HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU: “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 11-5, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch đã tổ chức hội thảo về Môi trường du lịch tại TP.Vũng Tàu. Gần 100 đại biểu là các nhà báo của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện doanh nghiệp đã tham dự.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 1

Quang cảnh hội thảo về môi trường du lịch TP.Vũng Tàu

 Mở đầu hội thảo, Nhà báo Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nêu thực tế: Thời gian qua, TP.Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tại các bãi tắm, tổ chức sự kiện văn hóa… nhưng sức hút du khách đến với Vũng Tàu vẫn chưa mạnh. Du khách vẫn phàn nàn về tình trạng bị hàng rong đeo bám, bị “chặt chém” về giá cả dịch vụ, cách ứng xử còn thiếu văn minh cùng những người kinh doanh theo kiểu chụp giật; vệ sinh môi trường nơi bãi biển, nhà hàng còn nhiều bất cập. “Hội thảo tập hợp những tham luận, ý kiến của các nhà báo và những nhà hoạt động du lịch nhằm góp tiếng nói vào việc xây dựng môi trường du lịch của TP.Vũng Tàu lành mạnh, văn minh, thân thiện”, nhà báo Nguyễn Thị Minh Hà nhấn mạnh.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 2

Nhà báo Nguyễn Thị Minh Hà - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thái Sơn

“CHẶT CHÉM” LUÔN LÀ VẤN NẠN

Một trong những căn “bệnh nan y” của du lịch TP.Vũng Tàu được mổ xẻ tại hội thảo là nạn cò mồi và “chặt chém” du khách. Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nêu các chiêu thức, thủ đoạn “chặt chém” du khách của một số cơ sở kinh doanh ăn uống chủ yếu hiện nay như không niêm yết giá hoặc niêm yết giá một cách chung chung, gian lận về trọng lượng. Theo ông Việt, nhiều quán ăn sử dụng đội ngũ “cò” chạy xe máy phát tờ rơi mời mọc khách với lời lẽ hết sức ngọt ngào. Các chủ quán này sẵn sàng chi hoa hồng từ 20 - 30% cho một tài xế taxi, xích lô nếu đưa được khách đến quán… Vì vậy mà đội ngũ này rất nhiệt tình trong việc chèo kéo và đưa du khách đến quán ăn “chặt chém”. Khách bị hấp dẫn bởi sự chào mời nhiệt tình của các “cò” và sập bẫy. Điều này chỉ có du khách là những người thiệt thòi. Tình trạng nâng giá phòng cao gấp 5-7 lần mức giá đăng ký vào dịp lễ tết; chạy đua chi hoa hồng cho lái xe nhằm giành giựt khách ở một số bãi tắm, khu du lịch ngày càng khốc liệt cũng được ông Việt đưa ra hội thảo.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 3

Hàng rong bao vây mỗi khi có khách quốc tế đến tham quan đình thần Thắng Tam, TP. Vũng Tàu – một vấn nạn cần được giải quyết.

Ông Việt cho rằng, ngoài nhận thức lệch lạc, chỉ biết lợi ích trước mắt của một số cá thể thì sự quản lý lỏng lẻo, xử lý chưa triệt để của các cơ quan chức năng, các cấp, ngành đã gây hiện tượng “lờn thuốc” và đẩy kiểu kinh doanh chụp giựt trở thành vấn nạn. “Xây dựng bảng số điện thoại đường dây nóng, công bố công khai địa chỉ “đen” trên mạng internet và báo chí bước đầu đã có hiệu quả. Các ngành chức năng cần tập trung kiểm tra tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ liên tục vào dịp cuối tuần, lễ tết khi lượng khách đông, nếu phát hiện vi phạm là lập biên bản xử phạt, đình chỉ hoạt động, rút giấy phép... ”, ông Việt nói về các giải pháp.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 4

Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thái Sơn

NHÀ BÁO VŨ HOÀNG, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ DU LỊCH TP.HỒ CHÍ MINH:
Phải thay đổi nhận thức

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 5

Ảnh: Thái Sơn

Kiểu kinh doanh chụp giựt tái diễn là trách nhiệm của chính quyền và người dân bản địa. Thế nhưng, khi du khách quay lưng, thiệt hại đầu tiên thuộc về chính những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ, kế đến là thương hiệu du lịch của địa phương. Chính quyền địa phương mạnh tay với những địa chỉ “đen” là cần nhưng chưa đủ. Tăng cường giáo dục bằng nhiều hình thức: Đưa vào chương trình ngoại khóa trong trường học, sinh hoạt tổ dân phố, tuyên truyền miệng những câu chuyện về sự đổi thay của người dân nhờ du lịch; những việc làm thể hiện trách nhiệm của công dân với quê hương… theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhằm xây dựng thái độ thân thiện, văn minh, mến khách cho cộng đồng dân cư.

Vấn đề quản lý, cấp phép xây dựng, kinh doanh khách sạn nhà nghỉ; hoàn thiện quy hoạch Bãi Sau, trong đó nhanh chóng đầu tư hạ tầng, chọn mô hình quản lý phù hợp ở đoạn 1.060m bãi tắm Thùy Vân; giải bài toán xử lý nước thải tại các cơ sở du lịch ven bờ… cũng được các địa biểu nêu ra tại hội thảo. Ông Vũ Quang Lý, Giám đốc khách sạn Corvin nêu thực trạng đã gần 17 năm trôi qua kể từ ngày dự án cải tạo Bãi Sau được UBND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay đoạn bãi tắm Thùy Vân vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, điện, thoát nước. Gần đây, người dân phía bờ ồ ạt xây nhà rồi chuyển đổi công năng làm khách sạn, nhà nghỉ khiến nguồn cung điện nước luôn trong trình trạng quá tải, nhất là những ngày đông khách, nước thải tràn xuống lòng đường thành từng vũng bốc mùi hôi thối. Xe hơi đậu kín hai bên đường gây tắc nghẽn giao thông. Phía biển cũng nhếch nhác không kém bởi bãi biển sạt lở, hàng rong bày bán lộn xộn, rác rến bừa bãi. “Nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng khu vực này và giao cho đơn vị có kinh nghiệm, thực lực về tài chính đầu tư hệ thống dịch vụ vào khu vực này mới hy vọng bộ mặt Bãi Sau được thay đổi”, ông Lý nói.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 6

Bảng cấm hàng rong không tác dụng. Hàng rong từ lề đường tràn xuống lòng đường đoạn từ ngã ba Hoàng Hoa Thám - Thùy Vân đến ngã ba Phan Chu Trinh - Thùy Vân thuộc bãi tắm Thùy Vân, TP. Vũng Tàu

GỠ NHỮNG NÚT THẮT

Một trong những vấn nạn cũng đang làm các nhà chức trách “đau đầu” hiện nay là hàng rong đeo bám khách du lịch; tính bình dân và tìm sản phẩm đặc trưng cho du lịch Vũng Tàu. Nhà báo Huỳnh Liên, Trưởng phòng Nội chính Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đặt vấn đề: Tại sao TP.Vũng Tàu đã áp dụng nhiều giải pháp để dẹp hàng rong nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển. Phải chăng vì nó vẫn còn phù hợp với điều kiện thực tế, tập quán tiêu dùng và nhu cầu của số đông du khách? Từ dẫn chứng phân tích cái hay dở của hàng rong ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, nhà báo Huỳnh Liên cho rằng “sống chung với hàng rong” là giải pháp tốt nhất mà các đô thị nên lựa chọn và đưa ra mô hình quản lý hàng rong bằng cách thành lập các tổ tự quản của những người bán hàng rong, quy chế buôn bán hàng rong, quy hoạch các khu vực được phép buôn bán hàng rong…

Nhà báo Nguyễn Đức Tiện, Trưởng phòng Chính trị Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, việc cải thiện, nâng dần tỷ trọng khách quốc tế và khách cao cấp là một định hướng đúng và mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi TP.Vũng Tàu phải đầu tư đồng bộ từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của dòng khách trên. Tuy nhiên, từ đặc điểm địa lý, tính mùa vụ, hệ thống cơ sở lưu trú đang có, hiện tại và nhiều năm tới, Vũng Tàu vẫn là điểm đến chủ yếu của khách bình dân. “Khai thác tối đa thị trường khách bình dân bằng các chính sách quản lý giá, kích cầu tổng hợp để nâng công suất phòng vào ngày thường và cần có quy định về tiêu chuẩn tối thiểu của một nhà nghỉ hay khách sạn là những việc các nhà kinh doanh du lịch ở TP. Vũng Tàu cần làm trước mắt nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian chờ đợi cải thiện tỷ trọng khách quốc tế, khách cao cấp”, nhà báo Nguyễn Đức Tiện kiến nghị.

HỘI THẢO CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VŨNG TÀU:  “Mổ xẻ” những "căn bệnh nan y" - 7

Tìm kiếm một hình ảnh làm biểu tượng cho du lịch Vũng Tàu là đề xuất của nhà báo Nguyễn Nam Bình - Phó Tổng biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo nhà báo Nguyễn Nam Bình, ngọn Hải đăng trên Núi Nhỏ có thể xây dựng thành biểu tượng của du lịch Vũng Tàu bởi những giá trị nổi bật như: Tuổi đời hơn 100 năm, có phong cách kiến trúc cổ, kích thích sở thích chinh phục tầm cao của du khách thích khám phá vì đứng ở đỉnh cao nhất Núi Nhỏ, làm nhiệm vụ nhân đạo soi đường cho tàu thuyền, dễ chế tác thành vật phẩm lưu niệm. Nhà báo Nam Bình cũng đưa ra các giải pháp để biến ý tưởng thành hiện thực: Quy hoạch phát triển một quần thể du lịch phức hợp trên núi Nhỏ, trong đó lấy ngọn Hải đăng làm điểm nhấn; nghiên cứu nâng cao và mở rộng tầm vóc kiến trúc hải đăng hiện hữu; bố trí hệ thống công viên, bảo tàng, nhà hàng, mua sắm, giải trí, đường ô tô… công suất phục vụ lớn; sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại làm cho Núi Nhỏ và tháp Hải đăng nổi bật trên nền trời đêm…

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT