Đầu tư phục hồi di tích Đại Cung Môn ở Đại Nội Huế
Việc phục hồi di tích Đại Cung Môn có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại Nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, nghiên cứu...
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 20, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã xem xét, thảo luận và thông qua 33 quyết định, trong đó có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phục hồi di tích Đại Cung Môn (Đại Nội Huế).
Đại Cung Môn là cửa chính của Tử Cấm Thành và là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung. Tuy nhiên, hiện nay công trình này đã bị thiêu hủy và chỉ còn lại nền móng.
Việc thực hiện tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại Nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.
Trên cơ sở hiện trạng của di tích, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và được thực hiện trong 4 năm.
Di tích Đại Cung Môn bên trong Tử Cấm Thành. Ảnh tư liệu.
Theo đó, quy mô đầu tư gồm việc tu bổ phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền, bậc cấp lát đá Thanh, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.
Phục hồi phần chính của Đại Cung Môn là kết cấu bộ khung gỗ, mái, vách ván, liên ba đố bản, cửa bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng. Các cấu kiện gỗ được bảo quản chống ẩm và chống mối gỗ.
Mái lợp ngói âm ống hoàng lưu ly, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ các hoa văn trang trí và phục chế pháp lam, đỉnh bờ nóc bờ quyết gắn các con giống bằng pháp lam; phần tiếp giáp với hai mái của hành lang hai bên được xử lý chống thấm, đòn tay, rui và ngói lợp của hai hành lang tu bổ phục hồi để đấu nối vào tường đầu hồi của Đại Cung môn.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật với việc tu bổ phục hồi sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong sau Đại Cung Môn; tôn tạo hệ thống điện chiếu sáng công trình và chiếu sáng nghệ thuật nội thất và ngoại thất; tôn tạo, lắp đặt hệ thống rãnh thoát nước; lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, việc đầu tư phục hồi Đại Cung Môn là cần thiết nhằm đồng bộ, hoàn thiện diện mạo kiến trúc di tích khu vực trung tâm Đại Nội, góp phần phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.
Dự kiến, vào ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức đón nhận bằng của UNESCO công nhận di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa”; động thổ dự án bảo tồn, phục hồi Điện Cần Chánh. |
Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe nhằm quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe của Thừa Thiên Huế...