ĐẠO LÀM QUAN QUÝ NHẤT CHỮ LIÊM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một người viết Thư pháp, khi trà dư tửu hậu đầu Xuân có một tổng kết nhỏ về những chữ mình đã phóng bút viết cho thiên hạ: “Bây giờ người ta yêu cầu chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Tâm hay Nhẫn... mà thiếu mấy chữ Trung, Dũng, riêng chữ Liêm càng ít người yêu cầu. Trong khi ngày xưa, người làm quan, chữ Liêm luôn được treo trang trọng trong nhà để răn nhắc”. Đạo làm quan quý nhất là chữ Liêm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, con người cần có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Nếu như Cần và Kiệm là các phẩm chất cần có trong đời sống, công tác của mọi người lao động; thì Liêm và chính là những phẩm chất cần có của người cán bộ khi thi hành công vụ, trong đó, Liêm là phẩm chất đầu tiên.

ĐẠO LÀM QUAN QUÝ NHẤT CHỮ LIÊM - 1

Xưa nay, khái niệm về chữ Liêm là dùng để chỉ phẩm chất của một người sống trong sạch, giữ thân trước mọi cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, coi của cải là phù du, trọng đức hạnh là cao cả. Sách xưa cũng dạy, người quân tử nhất định phải trọng chữ Liêm. Đồng thời, sách cũng mở rộng nội dung chữ Liêm thành “Lục kế” mà người làm quan phải thi hành. Đó là Liêm thiện (Thanh liêm và Lương thiện), Liêm năng (Thanh liêm và năng động), Liêm kính (Thanh liêm và kính cẩn), Liêm chính (Thanh liêm và chân chính), Liêm pháp (Thanh liêm và pháp độ), Liêm biện (Thanh liêm và biết cách tổ chức). Ai không giữ được chữ Liêm đến cùng gọi là bất liêm, người bất liêm sẽ phải mắc mười tội lỗi, (gọi là Thập khiên): Ham của cải/ Mê gái đẹp/ Hay chơi bời/ Thích săn bắn…

Bàn về Liêm thiện (Thanh liêm và Lương thiện), nên nhắc lại lời của Khổng Tử: "Nhân chi sơ, tính bổn thiện",có nghĩa tất cả mọi người khi sinh ra đều có tính "Thiện" (hiền lành, nhân từ), khi lớn lên do tiếp xúc với xã hội phức tạp bên ngoài nên người ta mới thay đổi và bị tiêm nhiễm bởi cái xấu, từ đó cái "ác" mới được hình thành trong một số người.

Lương thiện là một loại năng lực, mà trong nhân tính của chúng ta có thể quan sát thấy rõ. Lương thiện là một loại tấm lòng. Có lương thiện, thì chúng ta sẽ có một con tim hòa bình, một trái tim khoan dung để đối diện với những con người và sự việc mà ta gặp hàng ngày.Lương thiện không phải là thiện ác bất phân, không phải là buông tha, khoan dung cho những người xấu, việc xấu. Lương thiện là một loại tri thức trong cuộc đời.Lương thiện, sẽ làm cho trời đất mở rộng, vạn vật đẹp hơn, con người sống một cuộc sống đầy đủ hơn.  Chúng ta thử tưởng tượng xem, trong một xã hội mà tính Lương thiện không tồn tại nữa, thì chúng ta còn gì để sống và xã hội lúc đó sẽ như thế nào? Lương thiện là một tiền đề trong hệ thống các tiêu chuẩn hình thành đời sống tinh thần của con người. Đấy há chẳng phải là ước nguyện của những bậc “Phụ mẫu Chi dân” hay sao!?

Để giữ chữ Liêm cho lòng thiện được vững bềnh tưởng cũng nên nhắc lại chuyện Không nhận cá (Cổ học tinh hoa) kể về Công Nghi Hưu làm tướng cho Mục Công nước Lỗ đời Chiến quốc rất thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi:”Anh sở thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”. Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó. “

Ở nước ta trước đây có ông Đặng Huy Trứ, đã bỏ công ngồi soạn ra một "Cẩm nang" để khuyên răn các quan lại món quà trong dịp nào giá trị bao nhiêu thì được nhận, món quà trị giá thế nào trong hoàn cảnh nào thì dứt khoát không được nhận (Không nhận gồm 104 trường hợp, nhận gồm 5 trường hợp). Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch Thanh Liêm bất kỳ thời nào, xứ nào cũng đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.

Có ý kiến cho rằng, dân ta "Duy tình hơn Duy lý". Vì thế, ngay cả các quan chức trong bộ máy công quyền nhiều khi vẫn mang nặng dấu ấn của chữ Đồng:Đồng hương, đồng tuế, đồng niên ... và tất cả các loại tình trong khi hành xử việc công. Quan chức thường đem tình nghĩa, ơn nghĩa vào xử lý công vụ. Một nền công vụ có nguồn gốc xuất thân từ nền "văn minh làng xóm".

Cũng chính từ điểm yếu đó nhiều khi rất dễ bị lợi dụng. Một trong những thủ đoạn lợi dụng tình cảm là bằng con đường quà cáp. Lúc đầu chỉ toàn là những món quà "dưới mức tình cảm" vào những dịp rất hợp lý, dần dần tình cảm phát sinh lúc đấy mới bắt đầu sang một trang khác! ...

Năm nào cũng vậy cứ mỗi độ năm hết Tết đến, Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị với nội dung ăn Tết tiết kiệm, không được tổ chức tiệc tùng lãng phí, cấm dùng công quỹ biếu xén ... Tuy nhiên mọi chuyện lãng phí, quà cáp vẫn diễn ra vì ba ngày Tết là một dịp rất hợp lý để bày tỏ tấm lòng của cấp dưới đối với cấp trên, của những kẻ chịu ơn đối với người ban ơn, của kẻ xin đối với người cho ...

Chính vì vậy mà hầu như đạo đức trong nền công vụ các nước đều có những điều khoản quy định về việc nhận quà biếu. Trong đó quy định rất rõ đến từng chi tiết như món quà trị giá bao nhiêu, ai tặng, tặng trong hoàn cảnh nào thì được nhận, trường hợp bất khả kháng thì sao ... Công chức cứ theo đó mà thi hành. Công chức Chỉ được làm những việc Pháp luật cho phép. Trong nhiều năm trở lại đây cho thấy nhiều quan chức vì lúc đầu nhận những "món quà tình nghĩa" mà về sau sa đà đến thân bại danh liệt.

Hơn thế nữa thực tế hiện nay, ta thấy có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tham nhũng, tham địa vị, tiền tài. Việc nhận đút lót, hối lộ, dùng của công vào việc tư đang trở thành một trong những quốc nạn. Vì vậy, thực hành Liêm khiết theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc cần hơn bao giờ hết. Người đã chỉ ra rằng: "Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và Pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên". Nghĩa là, cán bộ phải gương mẫu thực hành Liêm khiết trong cuộc sống, trong thi hành công vụ. "Quan tham vì dân dại", nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không Liêm cũng phải hóa ra Liêm.Nhân dân phải biết kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện Liêm. Pháp luật phải nghiêm khắc, thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, không phân biệt kẻ đó có chức tước, địa vị to hay nhỏ.

Có thể trong kháng chiến là chữ Trung, chữ Dũng, nhưng trong bối cảnh chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng bây giờ, đối với cán bộ của Đảng và Nhà nước, thiển nghĩ chữ Liêm có vị trí đứng đầu.

Đạo làm quan quí nhất là chữ Liêm. Người không liêm thì khó mà nói là người trung với nước, hiếu với dân, cũng chẳng thể trung thành với lý tưởng, đặc biệt là lý tưởng Cộng sản vốn đồi hỏi rất cao việc hy sinh lợi ích cá nhân, phấn đấu phụng sự cho lợi ích người nghèo. Đã không liêm thì cũng khó mà tránh xa kẻ ác, gần gũi người hiền hay thượng tôn Luật pháp, tôn trọng lẽ công bằng và làm điều thiện hoặc chí ít là sống Lương Thiện./.

DIỆP VĂN SƠN

ĐẠO LÀM QUAN QUÝ NHẤT CHỮ LIÊM - 2

NHỚ TÂY NGUYÊN

Sao chiều nay giữa thành phố chật

Ta bỗng thèm trở lại Tây Nguyên

Voi đủng đỉnh gùi hàng lên đỉnh dốc

Già làng ngồi cùng tẩu thuốc lặng im

 

Và Bản vắng- người đi đâu hết cả

Chỉ cây vườn  hớn hở đón chào ta

Chùm mít chín đưa mùi thơm mời mọc

Quả bầu già đen nhánh tự ngày xa

 

Rừng thông sáng như cây trồng dịp Tết

Đi suốt ngày không hết màu xanh

Đóa hoa dại thập thò bên góc suối

Con chim gì tha thiết gọi anh anh...

 

Cứ im lặng trong hoang sơ cổ tích

Mà gọi mời tươi mới trẻ trung

Ta ngơ ngác dưới một vòm quả lạ

Chưa gặp người lòng đã rưng rưng.

ĐẠO LÀM QUAN QUÝ NHẤT CHỮ LIÊM - 3

PHAN THỊ THANH NHÀN

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT