CON CHÁU HƯỚNG LÒNG VỀ QUỐC TỔ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CON CHÁU HƯỚNG LÒNG VỀ QUỐC TỔ - 1Các vua Hùng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng vừa cụ thể và hoàn toàn khác với những biểu tượng tôn giáo trên thế giới.

Lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu Di tích lịch sử đền Hùng - tỉnh Phú Thọ đã được tổ chức sáng 29/3, với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Lễ hội đặc sắc của cộng đồng

Các hoạt động lễ và hội trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 được tổ chức từ ngày 26 đến 31/3 (tức mùng 5 đến 10/3 âm lịch) trong phạm vi Khu Di tích lịch sử đền Hùng, TP. Việt Trì và các xã, phường vùng ven. Các nghi thức cúng tế và dâng hương tưởng niệm vua Hùng sẽ diễn ra tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ và đền Thượng vào ngày 31/3.

CON CHÁU HƯỚNG LÒNG VỀ QUỐC TỔ - 2
Lễ rước kiệu về Khu Di tích lịch sử đền Hùng vào ngày 29/3 (Ảnh: Xuân My)

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm 2012, cho biết Phú Thọ nhận thức rõ cộng đồng và không gian linh thiêng là những yếu tố cơ bản để gìn giữ giá trị lễ hội. Vì vậy, ban tổ chức luôn hướng tới việc đưa lễ hội về cộng đồng. Những màn đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan do các phường xoan cổ tỉnh Phú Thọ thực hiện; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy cũng như các hoạt động thể thao, văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian... sẽ là những hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc nhằm tuyên truyền cho hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông San cho biết thêm, với mục đích này, trong lễ rước kiệu cũng như lễ dâng hương sẽ  không chỉ có người dân Việt mà còn có sự chứng kiến của nhiều đoàn khách ngoại giao, tổ chức UNESCO tại Việt Nam…

Một tín ngưỡng sâu sắc

GS Vũ Khiêu, khi nói về truyền thống và tín ngưỡng thờ vua Hùng, đã cho rằng đây là truyền thống đã thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm, một biểu hiện về đạo đức. Đặc biệt, truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tộc để vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, vua Hùng là vị tổ dựng nước, là tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam. Vua Hùng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng vừa cụ thể và hoàn toàn khác với những biểu tượng tôn giáo trên thế giới.

GS Vũ Khiêu cũng khẳng định truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên ở mỗi gia đình Việt Nam là một tín ngưỡng sâu sắc, tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa. Truyền thống này ra đời ngay trước khi xuất hiện những tôn giáo khác ở Việt Nam như đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng…

PGS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và PGS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cùng có chung quan điểm rằng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là những sáng tạo văn hóa của nhiều thế hệ qua trường kỳ lịch sử. Trong những sáng tạo văn hóa này, có những sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Nó là kết quả của quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen một cách hài hòa. Theo PGS Nguyễn Chí Bền, trước hết, đó là sự sáng tạo một hệ thống huyền thoại về ông Tổ của một cộng đồng, một tộc người – quốc gia.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định việc sáng tạo nên biểu tượng cội nguồn và việc tôn thờ Quốc Tổ Hùng Vương như một tín ngưỡng, thật sự là giá trị văn hóa chính trị đích thực, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại. Tất cả những điều này, từ việc xây dựng biểu tượng cội nguồn vua Tổ Hùng Vương đến những thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ phụng, rất cần được tự hào, gìn giữ.

1.417 đền thờ vua Hùng trên cả nước

Ngày 27/3 (mùng 6/3 âm lịch), nhân dân xã Hy Cương dưới chân núi Hùng, theo tục “con trưởng tạo lệ” thường huy động tới hơn 1.000 người mặc trang phục truyền thống, mang theo cờ quạt, trống, mõ từ thôn Cổ Tích lên Khu Di tích lịch sử đền Hùng dâng hương tiên tổ. Cùng thời gian này, nhiều làng, xã ở Phú Thọ cũng có nghi thức rước kiệu cổ, như Hùng Lô, Thụy Vân... Ngày chính giỗ (10/3), 13 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có lễ vật dâng các vua Hùng.

Người Việt Nam lập đền thờ cúng Vua Hùng cùng vợ con, tướng lĩnh dưới thời vua Hùng ở khắp nơi trên cả nước, tổng cộng có 1.417 điểm, tập trung nhiều ở tỉnh Phú Thọ (326 điểm), Hà Nội (425), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), TPHCM (14)

Yến Anh
(Báo  Người Lao động, ngày 30.3.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT