ĐIỆN BIÊN PHỦ VANG MÃI BẢN HÙNG CA

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ ngày 16 đến 20/4/2014 Đoàn Đại biểu Văn Nghệ sĩ, Báo, Đài và cán bộ ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM do Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, làm Trưởng đoàn đã đi thăm, giao lưu và biểu diễn phục vụ nhân dân và chiến sĩ thành phố Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2014)

ĐIỆN BIÊN PHỦ VANG MÃI BẢN HÙNG CA - 1
Tác giả cùng các em thiếu nhi Thái hát bài Hông dám đâu

Chúng tôi đến Điện Biên lúc ba giờ chiều ngày 16 sau khi chuyến bay VN 226 từ TPHCM đến Hà Nội của Hãng Hàng không Việt Nam delay hơn hai tiếng đồng hồ. Trong những ngày này đường bay từ Hà Nội đến Điện Biên tăng lên 3 chuyến thay vì một chuyến mỗi ngày. Trời Điện Biên trong xanh, nắng nóng như phương Nam. Tuy đã nhiều lần tôi đến với Điện Biên nhưng mỗi lần đến tôi đều cảm nhận nhiều đổi thay của thành phố xa xôi này. Những ngôi nhà, những khu phố mọc lên ngày càng sầm uất. Và, trong những ngày kỷ niệm này, thành phố càng đông hơn với những dòng người nườm nượp về thăm chiến trường xưa.

Điện Biên là một vùng đất từ xa xưa đã có con người sinh sống và cư ngụ, ngay từ thời Tiền sử qua các bằng chứng về khảo cổ học từ thời kỳ đồ đá, qua sự hiện diện của các di tích như hang Thẩm Khương, Thần Búa (ở Tuần Giáo) đã chúng minh con người từ thời Thượng cổ đã có mặt rất sớm nơi đây, là một trung tâm của người Việt cổ.

Tên Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện có nghĩa vững chãi, Biên có nghĩa vùng biên giới, biên ải. Điện Biên tức là miền biên cương vững chãi của Tổ quốc. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là Tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên phủ xuất hiện từ đấy.

Ngày 7/5/1954, sau chín năm kháng chiến trường kỳ cùng với quân

dân cả nước, nhân dân tỉnh Điện Biên đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đất nước ta chấm dứt 80 năm nô lệ dưới ách thực dân.

Chiều xuống. Điện Biên dịu mát theo từng cơn gió. Chúng tôi đi tham quan tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1, ngay ở vị trí trung tâm Khu Di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thành phố đều nhìn thấy. Và, đứng ở nơi đây, chúng tôi cũng nhìn thấy cả thành phố. Mọi người ai cũng muốn chụp hình lưu niệm. Chị Thân Thị Thư và chị Phạm Phương Thảo luôn là đối tượng để mọi người chụp hình chung.

Đêm đầu tiên ở Điện Biên rất thú vị. Chúng tôi được thưởng thức ẩm thực và giao lưu với đồng bào dân tộc Thái tại bản Cò Mỵ. Đây là một bản văn hóa. Các cô gái Thái xinh tươi, hát hay và múa đẹp qua nhiều tiết mục độc đáo của dân tộc. Mọi người đều hào hứng. Các Văn nghệ sĩ trong Đoàn cũng đáp lại với nhiều tiết mục ngẫu hứng. Thú vị nhất là tiết mục của các Nhà thơ nối tiếp nhau đọc ngẫu hứng những câu thơ thành một bản trường ca!

Đêm về khuya. Chúng tôi tạm biệt bạn bè mới quen ở bản Cò Mỵ sau khi hút chung nhau ché rượu đặt ở giữa sân.

Sáng hôm sau chúng tôi phải thức dậy sớm để đi tham quan Mường Phăng vì nơi đây cách thành phố Điện Biên hơn bốn mươi cây số.

Đến Điện Biên, ngoài các điểm di tích lịch sử nổi tiếng như Mường Thanh, Him Lam, đồi A1… du khách không thể bỏ qua địa danh Mường Phăng. Nơi đây là Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh thế giới. Theo tiếng Thái, “Mường Phăng” có nghĩa nơi ở của người biết lắng nghe.

