Độc lạ trào lưu nuôi kiến ở giới trẻ: Hành trình khám phá thế giới tí hon đầy mê hoặc
Không chỉ dừng lại ở việc quan sát các loài côn trùng quen thuộc, nuôi kiến mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, thu hút giới trẻ bằng hành trình khám phá thế giới tí hon đầy thú vị.
Trong những năm gần đây, trào lưu nuôi kiến đã trở thành một sở thích mới lạ và độc đáo, thu hút sự chú ý của giới trẻ yêu thiên nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc quan sát các loài côn trùng quen thuộc, nuôi kiến mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, nơi người chơi có thể khám phá, tìm hiểu và chăm sóc cả một hệ sinh thái nhỏ bé nhưng vô cùng phức tạp.
Sức hấp dẫn của trào lưu này nằm ở sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật và đam mê, tạo nên một cộng đồng trẻ đầy sáng tạo và nhiệt huyết, cùng nhau chia sẻ kiến thức và trải nghiệm thú vị về thế giới của những sinh vật tí hon này.
Tổ kiến nhân tạo được thiết kế tỉ mỉ.
Anh Nguyễn Tấn Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM), một trong những người tiên phong trong trào lưu nuôi kiến làm “pet” cũng như kinh tế từ những con vật tí hon này ở Việt Nam.
Anh Nhựt cho biết, cách đây vài năm vô tình thấy đàn kiến lạ trong tự nhiên, anh bắt về nhà nuôi thử và bất ngờ khi chúng sinh trưởng và phát triển bình thường.
Quá tò mò, thích thú anh Nhựt bắt đầu tìm hiểu về bộ môn nuôi kiến ở Việt Nam cũng như thế giới.
Tuy nhiên thời điểm đó ở nước ta trào lưu nuôi kiến còn manh mún, nuôi trong điều kiện đơn giản, chưa thật sự đầu tư đến việc xây tổ cho kiến qua những chiếc tank (giới nuôi kiến gọi là bể nuôi kiến).
Càng tìm hiểu càng thích, anh Nhựt bắt đầu hành trình khám phá thế giới tí hon đầy mê hoặc từ đó đến nay.
Anh tâm sự, khi bắt đầu bộ môn này, anh muốn mọi người có cái nhìn khác về kiến nên bắt đầu chú trọng đến việc thiết kế và làm tank kiến sao cho vừa phù hợp với những đặc tính của kiến, nhưng cũng vừa phải đẹp và thẩm mỹ.
Mỗi tank được thiết kế có hai phần, phía dưới là phần tổ, được làm bằng những chất liệu phù hợp với đặc tính từng loại kiến và thiết kế theo dạng đường hầm, nguyên liệu để làm chủ yếu bằng đất sét và thạch cao.
Tiểu cảnh độc đáo được sắp đặt trong tank.
Trong khi đó, phần phía trên là không gian mô phỏng môi trường tự nhiên, được trang trí theo kiểu khung cảnh tự nhiên gồm đá sỏi, sa mạc,...để cho cả đàn vận động thoải mái.
Ngoài chú trọng đến cái yếu tố thẩm mỹ, người nuôi cũng quan tâm đến ánh sáng, đổ ẩm trong tank để kiểm soát môi trường cho kiến phát triển. Các giai đoạn đều được anh Nhựt thực hiện tỉ mỉ.
Anh Nhựt đang thi công tank cho đàn kiến của mình.
Bên cạnh đó, anh Nhựt cũng nghiên cứu về chu kỳ sinh học, đồng hồ sinh học và quá trình sinh sản của từng loài kiến để có thể điều chỉnh môi trường sống trong tank một cách phù hợp, giúp đàn kiến thích nghi và phát triển tốt nhất.
“Đây là bộ môn thử thách sự kiên nhẫn vì các loại kiến đều có đặc tính khác nhau nhưng có đặc điểm chung là càng chăm thì càng yếu, càng để tự nhiên càng phát triển tốt.
Trong 6 tháng đầu tiên nuôi, tôi đã thất bại trên 50 đàn kiến do lúc đó chưa biết cách chăm sóc và ở Việt Nam nhiều loại kiến, mỗi loại có những sắc thái, đặc tính khác nhau. Mặc dù vậy đây là điều thú vị, khiến tôi càng thêm sự tò mò, đầu tư vào nghiên cứu nhiều hơn”, anh Nhựt nói.
Theo anh Nhựt, anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo những tổ nuôi kiến nhân tạo với hệ sinh thái đa dạng, vừa mang tính hiệu quả vừa có tính thẩm mỹ cao để người nuôi quan sát, thư giãn.
Sau một thời gian, anh Nhựt nhận thấy rằng, những chiếc tổ kiến này khá phù hợp với lối sống hiện đại, phục vụ được nhu cầu thư giãn của người dân, đặc biệt là giới trẻ tương tự như cá cảnh.
“Kiến có màu sắc, hình dáng và đặc tính khác nhau, đặc biệt chúng giữ vệ sinh rất tốt. Trong một đàn kiến, lúc nào nó cũng dọn rác ra ngoài bằng cách gom lại một chỗ ngăn nắp, vệ sinh, đây là tập tính rất hay của loài kiến”, anh Nhựt chia sẻ. Trong tổ kiến có nhiều trứng, ấu và người nuôi sẽ quan sát được kiến thợ sẽ chăm sóc ấu và kiến chúa như thế nào, cũng như những kiến thợ sẽ giao tiếp với nhau và nhận lệnh từ kiến chúa như thế nào.
Tập tính của kiến thường rất sạch sẽ, tự vệ sinh nơi ở của mình.
Thông qua các tank, người nuôi có thể quan sát được cách sinh hoạt thường ngày của đàn kiến.
Anh Nhựt cũng cho rằng, phần decor trang trí đây là phần tối quan trọng của bộ môn này, giúp kéo yếu tố thẩm mỹ đi lên, để mọi người có thể thấy được được độc đáo, mới lạ.
Đến nay, anh Nhựt đã nuôi hơn 70 loài kiến khác nhau. Trào lưu nuôi kiến không chỉ đơn thuần là thú vui mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người chơi. Giá trị của mỗi con kiến có thể giao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng đối với những loài quý hiếm.
Đàn kiến đang ăn.
Hiện, anh Nhựt bán kiến theo đàn, kèm theo những chiếc tank được thiết kế tỉ mỉ, giá cả tùy thuộc vào loài kiến, kích thước đàn và độ phức tạp của tank, có thể từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.
“Đối với thú chơi này có nhiều phân khúc khách hàng, nếu là học sinh thì mình trang trí đơn giản hơn với 1-2 viên đá hay sỏi để kiến đi ra chơi là được. Tuy nhiên có những phân khúc khách hàng lớn sẽ chi tiền để có một sa bàn tiểu cảnh đẹp, giống như phong cảnh tự nhiên, lúc đó mình phải phối cảnh làm sao cây cỏ cho tự nhiên, đồng thời cái tank con kiến phải tạo hình hang như hang tự nhiên”, anh Nhựt chia sẻ thêm.
Tòa “chung cư” dành cho kiến, một sản phẩm độc đáo do anh Nhựt tạo ra.
Thông qua việc nuôi dưỡng và quan sát những đàn kiến nhỏ bé, các bạn trẻ không chỉ học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ mà còn khám phá ra nhiều điều kỳ diệu từ thế giới tự nhiên. Trào lưu này không chỉ giúp kết nối cộng đồng có cùng đam mê mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường.
Tập 3 Sitcom Làm Giàu Cùng Cô Tư vừa lên sóng kể về những bất hòa của các cặp mẹ chồng nàng dâu khi chưa chịu cùng ngồi...