Tục cúng cá lóc nướng, tôm càng trong ngày vía Thần Tài

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mâm cúng vía Thần Tài ở mỗi vùng miền khác nhau. Người dân phía nam thường chuộng cúng cá lóc nướng vào ngày này.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ với Zing ở TP.HCM, người dân có lệ mua cá lóc nguyên con nướng trui để cúng Thần Tài. Lệ này bắt nguồn từ tâm thức tưởng nhớ và tạ ơn thần đất phương Nam đã bao bọc, che chở cho cha ông thời mở mang, khai khẩn đất Nam Bộ 300-400 năm trước.

"Thời ấy người Việt di dân vào Nam cuộc sống kham khổ, phương Nam sông nước nhiều tôm cá, do vậy món ăn chính thời ấy là tôm cá, ăn theo kiểu khai khẩn (nướng trui, chấm muối...)", thầy Nguyễn Ngọc Thơ lý giải.

Không chỉ có cá lóc nướng

Lễ vật cúng Thần Tài ngoài bánh kẹo, hoa quả, nhang, nến còn có chè hay món mặn. Người Hoa Chợ Lớn (TP.HCM) còn cúng bánh bò bột nở hay bánh hình quả lựu cầu mong phát tài.

Một số gia đình cúng bộ Tam sên gồm ba quả trứng luộc, một miếng thịt lợn luộc và 3 hoặc 5 con tôm luộc. Ý nghĩa của những món ăn này biểu trưng cho sự bình an, phát tài, phát lộc.

Một trong những món mặn khác cũng được nhiều gia đình phía nam cúng vía Thần Tài là món cá lóc nướng trui. Không khó để tìm thấy những hàng quán bán cá lóc nướng trui ở TP.HCM hoạt động hết công suất, tấp nập khách xếp hàng vào ngày mùng 10 tháng Giêng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.

Tục cúng cá lóc nướng, tôm càng trong ngày vía Thần Tài - 1

Hàng cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ, quận Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: Phạm Ngôn.

Từ ngày mùng 9 tháng Giêng, nhiều gia đình đã rục rịch chuẩn bị mâm cúng vía Thần Tài. Có người cúng hoa thơm, trái cây, bánh ngọt, một số người lại chuẩn bị mâm cúng mặn với những món ăn mang ý nghĩa may mắn, phát tài.

Anh Kim (quận 5) cho biết gia đình làm ăn buôn bán nên năm nào cũng chuẩn bị mâm cúng Thần Tài chu đáo. Năm nay, nhà anh Kim chuẩn bị các món mặn gồm tôm càng và heo quay.

"Mấy món này mình đều đặt mua chế biến sẵn. Một vài năm trước gia đình mình đều cúng cá lóc nướng. Theo tìm hiểu, mọi người cúng cá lóc, heo quay và tôm càng vì đây là ba món Thần Tài thích ăn nhất'. Món tôm dâng lên phải là loại tôm có càng hoặc cua càng mang ý nghĩa là kẹp tiền, giữ tiền lại", anh Kim chia sẻ.

Trong khi đó, chị Hạnh Phương (Hà Nội) cho biết thường tự tay nấu các món ăn, bày biện tran thờ Thần Tài thay vì đặt mua đồ ăn đã chế biến. Dịch vụ đặt mâm cúng Thần Tài phổ biến, giá 300.000-600.000 đồng/mâm. Thông thường, mọi người phải đặt từ mùng 6 mới kịp. Mặc dù dịch vụ này sẵn, chị Phương muốn tự tay chuẩn bị các món ăn, chăm chút tran thờ hơn.Tục cúng cá lóc nướng, tôm càng trong ngày vía Thần Tài - 2

Mâm cúng Thần Tài của chị Hạnh Phương được bày biện đẹp mắt. Ảnh: Hạnh Phương.

Tục cúng cá lóc nướng, tôm càng trong ngày vía Thần Tài - 3

"Các món trong mâm cúng đều đủ món mặn lẫn món ngọt như tôm càng, cua càng, xôi gấc, bánh túi tiền, mỗi năm được bày biện một kiểu. Ngoài ra, không thể thiếu hoa thơm và trái cây. Tuy nhiên, món cá lóc nướng lại không phổ biến với nhiều gia đình phía bắc", chị Phương bày tỏ.

Tương tự, chị Nhi Nguyễn (Bình Định) chia sẻ gia đình có truyền thống cứ ngày mùng 10 tháng Giêng đều tự nấu món heo quay, tôm càng và trứng luộc dâng lên tran thờ Thần Tài.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Thơ, vào ngày mùng 10 tháng Giêng trước đây, chỉ có các gia đình buôn bán mới làm lễ cúng Thần Tài. Gần đây nhiều gia đình bình thường cũng bắt đầu mua bánh kẹo, hoa quả cúng Thần Tài và ông Địa để cầu may.

Ngoài ra, tục thờ và phụng cúng Thần Tài bắt nguồn từ phía nam dần dà lan tỏa ra phía bắc, song tâm nguyện khi phụng thờ và lễ vật có sự khác biệt.

Nguồn gốc lễ vía Thần Tài

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ lý giải về nguồn gốc Thần Tài là vị thần đất đai (thổ địa) được chuyển hóa thành thần tài lộc trong văn hóa Nam Trung Hoa. Bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có con đường người Hoa di dân, vị thần này đã du nhập vào văn hóa Việt Nam, phố biến nhiều nhất ở khu vực phía nam.

Trong tâm thức người Hoa Nam Bộ, lợi lộc từ đất sản sinh ra, lâu dần thần đất chuyển hóa thành Thần Tài, vị thần bảo trợ nghề buôn bán và buôn bán tài lộc. Tâm thức này của người Hoa dễ dàng chia sẻ với người Việt.

Tục cúng cá lóc nướng, tôm càng trong ngày vía Thần Tài - 4

Người dân đi mua vàng trước ngày vía Thần Tài. Ảnh: Trương Hiếu.

Trong tâm thức người Việt ở Nam Bộ, truyền thống đã có ông Thổ Địa (thần đất), giờ có thêm Thần Tài. Người Việt phối thờ cả ông Địa và Thần Tài trong cùng một tran thờ, thường đặt ngay dưới đất ở cửa hàng, văn phòng hay gian chính ngôi nhà. Lấy mắt thần thánh nhìn ra làm trung tâm thì Thần tài ngồi bên phải ông Địa.

"Lễ vía Thần Tài rơi vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Tương truyền là ngày Thần Tài về Trời phụng sự Thiên mệnh. Tháng Giêng sau Tết là tháng hoa nở, nhân gian bắt đầu một năm sản xuất, buôn bán mới, mà con số 10 (mùng 10) tượng trưng cho sự tròn đầy (thập toàn)", thầy Thơ giải thích về lý do ngày lễ vía Thần Tài rơi vào mùng 10 Tết hàng năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Phương (zing)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.