Di tích Mường Phăng nằm trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, luôn là tâm điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như: lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… Ở đây còn có: Trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến – nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường – nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm… Đặc biệt, có đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

Bà con nơi đây thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “Rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thuở ấy là “Già bản Võ Nguyên Giáp” và căn hầm của Đại tướng là “Nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Những tên gọi này đã đi vào lịch sử và sẽ còn mãi trong lòng dân.

Hòa trong dòng người đông đảo tham quan khu rừng Đại tướng có rất nhiều đoàn Cựu chiến binh Điện Biên Phủ về thăm lại chiến trường xưa. Những mái đầu bạc phơ. Những bước chân giờ đang yếu dần đi nhưng không dấu vẻ kiên cường bên cạnh những đồng đội anh dũng năm xưa. Mọi người ai cũng chen nhau chụp hình lưu niệm. Nhiều cụ cùng một tâm trạng: Đây có thể là lần cuối về thăm chiến trường xưa!

Buổi chiều. Trong khi mọi người đi tham quan Bảo tàng Di tích Điện Biên thì nhóm ca sĩ, nhạc sĩ ở lại tập các tiết mục văn nghệ cho buổi tối tại đồi Độc lập.

Trước đêm diễn, cả Đoàn đi thắp hương và nến trên những phần mộ của các chiến sĩ Điện Biên. Cả nghĩa trang lung linh huyền ảo qua ngàn ánh nến và nhan khói. Điều đó làm các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ trong đoàn vô cùng cảm động và họ đã biểu diễn một đêm tràn đầy cảm xúc. NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Hoàng Vĩnh, NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Anh Bằng, Võ Hạ Trâm, Huỳnh Lợi, Khánh Hồng, Minh Trang, Nhạc sĩ Ngô Tùng Văn, Phạm Hoàng Long, Nhà thơ Phan Hoàng và hai Nghệ sĩ cải lương Minh Trường, Nhã Thi của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã biểu diễn hết mình và được bà con và các chiến sĩ ở Điện Biên cổ vũ nhiệt tình. Đặc biệt, bà con rất khoái tiết mục ca cổ nên yêu cầu hát lại. Tôi cũng rơi vào trường hợp này khi hát bài hát mới mang tên Đại tướng. Đây là bài hát thứ năm tôi viết về Điện Biên. 30 năm trước tôi viết 3 bài: Âm vang Điện Biên, Em là chiến sĩ Điện Biên, Những năm tháng không quên. 10 năm trước, về với Điện Biên tôi viết bài Trở lại Điện Biên và thực hiện album Âm vang Điện Biên. Và bây giờ, không riêng gì tôi, các Nhạc sĩ trong Đoàn cũng đang ấp ủ cảm xúc để tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm mới về Điện Biên.

ĐIỆN BIÊN PHỦ VANG MÃI BẢN HÙNG CA - 2
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đài Tưởng niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày hôm sau, trước khi bay về Hà Nội, cả Đoàn đi tham quan Đồi A1. Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Đầy là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau đó chúng tôi đến một nơi mà ai cũng muốn đến. Đó là hấm Đờ Cát (Christian de Castries). Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. Đặc điểm: Cấu trúc và cách bồ trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Ngày nay du khách có thể nhìn thấy mái vòm sắt và các bao cát trên nóc hầm. Trước đây có một đường hào có mái che nối liền hầm tướng Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1. Quân Pháp đã dùng các bao cát và ván gỗ để dựng nên đường hào này.

Trở về sân bay Nội Bài chúng tôi không bay tiếp về TPHCM mà đi theo đường bộ đến Ninh Bình và đi tiếp đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vì đích đến của cuộc hành trình Điện Biên vang mãi bản hùng ca là Vũng Chùa.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Vũng Chùa – Đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng, vùng biển này trở thành một địa danh thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân Việt Nam, dự báo sẽ là một điểm đến mới của du khách trong và ngoài nước trên đường thiên lý xuyên Việt. Mà thật vậy, buổi sáng ngày 20/4 khi chúng tôi đến viếng mộ phần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã cả hàng ngàn người xếp hàng dài cả cây số nối tiếp nhau thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Cuộc hành trình đến Điện Biên đã kết thúc, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn vang mãi bản hùng ca.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên

Ảnh: Long Thủy

ĐIỆN BIÊN PHỦ VANG MÃI BẢN HÙNG CA - 3

ĐIỆN BIÊN PHỦ VANG MÃI BẢN HÙNG CA - 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT