Ninh Bình định vị thương hiệu 'Tuyệt sắc miền cố đô'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với định vị mới, tỉnh Ninh Bình đặt kỳ vọng thúc đẩy du lịch đột phá, tiếp tục phát triển hạ tầng đồng bộ song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đậm đà bản sắc cố đô.

Ninh Bình vốn là điểm đến du lịch được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích nhờ quang cảnh thiên nhiên đẹp tựa tranh vẽ, với những ngọn núi đá vôi trùng điệp, những dòng sông uốn lượn thơ mộng và những hang động kỳ bí.

Ninh Bình định vị thương hiệu 'Tuyệt sắc miền cố đô' - 1

Vẻ đẹp của Tam Cốc, Ninh Bình. Ảnh: Son Nguyen/Getty Images.

Đến đây, du khách như đang dấn thân vào chuyến hành trình khám phá từng gam màu tuyệt đẹp của bức tranh sơn thủy hữu tình, nơi có dòng sông mềm mại, uyển chuyển như dải lụa óng ánh vắt ngang đôi bờ ruộng lúa trĩu nặng phù sa; mặt nước tĩnh lặng, vang vọng tiếng mái chèo khua sóng từ những chiếc thuyền chở khách phương xa vãn cảnh, hướng về Tam Cốc-Bích Động.

Ninh Bình định vị thương hiệu 'Tuyệt sắc miền cố đô' - 2

Du khách ngồi thuyền hướng về Tam Cốc-Bích Động. Ảnh: Hoàng Tiến Việt/Pexels.

Không chỉ có ưu thế cảnh quan, Ninh Bình còn sở hữu nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá trị, như cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính cổ kính cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc. Vì thế, hình ảnh "miền cố đô" Ninh Bình ngày càng tỏa sáng mạnh mẽ hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Các cấp chính quyền tại Ninh Bình cũng đặt nhiều tâm huyết với quyết tâm đưa ngành du lịch tỉnh vươn ra quốc tế bằng hàng loạt giải pháp cụ thể, sát với thực tế; bằng những cơ chế, chính sách, môi trường tạo hành lang pháp lý thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Từ năm 2017, Ninh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng với các chuyên gia Dự án EU xây dựng và điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Ninh Bình đến 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, Ninh Bình có 8 không gian du lịch theo phân khu chức năng, cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tính trụ cột, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính; lễ hội Hoa Lư-Tràng An, tuần lễ du lịch Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An, Festival Tràng An Kết nối Di sản...

Ninh Bình định vị thương hiệu 'Tuyệt sắc miền cố đô' - 3

Tràng An non nước hữu tình. Ảnh: Bid/Pexels.

Bên cạnh đó, Ninh Bình còn đưa mô hình chợ đêm vào phục vụ du khách, cùng với việc xây dựng sân golf, khu biệt thự nghỉ dưỡng... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nội địa lẫn quốc tế.

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng chính các sản phẩm du lịch tiêu biểu, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, người dân thân thiện và mến khách, môi trường du lịch văn minh và an toàn... kết hợp với truyền thông quảng bá đã giúp Ninh Bình được nhiều chuyên trang du lịch uy tín thế giới đánh giá, bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Với việc tập trung định vị thương hiệu "Tuyệt sắc miền cố đô", du lịch Ninh Bình sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT