Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi có hai sự may mắn trong năm nay, khi mà đến Paris đúng vào năm Nhà thờ Đức Bà kỷ niệm 850 năm được xây dựng, còn đến Thủ đô của Vương quốc Đan Mạch đúng vào dịp mừng sinh nhật 100 tuổi của bức tượng Nàng Tiên cá ở bến tàu Langelinie nằm trong vịnh Oresund của Thủ đô Copenhagen.

Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi - 1

“Nàng Tiên cá”… ba lần bị phá hủy!

Vợ chồng anh Dũng - Ngọc Anh đưa tôi đi tham quan Thủ đô Copenhagen bằng thuyền trên bến Nyhavn, nơi xưa kia là bến cảng sầm uất của Đan Mạch. Anh Dũng nói: “Lát nữa thuyền sẽ đưa chúng ta đến bến tàu Langelinie, nơi có bức tượng mà em muốn chụp ảnh. Nếu ai đến Đan Mạch mà không chụp bức ảnh với Nàng Tiên cá thì coi như thiếu sót”.

Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi - 2

Được khánh thành vào ngày 23- 8- 1913, bức tượng Nàng Tiên cá (The Little Mermaid hay Den lille havfrue trong tiếng Đan Mạch) là một món quà của Carl Jacobsen (con trai người sáng lập ra Hãng Bia Carlsberg trứ danh) dành tặng Thành phố Copenhagen. Thuyền đưa chúng tôi đi dạo quanh thành phố, đi ngang nhiều địa danh nổi tiếng của Vương quốc này và cuối cùng ghé đến khu vực có đông du khách đang chụp ảnh. Đó là nơi mà 100 năm qua “Nàng Tiên cá” vẫn ngồi bên bãi biển. Bức tượng tuyệt đẹp, được làm bằng đồng và đá granit. Chị Ngọc Anh cho biết: “Bức tượng được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích của Đại Văn hào Hans Christian Andersen về một Nàng Tiên cá đã từ bỏ mọi thứ để được ở bên chàng Hoàng tử trẻ trung và đẹp trai trên mặt đất. Mỗi buổi sáng và tối cô đều bơi từ dưới đáy biển sâu lên mặt nước và ngồi trên một tảng đá, nhìn khao khát về phía bờ biển với hy vọng sẽ được nhìn thấy Hoàng tử của mình.

Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi - 3

Carl Jacobsen đã “phải lòng” nhân vật Nàng Tiên cá sau khi xem vở biểu diễn ballet dựa trên câu chuyện cổ tích cùng tên tại Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch ở Copenhagen. Từ đó, Carl Jacobsen đã đặt hàng Nhà Điêu khắc Edvard Eriksen tạc tượng Nàng Tiên cá”.

Tôi hỏi chị Ngọc Anh vậy hình mẫu của bức tượng? chị cười: “Tác phẩm điêu khắc này được lấy cảm hứng từ nữ diễn viên Ellen Price, người đóng vai chính trong vở ballet Nàng Tiên cá tại Nhà hát Hoàng gia vào năm 1909. Và hình mẫu của Nàng Tiên cá chính là nữ diễn viên tài sắc này. Trên thực tế Carl Jacobsen quá yêu thích cô diễn viên này nên đã mời Ellen Price làm khuôn mẫu cho bức tượng. Tuy nhiên, do Ellen Price từ chối làm người mẫu khỏa thân, nên Họa sĩ Eriksen tạc tượng dựa trên hình thể vợ mình là Eline Eriksen”.

Thì ra “linh hồn” của Nàng Tiên cá là một nữ diễn viên tài sắc, còn “hình thể” thì là vợ của Họa sĩ. Đúng là sự sáng tạo bao giờ cũng cần sự lắp ghép, dung hòa, mới có được tác phẩm ưng ý. Điều tôi chạnh lòng là 100 năm qua, bức tượng Nàng Tiên cá đã ba lần là nạn nhân của các cuộc phá hoại. Bức tượng đã hai lần bị mất đi phần đầu, một lần bị cưa mất cánh tay, và nhiều lần bị đổ sơn bê bết.

Sau mỗi lần bị phá hoại, bức tượng đều được sửa chữa và phục hồi. Anh Dũng cho biết: “Những gã ngông nghĩ rằng họ làm việc phá hoại bức tượng lừng danh này, đồng thời cũng sẽ lưu dấu tên tuổi. Thế nhưng đó là một điều ngu xuẩn”!

Hàng triệu du khách thăm “Nàng Tiên cá” mỗi năm

Bà Pia Allerslev - Giám đốc Sở Văn hóa Copenhaghen, cho biết: “Bức tượng Nàng Tiên cá rất quan trọng đối với Thủ đô Copenhagen và người dân Đan Mạch. Một phần là do tác phẩm điêu khắc này thu hút hàng triệu khách du lịch ghé thăm, ngoài ra, nhân vật Nàng Tiên cá còn giới thiệu cho cả thế giới biết về đất nước cũng như người dân Đan Mạch, cả những câu chuyện thần tiên của đại văn hào Andersen. Copenhagen - có nghĩa là "Cảng của các nhà buôn", thủ đô của chúng tôi được thành lập năm 1167. Thành phố nằm trọn trên 2 đảo Amager, đảo Slotsholmen và một phần phía Đông đảo Zealand, nối liền với nhau bằng nhiều cây cầu và đường hầm xuyên qua biển. Trước đó, Copenhagen chỉ là một làng nhỏ của ngư dân. Tuy nhiên, nhiều dấu tích khảo cổ lại khẳng định từ thời Viking (thế kỷ VIII - XI) làng quê này đã hiện hữu. Thành phố phát triển mạnh từ thế kỷ XVIII với nhiều công trình được xây dựng như: Quảng trường Kongens Nytorv, Quảng trường Tòa đô chính Radhuspladsen, Nhà thờ Đức Bà, Tu viện dòng Fanxico, Nhà thờ thánh Phê rô, Nhà thờ thánh Nicolai... Dù trải qua nhiều đại nạn như trận dịch hạch năm 1711 (làm chết 1/3 dân số thành phố), trận hỏa hoạn năm 1728 (thiêu hủy 1/4 thành phố), trận hỏa hoạn năm 1795 hay trận dịch tả năm 1853, Copenhagen vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Thành phố chúng tôi không có nhà chọc trời và rất thân thiện với môi trường”.

Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi - 4

Tôi ngồi lại bên công viên của bức tượng Nàng Tiên cá rất lâu, để quan sát những đôi tình nhân đến đây trao nụ hôn và nhẫn cưới. Chị Ngọc Anh nói: “Văn hóa của người Đan Mạch là chọn những địa danh để khắc ghi vào trái tim họ lời nguyện ước. Do vậy, điểm du lịch nào cũng trở nên quan trọng đối với người dân Vương quốc này”.

Tôi thì nghĩ khác, được đi nhiều, tôi nhận thấy nếu nước Mỹ có tượng Nữ thần Tự do, Hà Lan có Cối Xay gió, Pháp có Tháp Eiffel, Bỉ có Manneken Pis - chú bé đứng tè ở Brussels... thì Đan Mạch có bức tượng Nàng Tiên cá – một tuyệt phẩm điêu khắc chỉ cao 1,25 m, nặng 175 ký nhưng lại rất “bề thế” khi mà “nàng” đại diện bộ mặt quốc gia “đến dự” cuộc triển lãm Expo Thượng Hải từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2010. Trong vòng 8 tháng nàng đi vắng, tại chỗ nàng thường ngồi, luôn có hình nàng bằng ánh sáng laser kèm những hình ảnh được truyền trực tiếp từ Thượng Hải, nơi “nàng” đang dự Hội chợ để quảng bá cho quê hương mình.

Anh Dũng cho biết thêm: “Sự vắng mặt của bức tượng tạo nên khoảng trống không thể thay thế đối với người dân ở đất nước này. Nhiều người nói rằng: "Thật khó mà tưởng tượng, nếu Copenhagen không có Nàng Tiên cá".

 Lễ hội đường phố về đêm

Mỗi năm chỉ tổ chức một lần, thứ Sáu của tuần thứ hai tháng 10 trong năm sẽ là ngày Thủ đô Copenhagen tổ chức Lễ hội Đường phố về đêm. Người dân Thủ đô tràn xuống phố trong không khí giá lạnh nhưng ấm áp với rất nhiều hoạt động. Mỹ Hạnh – cô bạn thân nhất cấp III của tôi lấy chồng định cư tại Đan Mạch, đã cùng với các bạn cô, dẫn tôi đi khám phá lễ hội này. Tiến – ông xã của Hạnh luôn mang lại tiếng cười cho Đoàn. Tiến chụp nhiều bức ảnh rất quý để tôi mang về Việt Nam đăng báo. Tiến nói: “Mỗi khoảnh khắc của lễ hội này đều rất giá trị, vì đêm nay toàn bộ các khu vực hành chánh, Tòa Đô chính, Tòa nhà Quốc hội, Cung điện Nữ hoàng, thậm chí nhà tù…đều mở cửa cho người dân vào tham quan miễn phí. Bạn đủ sức đi đến sáng thì chuẩn bị tinh thần mà chụp ảnh nhé!”.

Món ngon nhất của lễ hội là hạt dẻ ngào đường do các chàng thanh niên từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư sang. Món bánh nướng chuối tươi cũng cực kỳ ngon khi mà bột được phết thêm chocolate. Bia Đan Mạch thì khỏi chê, trời lạnh giá uống một ngụm bia, ăn hạt dẻ thì đúng điệu Bắc Âu.

Copenhagen & “Nàng Tiên cá” 100 tuổi - 5

Người Việt ở Copenhagen chỉ tầm hơn 10 ngàn dân. Sống rải rác nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở Thủ đô. Nghề chính là buôn bán hàng quán, thức ăn và làm “neo”. Du học sinh Việt sang Đan Mạch ngày càng đông, khi đã được hưởng học bổng thì không cần phải làm thêm để sống. Phúc lợi xã hội ở Đan Mạch được xem là chuẩn nhất so với 4 nước Bắc Âu, khi mà thu nhập và tiền thuế cân đối khiến cho ai cũng như ai, không có việc người thì giàu hơn, kẻ thì sẽ nghèo thêm.

Anh Dũng và chị Ngọc Anh đưa tôi đến ăn quán phở Sài Gòn tại thủ đô Copenhagen. Anh Khải - chủ quán thường về Việt Nam, sống ở khu chợ Tân Định. Anh ca Vọng cổ rất ngọt, “thích nhất Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, mê lắm, đêm nào cũng nghe rồi mới đi ngủ” – anh Khải cho biết như thế khi bưng những bát phở đúng gốc Sài Gòn ra mời chúng tôi.

Hẹn gặp lại… “Nàng Tiên cá”

Người Việt ở Đan Mạch hiếm có điểm vui chơi cộng đồng, thường chỉ đến Chùa viễn cảnh hoặc xem các show văn nghệ từ thiện do các Sư thầy tổ chức, có mời nghệ sĩ, ca sĩ trong nước sang hoặc từ Mỹ đến diễn. Mỹ Hạnh cho biết: “Muốn đi xem ca nhạc từ thiện thì phải lái xe sang Thụy Điển, bên đó có nhiều Chùa lớn, tổ chức thường xuyên các chương trình văn nghệ từ thiện. Còn ở Đan Mạch rất hiếm có show diễn. Do vậy, cuối tuần nhóm bạn họp mặt, luân phiên mỗi người làm “chủ xị” một tuần. Tất cả cùng nấu ăn, trẻ con được ăn trước, sau đó rút lên một phòng chơi game, còn người lớn ăn sau, rồi hát karaoke đến 2 giờ sáng. Thường thì tổ chức vào tối thứ Bảy, để Chủ nhật ngủ lấy sức cho một tuần làm việc bắt đầu từ thứ hai”.

Đời sống tinh thần của người Việt ở Đan Mạch xem ra thiếu thốn so với kiều bào ở Pháp. Những hoạt động vui chơi của người Đan Mạch không muốn cuốn hút người Việt, nên nhu cầu tụ hợp của các gia đình vào cuối tuần đã là mốt. “Cũng may bên này không có những quán bar bậy bạ, những ổ chứa lén lút, chứ nếu có thì mấy ông chồng của chúng tôi đã bị kéo ra khỏi nhà vào cuối tuần rồi” – một chị bạn của Mỹ Hạnh cười nói điều này, khi chị nhìn mấy ông bạn say mê hát karaoke.

Khi đến Công viên Hoàng gia, chị Ngọc Anh đưa tôi một đồng xu và bảo hãy quay lưng lại, khấn nguyện một điều rồi ném phía sau lưng, tức điều ước sẽ linh nghiệm. Tôi đã làm theo lời chị, sau đó chị hỏi tôi ước gì? Tôi cười: “Em ước sẽ một lần nữa được quay lại thăm…Nàng Tiên cá ở vương quốc này”.

Bài và ảnh: T.H

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT