NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà rông Tây Nguyên - nhà rông văn hóa là một biểu tượng văn hóa rất đáng tự hào của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên - Trường Sơn và các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhà rông là một di sản văn hóa đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân tộc

NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA - 1 

 Nhà rông Tây Nguyên được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của núi rừng Tây Nguyên, tranh, tre, gỗ, lồ ô v.v… và được xây cất trên một khoảng đất rộng. Nằm ngay trong khu vực trung tâm của buôn làng. Nhà rông truyền thống là nơi thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn “việc làng, việc nước”, nơi thể hiện các lễ hội - tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống v.v… Ngôi nhà chung ấy còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: chiêng, trống, cồng, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ. Độ cao của ngôi nhà rông truyền thống có khi cao đến 18m và mái nhọn, cao vút, người thợ thủ công tài tình, khéo léo chỉ bằng vật liệu của núi rừng mà tạo nên lối kiến trúc độc đáo, bền vững, với nhiều loại hoa văn phong phú mà gam màu chủ đạo là màu đen, trắng và nâu đậm.

 NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA - 2

Nhà rông, hồn của làng

Nói đến Tây Nguyên, hầu như bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến nhà rông. Quả thật đây là đặc sản của vùng đất này, thậm chí còn đặc sản hơn cả cồng chiêng. Vì cồng chiêng nhiều nơi khác cũng có, còn nhà rông thì ngoài Tây Nguyên chỉ còn tìm thấy rải rác ở đôi vùng Đông Nam Á và lạ thay, lại ở... đôi hòn đảo tít tắp trên Thái Bình Dương mênh mông.

Nhà rông là linh hồn của làng. Ở Tây Nguyên, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là "làng đàn bà", tức cũng gần như nói một cái làng chưa ra làng, chưa xứng đáng là làng. Đấy mới chỉ là một tập hợp rời rạc những cái nhà chưa có hồn, trong đó chứa những sinh linh cũng chưa có hồn, chưa thật sự là con người. Bởi người ta chỉ thành người khi được thổi vào đấy hồn người, mà như đã nói ở trên, hồn người đối với người Tây Nguyên thì phải là hồn làng.

Nhà rông là nơi diễn ra toàn bộ đời sống cộng đồng làng. Nơi đêm đêm, ngay từ tấm bé, đứa trẻ đã được theo cha hay mẹ đến dự những buổi tụ hội cả làng quanh bếp lửa, ở đó những thế hệ con người Tây Nguyên, bằng các cuộc trò chuyện, các cuộc ca hát, chơi đùa, thậm chí cả la đà bên ché rượu cần..., truyền cho nhau, từ đời này sang đời khác, tiếp nối không ngừng, kinh nghiệm sống và làm người giữa chốn rừng núi vừa bao dung vừa dữ dội và khắc nghiệt này. Đó là những kinh nghiệm: Cách đi săn con thú trong rừng, cách tỉa lúa trên rẫy, cách xem trời nắng mưa, cách sống với rừng và với người, cách ứng xử với người già, người trẻ, người quen, người lạ, với bạn với thù, với người còn sống và người đã chết, với con người và với thần linh...

Nơi diễn ra các lễ hội tưng bừng và tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng thâm trầm. Nơi đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài đến hàng chục đêm, những người già hát kể cho con cháu nghe những bản trường ca về những người anh hùng huyền thoại và về sự hình thành vũ trụ cùng sự sống trên trái đất này... Đây cũng là nơi làng tiếp đãi khách, tức là ngôi nhà đại diện của làng giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Nhà rông còn đặc biệt là nơi ngủ bắt buộc của tất cả thanh niên chưa có vợ trong làng: bởi họ là lực lượng trực chiến của làng, sẵn sàng bảo vệ làng chống lại mọi cuộc tiến công đến từ mọi phía. Chính vì vậy, trong làng nhà rông thường đứng ở vị trí cao nhất, có thể phát hiện kẻ thù đến từ xa, là chỉ huy sở của các cuộc chiến đấu bảo vệ làng...

NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA - 3

Nhà rông có tự bao giờ và vì sao?

Nhà rông Tây Nguyên, cũng như chính Tây Nguyên, rất hiện thực, mà cũng rất huyền ảo. Đã có thể hiểu được nhiều điều về vật thể văn hoá kỳ thú này của Tây Nguyên, mà cũng còn bao nhiêu điều chưa thể hiểu, cần hiểu thấu thêm nữa, thậm chí có thể bất tận về nó. Ngôi nhà rông luôn uy nghi giữa làng, luôn chứa đựng biết bao bí ẩn đối với người lạ và thành kính thiêng liêng đối với cư dân bản địa. Nhà rông từ lâu đã góp phần làm nên phần hồn của các dân tộc Tây Nguyên, nó mang ý nghĩa tín ngưỡng, như đình làng đối với người Kinh.

Trong những thành tố làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên thì nhà rông giữ một vai trò quan trọng. Quan trọng bởi bên cạnh giá trị vật chất, nó là nơi ẩn chứa những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên. Mà không chỉ là tâm linh, nó là máu, mồ hôi, nước mắt, là vinh quang kiêu hãnh, là dự báo của những ước vọng cao cả của con người trước thiên nhiên, trước vũ trụ. Người ta thường đánh giá sự hùng mạnh trù phú của một làng Tây Nguyên qua nhà rông. Nhà rông chỉ gắn với làng, không có nhà rông cấp tỉnh, cấp huyện hoặc nhà rông liên làng, bởi nó gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân nhất định. Xưa kia, đã là làng Tây Nguyên là phải có nhà rông.

NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA - 4

Việc làm nên một ngôi nhà rông bởi các nghệ nhân tài ba, giỏi giang trong làng đảm nhận. Và hiện nay, chính vì việc các nghệ nhân làm nhà rông (ngày càng hiếm) không cần bản vẽ, thiết kế hay là một điều gì tương tự, mà thoạt trông các nhà rông tưởng là đều giống nhau, nhưng thực ra nó mang dấu ấn cá nhân của người làm khá rõ. Ðiều này làm cho việc làm các nhà rông truyền thống gần giống với sáng tạo nghệ thuật, nơi in đậm dấu ấn cá nhân con người với tư cách chủ thể sáng tạo, nơi tài hoa cá nhân được phát tiết một cách tự do nhất, say mê nhất, hào hứng nhất... Và cũng chính điều này khiến cho nghệ nhân làm nhà rông trở thành của quý, nhất là có một quy định bất thành văn là nghệ nhân không được sang vùng khác làm giúp nhà rông, và việc làm nhà rông chỉ diễn ra vài ba chục năm một lần. Các nghệ nhân tài hoa đã thưa thớt lại càng thưa thớt. Các dịp làng sửa hoặc làm mới nhà rông chính là dịp để nghệ nhân lớn tuổi truyền nghề cho con cháu. Ðây là những dịp lễ quan trọng, vì như đã nói, khá lâu mới có dịp tổ chức, bởi nó phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của làng.

NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN - MỘT DI SẢN VĂN HÓA - 5

Và có rất nhiều những truyền thuyết đẹp đẽ và thơ mộng về những câu chuyện hình thành từ buôn làng và từ những ngôi nhà rông ấy, và những truyền thuyết cũng có thể là một kiểu "ký ức" mơ hồ và huyền ảo nào đó của con người về những thuở xa xăm mịt mù. Riêng với chúng ta, hẳn khó lòng mà không thể không đặt ra câu hỏi: tại sao lại có sự gặp gỡ lạ lùng giữa "lịch sử" nhà rông trong tâm trí những con người trong rừng sâu hẻo lánh Tây Nguyên hôm nay với truyền thuyết Babel tận bên trời Tây xa xôi? Có mối liên hệ nào đây của những bộ phận cách xa nhau đến thế của loài người, có những dòng chảy nào đây của con người và của văn hóa từ những thuở cực kỳ xa xăm?...

Vậy đó, nhà rông Tây Nguyên, cũng như chính Tây Nguyên, rất hiện thực, mà cũng rất huyền ảo. Đã có thể hiểu được nhiều điều về vật thể văn hóa kỳ thú này của Tây Nguyên, mà cũng còn bao nhiêu điều chưa thể hiểu, cần hiểu thấu thêm nữa, thậm chí có thể bất tận về nó. Những công trình tâm huyết về Tây Nguyên và nhà rông Tây Nguyên sẽ là một bước cố gắng thêm, nối tiếp những công trình công phu của nhiều người đi trước là một gợi ý, gợi cảm hứng cho những công trình nối tiếp nữa, hoàn chỉnh hơn, sâu hơn, uyên bác hơn. Để xứng đáng với một đặc sản văn hóa tuyệt vời mà các dân tộc Tây Nguyên đã đóng góp cho sự giàu có và đa dạng của văn hóa các dân tộc trên đất nước ta.

Ngôi nhà chung của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên ngoài nhà rông còn có nhà Guol, nhà Dài... Tuy khác nhau về kiểu dáng và tên gọi nhưng đều có cùng chức năng.

ThS. PHAN ĐÔNG NHỰT

Ảnh: Hữu Long

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT