DỪNG CHÂN HẢI VÂN QUAN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DỪNG CHÂN HẢI VÂN QUAN - 1

Ngọn đèo dài 23,5 km, nối hai Châu Ô Lý vuông nghìn dặm xưa, ở độ cao 500 mét ấy hiện nay đã giảm bớt lượng người qua lại ngắm nhìn, nhưng vẫn còn biết bao người náo nức tìm đến, để leo lên con đường nhỏ đầy sỏi, lúc nào cũng rực rỡ hoa dại để bước vào chiếc cổng của Hải Vân Quan một lần

 

Hải Vân Quan ấy là ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế, là một cửa ải như điểm xuyết cho đèo lạ lẫm này. Hải Vân Quan sừng sững giữa trời, mặc thời gian trôi qua, là dấu ấn của một miền đất. Vào trước thế kỷ thứ 13, con đường này rất nhỏ, quanh co. Là ngăn cách giữa nước ta và Chămpa. Để đổi lấy hai Châu Ô, Lý (Rí) tức là Thừa Thiên –Huế và Quảng Trị ngày nay là câu chuyện của Công chúa Huyền Trân - con gái  vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Năm Tân Sửu 1301, vua Trần Nhân Tông thoái vị nhường ngôi cho Trần Anh Tông. Năm Bính Ngọ 1306, vua Trần Anh Tông gả bà cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý. Bà về Chiêm, được phong hoàng hậu, đến tháng 5-1307 thì Chế Mân mất. Cũng từ năm 1306, bờ cõi Việt mở rộng có thêm đèo Hải Vân.

Dừng chân ở giữa đỉnh đèo, quán xá ngày nay dẫu không sầm uất như thuở chưa có hầm đường bộ Hải Vân, nhưng xe đi Bắc - Nam vẫn vượt đèo, dừng chân ngắm cảnh khá đông. Chỉ để xe ngay bãi đất, đi bộ một đoạn là lên tới Hải Vân Quan, nơi mà thế kỷ 13, Trần Khắc Chung đưa Công Chúa Huyền Trân về đất Chiêm, nhìn từ cửa biển Tư Hiền chỉ thấy mây trắng phủ.

DỪNG CHÂN HẢI VÂN QUAN - 2

Trong lịch sử triều Nguyễn, vua Minh Mạng (1791-1840) là người thích ngoạn du, cho nên dấu ấn của ông để lại nhiều nơi. Có thể thấy bút tích của ông ở Hang Đầu Gỗ (Vịnh Hạ Long), trên Không Động (Ngũ Hành Sơn)… Năm 1820 ông làm vua khi đã 30 tuổi, khi đó đất nước đã thống nhất. Năm Mậu Tuất (1838) vua Minh Mạng đổi tên nước là Ðại Nam. Vào năm 1826 ông đã cho xây Hải Vân Quan, ông đã cho xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại và ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, cho dựng thành làm cửa ải để bảo vệ đèo và đường trạm. Ðến năm 1826, thành ải được đắp cao thêm, thành ải ở phía Bắc cũng như ở phía Nam đều cao 6 thước, dày hơn 4 thước, có các cửa tò vò quay ra hai hướng bắc và nam cao 4,3 thước, rộng 3,2 thước làm lối cho đường thiên lý đi qua. Phía trên cửa tò vò quay về hướng bắc treo một tấm biển to bằng đá cẩm thạch khắc ba chữ Hán lớn “Hải Vân Quan”, và phía quay về hướng nam là  biển đá với sáu chữ Hán “Thiên hạ Đệ Nhất Hùng Quan
Chúng tôi dừng xe trên đỉnh đèo Hải Vân khi bóng chiều đã xế. Có thể nói vào thời điểm này, đi qua đèo khiến cho lòng có cảm giác buâng khuâng. Rồi đỉnh đèo hiện ra trước mặt. Những hàng quán bày bán đủ thứ, nhưng không rộn rã kiểu mời chào khách mua hàng lưu niệm như  trước.

DỪNG CHÂN HẢI VÂN QUAN - 3

Con  đường nhỏ vào cổng Hải Vân Quan, dốc và chỉ có thể đi bằng đôi chân. Cổng vòm cao bám đầy rêu xanh mang dấu ấn thời gian. Cổng Hải Vân ít người đi qua, chẳng còn người gác, chỉ có dăm cậu thanh niên chọn để nghỉ ngơi. Đứng ở thênh thang đó mà hình dung con đường nhỏ cheo leo xưa, muốn vượt qua đèo thời xưa phải mất ít nhất ba ngày. Cũng vào thời Nguyễn, người dân hai vùng qua lại ở những lối đi qua Hải Vân: “Người ta đi mãi mà thành đó thôi”. Thời đó rất nhiều trộm cướp, nên vua Thiệu Trị (1841-1847) phải cử người lấp các đường tắt bằng cách trồng cây có gai và đổ đá cao chặn lại. Nếu so sự sầm uất hiện nay thì vào thế kỷ 19 nơi này rất hoang vu, thú dữ vẫn còn nhiều. Vì thế, vào năm 1837 vua Minh Mạng ra chỉ dụ khuyến khích người dân đến định cư ở khu vực đèo Hải Vân, được miễn thuế thân, quân dịch và tạp dịch, miễn thuế khai hoang ruộng vườn và được cấp thêm 10 quan tiền. Giờ đây, chỉ chừng non một giờ đồng hồ đã qua đèo, trong khi đó những người phu trạm xưa để vượt qua 39 dặm từ bên kia đèo sang bên này phải vượt qua ba ngọn đèo: Thượng Ðạo, Trung Ðạo và Chính Thượng Ðạo tức là đèo Hải Vân vô cùng gian nan.

Hải Vân Quan được xây bằng gạch, cao khoảng 10 mét, bên dưới là vòm cổng, ngày xưa ai qua lại phải trình giấy tờ. Trên là một tầng riêng, có cửa sổ để nhìn ra xa, như là chổ để quan sát, còn hiện nay khi chúng tôi tìm đường bước lên thì trên nền gạch ấy toàn là phân dơi, bởi nơi đây đã trở thành chỗ trú ẩn của bầy dơi trong đêm. Dẫu để mặc thời gian tàn phá, nhưng kiến trúc Hải Vân Quan vẫn vững chắc. Có thể do lớp tường thành xây dày tới 05 mét, ngoài mục đích vững chắc còn nhằm để chống lại những cuộc tấn công. Những viên gạch đã ngả màu đen, bám đầy là rong rêu và dương xỉ.

Bước chân lên Hải Vân Quan còn thấy một lô cốt rất vững chắc, dẫu không còn sử dụng nhưng sừng sững giữa trời Lô cốt này  gọi là đồn Nhất, được người Pháp xây dựng lên vào năm 1826 nhằm bảo vệ đỉnh đèo.

Trong buổi chiều tà, khi mây bắt đầu kéo về, những chuyến xe đưa những đoàn khách du lịch rời khỏi đỉnh đèo. Họ mang theo những hình ảnh kỷ niệm Hải Vân Quan. Trong hình ảnh lưu lại đó chỉ là một cửa ải rêu phong, nhưng như thấp thoáng đâu đó có hình ảnh của những phu trạm một thời vượt đèo đi qua cổng.

Bài và ảnh : K.V.T






Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT