Du lịch làm đổi thay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Việc phát triển du lịch đã góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời giúp đời sống của bà con vùng dân tộc có nhiều thay đổi.
Phát triển du lịch: Đổi thay đời sống bà con dân tộc Sơn La
Một góc cầu kính Bạch Long (Mộc Châu)
Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao... Đây là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước. Bước đầu tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao…
Phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào Sơn La đã xây dựng nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan.
Cùng với việc thăm quan các điểm đến hấp dẫn, du khách đến với Sơn La sẽ được cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá... Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…
Tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công các sự kiện: Du lịch “Bản tình ca Sơn La - Luông Pha Băng”, năm 2022 tại tỉnh Luông Pha Băng, Nước CHDCND Lào; Lễ kỷ niệm 60 năm ngày du lịch Việt Nam; “Sắc Màu Sơn La - Tây Bắc” tại thành phố Hà Nội năm 2020, 2022; triển khai xây dựng các Đề án phát triển du lịch như: “Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025”. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sơn La cũng trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán lập đề án Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia, giai đoạn 2022-2030; Đề án “Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021 -–2030”
Sơn La cũng đã công nhận 05 khu, điểm du lịch đủ điều kiện: Khu du lịch Rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch Thác Dải yếm, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch Pha Đin top, huyện Thuận Châu; Điểm du lịch Rừng vàng, thành phố Sơn La). Đồng thời tiển khai các cuộc thi để xúc tiến du lịch Sơn La như cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Sơn La lần thứ III; sản phẩm quà tặng Khăn piêu đẹp lần thứ nhất; cuộc thi Tinh hoa ẩm thực món ngon; triển khai các hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, còn lại là nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Tổng lượng khách đến Sơn La từ năm 2020 – 9 tháng năm 2022 ước đạt hơn 4.828 nghìn lượt người. Doanh thu ước đạt 4.095 tỷ đồng. Đời sống bà con đã có nhiều đổi thay nhờ nguồn thu từ du lịch. Vừa qua, du lịch Sơn La đã được vinh danh là điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu Châu Á.
Mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Sơn La trong thời gian tới là phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La đón 5,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.
Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Hà Giang
Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn thu hút đông đảo du khách với nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.
Đồng bào dân tộc Mông có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ và tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc Mông còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như lễ hội Khèn Mông, nghệ thuật thổi và múa Khèn Mông, ngày hội văn hóa dân tộc Mông... Các loại hình canh tác trên hốc đá, trên ruộng bậc thang đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa tộc Mông đã tạo nên sức hút cho phát triển du lịch.
Bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc Mông tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Trước hết, du lịch văn hóa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch. Tiêu biểu như điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi Hạ, trung bình mỗi năm đón trên 100.000 lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú, doanh thu ước đạt hơn 7,4 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả đạt được như trên, bên cạnh sự quan tâm và những cơ chế chính sách kịp thời của Trung ương và của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang cũng đã chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hàng năm thông qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng trong vận hành khai thác du lịch; qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch trong đó có đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nhiều giá trị văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm Khèn (Đồng Văn), dệt lanh (Lùng Tám, Cán Tỷ huyện Quản Bạ) và các loại hình văn hóa dân gian. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và con người nơi đây đến với cả nước và quốc tế.
Đến nay Hà Giang đã có 02 làng văn hóa du lịch, 07 làng nghề truyền thống dân tộc Mông được tỉnh công nhận, bên cạnh đó còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, các khu điểm du lịch mang phong cách văn hóa kiến trúc đặc trưng dân tộc Mông.
Giá trị văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Ở một số làng du lịch cộng đồng, người dân tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam, nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan một số điểm du lịch. Dịch vụ ẩm thực cũng thực sự trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.
Đến với các làng người Mông, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món thắng cố, mèn mén, ủ men rượu của người Mông. Không chỉ tổ chức trải nghiệm việc ngủ trong những căn nhà truyền thống, một số điểm du lịch còn có sáng kiến tổ chức ngủ lều, ngủ tại những cánh rừng... Có thể thấy, trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng trong phát triển du lịch, những người dân ở địa phương là chủ nhân của các điểm du lịch cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch văn hóa một cách sáng tạo. Cần xây dựng các ban quản lý du lịch văn hóa, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ để bảo đảm hoạt động du lịch hiệu quả; người dân địa phương được hưởng lợi phù hợp, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay). Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng./.
Thác Tạt Nàng tọa lạc tại huyện Vân Hồ từ lâu đã trở thành một điểm đến vô cùng thu hút mọi người đến tham quan...