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT