Ngắm hoa anh đào Nhật Bản ngẫm về 12 mùa hoa quê hương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cứ mỗi độ xuân về trên đất nước Phù Tang, khi những cơn mưa tuyết tan dần, người dân Nhật Bản lại ấm lòng đón chào những nụ hoa anh đào xinh tươi hé nhụy, khởi đầu cho những niềm vui, hy vọng và một năm mới đầy màu sắc. Nước Nhật có lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami rất thú vị, không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản mà cả những du khách thập phương trên khắp thế giới. Cứ đến mùa hoa anh đào Nhật Bản, các tour du lịch Nhật lại kín chỗ, có khi phải đặt trước hàng tháng để hy vọng có một chuyến đi đúng mùa hoa nở.

“Kẻ sinh sau đẻ muộn”

Không biết từ bao giờ, người Nhật có cách ví von thú vị khi so sánh hoa anh đào như tâm hồn và cách sống của các võ sĩ Samurai, nở nhẹ nhàng và tinh khôi, khi cần có thể bình thản hy sinh, xem cái chết nhẹ như một cánh hoa anh đào trước gió với tinh thần vô vi Omakase nhẹ nhàng chạm đất và hóa hư vô.

Nếu so với khu vực châu Á nói chung, ngành du lịch Nhật Bản thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn” nhưng thực sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ có cái nhìn đúng đắn, cách vận hành quyết liệt, không chỉ đem về cho quốc gia khoảng 42,4 tỷ đô-la mỗi năm mà còn nhận được sự ngưỡng mộ cũng như trân trọng của du khách trên toàn thế giới. Hàng năm, xứ Phù Tang chào đón hơn 32 triệu lượt khách quốc tế. Với chính sách chấn hưng kinh tế của thủ tướng Abe Shinzo là giảm 10% – 20% thuế cho du khách khi mua sắm tại Nhật Bản, cộng với việc giám sát và hỗ trợ chặt chẽ của ngành du lịch, Nhật Bản đã vươn lên vị trí đầu bảng trong ngành công nghiệp không khói tại Á châu. Minh chứng cho sự thịnh vượng của ngành du lịch Nhật Bản là khi lượng khách du lịch đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc năm 2019 đã tăng hơn 50% so với năm 2018.

[caption id="attachment_29514" align="aligncenter" width="696"]Ngắm hoa anh đào Nhật Bản ngẫm về 12 mùa hoa quê hương - 1 Du khách quốc tế tham dự một lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Nhật Bản.[/caption]

Những mùa lễ hội hoa anh đào Hanami

Hoa anh đào chính là hoa mơ Ume của Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, người Nhật đã mang giống hoa này về, và nhờ thổ nhưỡng, khí hậu rất đặc biệt của Nhật mà hoa đã phát triển rộng khắp. Qua năm tháng, sự kết hợp giữa hoa mơ với hoa mận trên xứ Phù Tang đã tạo nên giống anh đào đẹp dịu dàng, quý phái. Tùy vào thời tiết mỗi năm mà hoa anh đào khi hồng đậm, khi phơn phớt trắng, khi tím lịm một góc trời, mỗi năm mỗi khác làm say mê lòng người lữ khách.

[caption id="attachment_29515" align="aligncenter" width="696"]Ngắm hoa anh đào Nhật Bản ngẫm về 12 mùa hoa quê hương - 2 Vẻ đẹp tinh khôi của hoa anh đào Nhật Bản.[/caption]

Thời kỳ Heian, hoa anh đào được trồng trong hoàng cung và chỉ dành cho vua chúa và giới quý tộc thưởng lãm. Theo năm tháng, hoa anh đào được trồng khắp đất nước và vào thời kỳ đầu Mạc Phủ Tokugawa thế kỷ thứ XVII đã đến gần với người dân Nhật Bản. Mỗi năm sau lễ thần Nông, người Nhật lại vui mừng thưởng lãm hoa anh đào như một sự kiện hạnh phúc và may mắn đầu năm để nạp năng lượng cho một năm phía trước. Người ta ngắm hoa anh đào và đoán biết vận mệnh của mình trong năm mới, và đó cũng chính là thời khắc mỗi cá nhân có thời gian dành cho gia đình, chiêm nghiệm bản thân hơn trước khi bước vào guồng quay của cuộc sống.

