Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch nông thôn là một xu hướng hấp dẫn trong ngành du lịch hiện nay, và Nhật Bản là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm độc đáo và thành công trong việc phát triển du lịch nông thôn dựa trên sức mạnh của hợp tác xã nông nghiệp. Nhật Bản đã tạo ra những bài học thú vị cho các hợp tác xã TP.HCM trong việc phát triển du lịch nông thôn.

Trong buổi hội thảo khoa học "Phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho hợp tác xã nông nghiệp: Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản", diễn ra tại TP.HCM vào ngày 26/5, TS Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đã chia sẻ về những thành tựu của du lịch nông thôn tại Nhật Bản.

Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản thành công khi mở dịch vụ du lịch

Nhật Bản đã đạt được nhiều thành công đáng nể trong lĩnh vực du lịch nông thôn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2022, theo Liên minh Hợp tác xã quốc tế, Nhật Bản có 22 hợp tác xã nằm trong danh sách 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới.

Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản tổ chức nhiều dịch vụ đa dạng, trong đó có du lịch nông nghiệp nông thôn, mang đến những trải nghiệm độc đáo và kết hợp hiệu quả các nguồn lực nông thôn, từ đó lan truyền giá trị văn hóa và sản phẩm trên toàn cầu.

Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản - 1

Bức tranh trên đồng lúa tại Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu.

Ví dụ điển hình là mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm của Liên đoàn Du lịch Minami Shinshu tại Nhật Bản.Với hơn 200 chương trình "du lịch trải nghiệm chân thực" trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dự án này đã gây ấn tượng mạnh và tạo ra sự cộng tác đáng kinh ngạc từ hơn 1.000 người dân địa phương.

Minami Shinshu là một khu vực nằm ở phía Nam, Nagano, Nhật Bản, nơi mà du khách có cơ hội trải nghiệm một cuộc sống chậm và khám phá công việc, cuộc sống hàng ngày và sở thích của người dân địa phương. Đặc biệt, các chương trình du lịch tại Minami Shinshu được thiết kế để giúp du khách "sống chậm" và suy ngẫm về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản - 2

Hoạt động dạo chơi vùng nông thôn ở Nhật Bản

Thay vì tìm kiếm những trải nghiệm thoáng qua, du khách được khuyến khích dành thời gian để tận hưởng, tự hào và đam mê khám phá. Những giá trị như "phước lành của thiên nhiên", "sự giàu có khi sống hòa hợp cùng thiên nhiên" và "sức mạnh nuôi dưỡng từ hài hòa của con người" trở nên đáng quan tâm và thường bị lãng quên trong cuộc sống nơi đô thị hiện đại.

Hợp tác xã nông nghiệp TP.HCM làm du lịch mà mô hình tất yếu của nông nghiệp đô thị

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tốc độ tăng trưởng nhu cầu khách tham quan, trải nghiệm ở khu vực nông thôn mỗi năm ước tính 20 - 30%. Trong năm 2020, lượt khách tham quan đến các điểm du lịch nông nghiệp đạt khoảng 1,8 triệu lượt.

TP.HCM đã phát triển du lịch nông thôn thông qua việc hợp tác với các hãng lữ hành và tổ chức các tour du lịch nông nghiệp như "Màu xanh và sức sống trên vùng đất thép" tại Củ Chi, "Hoa nở trên xứ vàng trắng" ở Cần Giờ, "Thiềng Liềng - chốn bình yên" ở Cần Giờ, và "Về làng ở đô thành" ở Củ Chi.

Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản - 3

Trải nghiệm trông lúa ở Củ Chi.

Các tour này giới thiệu về làng nghề truyền thống, trang trại nông nghiệp công nghệ cao, khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, cùng với hoạt động du lịch sinh thái và cộng đồng.

Hiện có 20 HTX nông nghiệp đang cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp, phân bố ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn và quận Bình Thạnh. Các HTX này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản, nuôi yến sào, trồng rau sạch, trồng hoa lan, chế biến cá khô và có các dịch vụ du lịch cho khách tham quan như trải nghiệm thu hoạch nông sản, học trồng cây, thưởng thức ẩm thực đồng quê và nghỉ dưỡng ven sông.

Một số HTX nổi bật bao gồm HTX bánh tráng Phú Hòa Đông, HTX hoa lan cây cảnh ở Tân Thông Hội, Hòa Phú, Tân Thạnh Tây, tổ hợp nghề đan lát ở xã Thái Mỹ và các tổ hợp tác khu sinh thái nhà vườn ở Trung An mà du khách có thể trải nghiệm nông nghiệp thú vị tại vùng đất thép Củ Chi.

Hay như Cần Giờ cũng được xem là một vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Các sản phẩm du lịch chính của huyện này bao gồm du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông và phát triển mô hình làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch.

HTX Cần Giờ Tương Lai đã liên kết với các đơn vị du lịch để tổ chức các tour tham quan quy trình sản xuất. Du khách có thể trực tiếp quan sát từng công đoạn để hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm như khô cá dứa, tôm một nắng, tôm khô... HTX Thuận Yến cũng mở cửa đón du khách để tham quan nghề nuôi yến - một đặc sản của Cần Giờ.

Trong tour du lịch "Thiềng Liềng - chốn bình yên" ở Cần Giờ, du khách có thể tận tay tham gia cùng các diêm dân trong Tổ hợp tác muối Thạnh An để trải nghiệm nghề làm muối. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị và cung cấp những địa điểm ấn tượng để chụp hình và check-in trong những thời điểm người dân thu hoạch muối.

Ngoài ra, những hoạt động thú vị như chợ phiên nông sản Cần Giờ là một điểm đến du lịch nông thôn nổi tiếng ở TP.HCM, nơi du khách có thể khám phá và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản - 4

Đặc sản tại chợ phiên nông sản Cần Giờ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm sự hạn chế về năng lực tiếp nhận khách tại điểm đến, cũng như khu vực ăn uống, sinh hoạt và nhà vệ sinh chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Ví dụ, dù làng nghề đan lát tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã có tiếng tăm từ hàng trăm năm trước và đã xuất khẩu nhiều sản phẩm ra nước ngoài, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan.

Những khó khăn - thách thức mà hợp tác xã. nông nghiệp khi làm du lịch

Du lịch nông thôn tại Nhật Bản đã từng gặp nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm cạnh tranh giữa các địa phương, thiếu nhân lực chuyên môn, bảo tồn không nhất quán giá trị văn hóa và thiên nhiên, cũng như thiếu hiểu biết và tin cậy giữa các bên liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã áp dụng các giải pháp bao gồm chiến lược phát triển du lịch theo khu vực, đào tạo nhân lực chuyên môn, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, tăng cường liên kết và hợp tác, và khuyến khích sáng tạo và đổi mới.

TP.HCM cũng đối mặt với rào cản và hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, đa dạng sản phẩm và dịch vụ, bảo tồn giá trị văn hóa và thiên nhiên, cũng như liên kết và phối hợp giữa các bên liên quan.

Hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch: bài học thú vị đến từ Nhật Bản - 5

Trải nghiệm chăn nuôi tại Nông Trang Xanh.

TP.HCM có thể học từ kinh nghiệm của Nhật Bản bằng cách xây dựng chiến lược phát triển du lịch dựa trên giá trị văn hóa và thiên nhiên, đào tạo nhân lực chuyên môn, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, tăng cường liên kết và hợp tác, và khuyến khích sáng tạo và đổi mới.

TP.HCM cần áp dụng các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch nông thôn. Đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và dịch vụ phù hợp, bảo tồn giá trị văn hóa và thiên nhiên, đào tạo cộng đồng và tăng cường hợp tác giữa các đơn vị liên quan sẽ thu hút du khách và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.

Những biện pháp này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch, thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch nông nghiệp TP.HCM, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT