Đến với bệnh viện dành cho thái giám và cung nữ xưa
Không quá lạ lẫm với khách du lịch khi đến Huế là khu nghĩa trang, nơi an nghỉ của 24 thái giám ở một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Cũng bởi tâm nguyện và sự đóng góp của các vị thái giám kia mà chùa Từ Hiếu còn được gọi là chùa “Thái Giám”. Thế nhưng, vẫn không ít người bất ngờ khi biết rằng ở Huế còn có một “bệnh viện cung đình” đặc biệt chỉ dành riêng cho các thái giám và cung nữ với tên gọi là Bình An Đường.
Bình An Đường
Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam “Lịch triều hiến chương loại chí” do tiên sinh Phan Huy Chú biên soạn ghi nhận, Bình An Đường được xây dựng vào năm 1823, sát bên cửa hậu của Hoàng thành Huế, đặt dưới sự trông coi của Thái Y viện. Bình An Đường gồm hai phần: nhà khám, bốc thuốc, châm cứu... để chữa bệnh và nhà an dưỡng dành cho những bệnh nhân già, yếu không thể đi lại được. Phía bắc có tòa Cung Giám Viện, nơi các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh. Còn nữa, trong khuôn viên Bình An Đường chỉ trồng các loài hoa và cây thuốc nam.
Từ An Cựu, tôi vẫn thường vượt sông Hương sang Thành Nội để cùng với người bạn lớn tuổi nhâm nhi cà phê cuối tuần. Một trong những điểm hẹn là quán cà phê nằm ở giao lộ Đặng Thái Thân - Phùng Hưng. Một không gian cà phê khá đặc biệt với gác gỗ, nhạc Trịnh, những bài trí gợi nhớ nét xưa, những giá nến treo nghiêng… Và, tôi thích ở ngồi nơi gác hiên, hơi chật chội nhưng ấm cúng. Nhìn xuống là người, xe qua lại, vừa lạ xa, vừa gần gũi. Phía trước là lầu Tứ Phương vô sự, còn thấp thoáng đằng xa là Bình An Đường gợi nhớ và gợi thương. Không gian bàng bạc là Kinh thành, là Hoàng cung Nguyễn, một thời vang bóng.
Mới đây, UBND TP. Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng một số ngành liên quan phối hợp xây dựng đề án phố đi bộ Hoàng thành Huế. Với không gian phía bên ngoài Hoàng thành gồm 4 tuyến, đường 23 Tháng 8, Đặng Thái Thân, Lê Huân và Đoàn Thị Điểm, phố đi bộ Hoàng thành sẽ tái hiện không gian về một Huế xưa để du khách thưởng thức các loại hình diễn xướng, trải nghiệm trò chơi dân gian, các nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực Huế…
Từ cà phê “Chiều” có thể ngắm Đại Nội
Huế đã có phố đi bộ (thường gọi là phố Tây) ở các tuyến đường Võ Thị Sáu - Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão, với các dịch vụ theo xu hướng hiện đại. Việc xây dựng phố đi bộ Hoàng thành ở khu vực xung quanh Đại Nội, được xem xét và cân nhắc nhằm phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan di sản văn hóa với việc lựa chọn khai thác dịch vụ trên nền tảng truyền thống là một sự bổ sung, tạo nên sự hấp dẫn cho du lịch Huế. Huế cũng lên kế hoạch “đóng cầu” Trường Tiền vào buổi tối các ngày cuối tuần để làm tuyến đường đi bộ, kết nối phố Tây và phố đi bộ Hoàng thành.
Phố Tây đang hiện hữu hay phố đi bộ Hoàng thành sẽ không có được sự to rộng hoành tránh hay hiện đại như nhiều phố đi bộ mà tôi có dịp ghé thăm tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay các nước Đông Nam Á, nhưng thu hút và hấp dẫn du khách bởi nét riêng độc đáo của một Cố đô xưa còn nguyên vẹn và của một thành phố nằm bên bờ sông Hương. Sẽ có nhiều khám phá với những điểm nhấn thi vị nơi tuyến phố đi bộ Hoàng thành sắp được hình thành và tôi nghĩ, Bình An Đường xứng đáng để khách bộ hành dừng chân trong hành trình khám phá.
Đi từ phía đường một chiều Đoàn Thị Điểm tĩnh lặng, rợp bóng cây xanh rẽ qua đường Đặng Thái Thân là bắt gặp ngay Bình An Đường, đã được tu bổ như nguyên mẫu. Nhìn từ ngoài vào, Bình An Đường giống như một nhà vườn Huế nho nhỏ với 2 ngôi nhà chính được kiến trúc theo kiểu cận hiện đại, đôi phần chịu ảnh hưởng từ kiến trúc nhà Pháp nhưng vẫn trung thành với lối kiến trúc “phương đình” truyền thống. Đến đây, khách có thể uống trà, nhâm nhi cà phê trong một không gian thơm lừng hương hoa.
Phố đi bộ Hoàng thành sắp được hình thành và tôi đã nghĩ đến Bình An Đường sẽ là điểm dừng chân dành cho lữ khách khám phá và có được trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về một Huế xưa của một thời kinh đô vàng son.
Giữa bao bộn bề của cuộc sống hối hả, tìm về một ngôi chùa ở xứ Huế mang lại cho ta những phút thảnh thơi, an nhiên,...