Các mùa lễ hội hoa được chia theo tính chất và nội dung, hoặc được phân loại dựa trên chu kỳ thiên nhiên gồm lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa hè, lễ hội mùa thu và lễ hội mùa đông. Trong đó mùa xuân và mùa thu có nhiều lễ hội nhất vì có liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, nếu dựa trên quy định về các nghi lễ Thần đạo, lễ hội truyền thống được phân chia theo ba cấp: lớn, trung bình và nhỏ gồm Taisai (Lễ hội lớn), Chuusai (Lễ hội trung bình) và Shousai (Lễ hội nhỏ).

Cách thức tổ chức và vận hành

Không gian văn hóa lễ hội thường được diễn ra tại những khu vực trung tâm của địa phương. Ngay tại những nơi hẻo lánh và ít dân cư, người Nhật vẫn luôn có những không gian văn hóa riêng biệt và những ngôi đền thờ thần Shinto khắp nơi như đồng hành với sự tồn vinh của con người trong xã hội Nhật Bản.

Đối với Nhật Bản, lễ hội hoa anh đào là lễ hội mang tính quốc gia và kéo dài từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5 từ Nam đến Bắc. Hơn nữa, đó là thời khắc khai xuân nên lễ hội hoa anh đào cũng có thể được nhìn nhận như một dịp lễ Tết Nguyên đán của người Nhật. Ngay cả vườn thượng uyển của hoàng cung Nhật Bản cũng mở cửa nghênh tiếp du khách xa gần vào những ngày hội hoa. Những nơi nổi tiếng như lâu đài Osaka, công viên UENO, công viên Shinjuku, núi Yoshino hay dòng sông Meguro đều là những điểm tham quan hoa miễn phí.

Việc nghiên cứu độ tuổi, trình độ cũng như mong muốn của người tham gia lễ hội tại Nhật cũng là một trong những việc làm đặc biệt và hết sức ý nghĩa mà không phải ngành du lịch nào cũng nhìn nhận được tầm quan trọng của nó. Ngoài ra, chính sách thuế quan hỗ trợ các doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương rất đồng bộ và nhịp nhàng; việc giảm thuế tiêu dùng cũng kích cầu tiêu dùng và tăng khả năng mua sắm của du khách. Thế giới mua sắm của Nhật Bản thật phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm siêu rẻ đến những sản phẩm giá trị cao nhưng cảm giác an tâm cho du khách chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công cho việc tổ chức lễ hội nói riêng và ngành du lịch Nhật Bản nói chung.

Phong cách "Omotenashi"

Omotenashi là cách nói để chỉ lòng hiếu khách đến quên mình của người Nhật, là cách đối đãi với khách hàng bằng cả trái tim. Ngày nay, Omotenashi được người Nhật nâng tầm thành tư tưởng chiến lược của quốc gia trong việc bang giao với các quốc gia trên thế giới trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong ngành du lịch, Omotenashi là một phương thức sống còn của các doanh nghiệp và là bộ mặt quốc gia khi cả thế giới đang nhìn về Nhật Bản. “Cách tốt nhất để con người trở nên hèn mọn là chỉ làm đủ việc mà họ đã được trả lương” chính là câu nói tâm đắc nhất trong tư tưởng Omotenashi này.

12 mùa hoa ở quê hương, xin đừng chỉ đẹp trong lời hát

Trong những năm hội nhập và phát triển, Việt Nam đã có những chính sách cởi mở hơn cho doanh nghiệp du lịch phát triển. Nhưng dường như ngành du lịch nước nhà vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung và con đường định hướng phát triển cho toàn xã hội.

Và cứ 2 năm 1 lần, chúng ta có Festival Hoa Đà Lạt với những mỹ từ mạnh mẽ như “siêu cấp”, “siêu hoành tráng”, “đẳng cấp siêu hạng”… Theo nguồn báo danviet.vn, “Có 37 đơn vị tài trợ với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng kinh phí tổ chức lễ hội (gồm 9 chương trình chính và 19 chương trình hưởng ứng) được chuẩn bị chu đáo với nội dung đặc sắc và tạo dấu ấn riêng của thành phố Đà Lạt nhưng chỉ đạt được một nửa kỳ vọng của ban tổ chức với 250.000 người tham quan”. Nhưng quan trọng hơn hết, Festival hoa Đà Lạt vẫn đang nằm ngoài trái tim và tâm hồn người Việt, vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sự kiện hơn là một lễ hội thật sự của người dân Đà Lạt nói riêng và người Việt nói chung.

[caption id="attachment_29516" align="aligncenter" width="696"]Ngắm hoa anh đào Nhật Bản ngẫm về 12 mùa hoa quê hương - 3 Festival hoa Đà Lạt dù có tuổi đời đã lâu nhưng vẫn chưa chạm vào trái tim của du khách nội địa.[/caption]

Cũng có thể những mùa hoa ở nước ta không cố định về thời gian như hoa anh đào ở Nhật Bản nên rất khó ấn định và tiến hành tổ chức theo chu kỳ. Mặt khác, người Việt vẫn còn chưa có thói quen thưởng lãm hoa như một số quốc gia khác. Gần đây, việc thưởng hoa và yêu thích cây cỏ chỉ dừng lại ở một số người có địa vị và có điều kiện kinh tế, nhưng không phải vì giá trị nghệ thuật mà mang nặng hơi hướng phong thủy.

Về lễ hội nói chung, ngoài những lễ hội của địa phương, chúng ta còn rất nhiều lễ hội mang tính quốc gia. Các lễ hội được đầu tư tổ chức công phu với các nghi lễ trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với nước, đồng thời khôi phục nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được phục dựng lại.

Lễ hội góp phần quảng bá, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm giàu nguồn ngân sách địa phương và đất nước. Cơ sở vật chất tại các lễ hội ngày càng được nâng cấp, quy hoạch tổ chức dịch vụ có tiến bộ. Trình độ tổ chức và quản lý lễ hội tại một số địa phương từng bước được nâng cao.

[caption id="attachment_29518" align="aligncenter" width="696"]Ngắm hoa anh đào Nhật Bản ngẫm về 12 mùa hoa quê hương - 4 Hình ảnh sân khấu Lễ hội Áo dài TP.HCM 2019 được đầu tư hoành tráng tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ.[/caption]

Tuy nhiên, lễ hội Việt Nam vẫn còn nặng nề về mặt hủ tục và địa phương hóa bởi nhiều lý do. Các lễ hội còn bộc lộ một số tồn tại. Chẳng hạn, lượng du khách tăng nhanh làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý; một số lễ hội dân gian có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống; tình trạng lập nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức... còn phổ biến ở nhiều di tích, làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoạt xã hội. Loại hình văn hóa thể thao du lịch đã được phát triển mạnh ở nhiều địa phương với quy mô lớn nhưng do được nhận khoán, thầu, dàn dựng kịch bản và biểu diễn theo cách na ná giống nhau nên gây nhàm chán, làm mất đi sự sáng tạo văn hóa của địa phương, đặc biệt không phát huy được vai trò, vị trí của ngành trong việc tổ chức các hoạt động của loại hình lễ hội này.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có yêu cầu đối với một số đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội gắn với việc giới thiệu, tôn vinh công trạng của danh nhân được thờ tại các di tích và khu vực tổ chức lễ hội; chấn chỉnh việc thu tiền công đức; xã hội hóa rộng rãi nhưng không buông lỏng công tác quản lý, khai thác nguồn lực của toàn xã hội cho việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội và di tích.

Bài: Nguyễn Thị Phong Nhã (Giảng viên Nhật ngữ - Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM) Ảnh: S.H.T, tư liệu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.