Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sống ở TP.HCM với thu nhập có khi lên tới trăm triệu đồng/tháng nhưng Kiều Linh không thấy hạnh phúc. Cô quyết định chuyển lên Đà Lạt sau khi trải qua nhiều biến cố.

Sau khi cha qua đời, Trương Thị Kiều Linh (30 tuổi, quê Đắk Nông) mất hơn một năm để bình tâm. Trong thời gian đó, suy nghĩ rời TP.HCM đến nơi khác sinh sống và làm việc luôn thường trực trong đầu cô.

Một ngày, sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Linh nói với bạn trai mong muốn lên Đà Lạt sống vì không khí ngột ngạt không phù hợp với chứng trầm cảm và mất ngủ của cô.

Cuối tháng 5/2020, đôi trẻ lên Đà Lạt tìm và thuê homestay với dự định kinh doanh. Khi trở về thành phố, họ sắp xếp công việc, dừng lại toàn bộ chỉ trong vài hôm.

Ngày 3/6, cuộc sống mới của Linh và bạn trai chính thức bắt đầu.

“Hai năm về Đà Lạt lập nghiệp, nhiều chuyện đã xảy ra. Từ cô gái làm văn phòng, mình giờ loay hoay cả ngày với mớ đất, cái cây. Đó là hành trình dài và vất vả. Sống mộng mơ không thể cho mình cơm ăn, áo mặc vì ‘cơm áo không đùa với khách thơ’”, cô nói với phóng viên.

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 1

Trước khi về rừng, Kiều Linh có 10 năm sống và làm việc ở TP.HCM. Giữa năm 2020, cô rủ bạn trai bỏ tất cả để bắt đầu cuộc sống mới.

Dám đánh đổi

Trước đây, Linh là nhân viên sale bất động sản, nhiều hôm làm việc tới 12-14 tiếng, phải đi gặp khách hàng liên tục. Bù lại, cô có thu nhập cao, dao động 30-100 triệu đồng/tháng.

Linh nghỉ vì không muốn chạy theo đồng tiền quá nhiều nhưng không ít bạn bè trách cô vì môi trường tốt, công việc thuận lợi.

Trong khi đó, anh Đoàn Thanh Bình (36 tuổi), bạn trai Linh, cũng từ bỏ vị trí quản lý chuỗi cà phê ở TP.HCM để đồng hành cùng cô.

Lên Đà Lạt, Linh bắt đầu từ con số 0: không nhà, không mối quan hệ, không bạn bè. Mơ mộng làm homestay của cô cũng sớm đổ bể vì trục trặc giấy tờ kèm theo dịch bệnh.

Sau đó, Linh tìm nhà mở tiệm cà phê nhưng hoạt động được một tháng thì bùng dịch lần 3. Rồi chủ lấy lại nhà để bán.

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 2

Phải chuyển nhà liên tục là một trong những khó khăn Linh phải đối diện trong một năm đầu bỏ phố về rừng.

Chuyển nơi ở tới 4 lần trong một năm, Linh mới tạm ổn định. Trên mảnh đất 4.000 m2, xung quanh chỉ có vài nóc nhà, cô làm trang trại chuyên trồng hoa cúc để làm trà.

Tuy nhiên, với cô gái sức khỏe không tốt, từ bé chưa từng phải động đến công việc chân tay như Linh, những ngày đầu không hề dễ dàng. Cô Linh chỉ tự tay trồng cây, còn cuốc đất hay việc nặng thì phải thuê người giúp.

Trong thời gian farm chưa ra tiền, thu nhập của Linh đến từ kinh doanh online. Cô dành hầu hết thời gian làm việc trên mạng nên chỉ có thể tranh thủ chăm cây vào sáng và chiều. Ngoài ra, cô còn nhận làm thêm đồ handmade, decor cho các quán cà phê.

Nhiều hôm phải làm việc đến 0-1h sáng nhưng Linh vẫn thấy hạnh phúc vì được thỏa mãn mong ước và đam mê. Thêm vào đó, sức khỏe của cô được cải thiện.

“Hai năm nay, mình không phải dùng thuốc tây nữa nên ngày càng tươi tắn. Ngày trước làm văn phòng, tay chân lúc nào cũng sạch sẽ, về Đà Lạt thì lấm lem toàn đất, da đen nhẻm. Nhưng mình tập làm quen với tất cả, coi đó là điều bình thường trong cuộc sống. Mình cũng bớt khắt khe hơn. Cà rốt, dâu sạch trồng trong vườn chỉ cần hái và lau qua là ăn liền”, Linh chia sẻ.

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 3

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 4

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 5

Cuộc sống giữa thiên nhiên giúp sức khỏe Linh được cải thiện.

Về rừng phải bản lĩnh

Trải qua đại dịch, ngày càng nhiều người chán thành phố lớn nên chọn Đà Lạt làm điểm đến vì nghĩ sẽ yên bình. Tuy nhiên, theo Linh, bắt đầu lại ở mảnh đất này hay bất cứ đâu luôn là điều khó khăn.

“Đừng nghĩ Đà Lạt như nông thôn, chi phí rẻ. Đây là đất du lịch nên thứ gì cũng đắt đỏ, đặc biệt giá thuê nhà tăng rất nhanh. Bởi vậy, khi quyết định tới vùng đất mới, xác định làm gì để sống là điều quan trọng nhất. Ngoài tiền cũng cần nỗ lực và kiên trì lớn”, cô nói.

Với những người chịu lạnh kém như Linh, cô nghĩ khí hậu Đà Lạt hay mưa, ẩm cũng gây khó khăn. Cô từng ốm suốt 3 tháng cho đến khi cơ thể thích nghi dần.

Nhưng bù lại, Linh thấy sức khỏe tốt lên, cơ địa dẻo dai hơn so với thời ngồi văn phòng 8 tiếng/ngày.

“Đà Lạt yên bình, không có nhiều chỗ chơi. Bởi vậy, với các bạn trẻ quen nhộn nhịp ở Sài Gòn, thời gian đầu sẽ rất chán. Mình trước giờ rất thích yên tĩnh, có thể cả tuần không cần gặp ai, nên cảm thấy việc cả ngày ở farm là điều hạnh phúc”.

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 6

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 7

Cô gái rủ bạn trai rời TP.HCM, lên Đà Lạt sống - 8

Để duy trì trang trại, Linh làm thêm nhiều công việc để có thu nhập, trong đó có làm tranh decor.

Theo Linh, ở đâu cũng vậy, nếu không có khả năng thích nghi hay công việc tạo thu nhập tốt cũng sẽ dẫn đến cảm giác muốn từ bỏ. Cô từng gặp và quen nhiều bạn trẻ lên Đà Lạt sống rồi về lại TP.HCM trong sự mệt mỏi.

“Có nhiều người muốn về quê nhưng bảo họ cuốc miếng đất, trồng mớ rau thì lại không làm được. Bởi vậy, quan trọng là ai dám đánh đổi. Mình nghĩ mọi người cần chuẩn bị tâm lý vất vả dù có tiền hay không. Muốn về rừng thì phải có bản lĩnh, chịu khó trải nghiệm và học hỏi vì đó là chặng đường rất dài”, cô nói.

Linh quan niệm ở đâu cũng có thể kiếm tiền nên không có ý định trở lại thành phố lớn. Khi farm đi vào ổn định, cô sẽ dành 30% thời gian, công sức, tiền bạc cho công việc online, 70% cho hoa cỏ. Cô cũng cố gắng mua miếng đất cho riêng mình trong năm nay.

“Đằng sau những bức hình đẹp, bình yên hiện tại là sự trả giá bằng nước mắt, mồ hôi và nhiệt huyết. Mình vẫn đi thuê nhà, thuê đất, vẫn phải trả nợ những thất bại cũ. Nhưng mình tin rồi mọi chuyện sẽ tốt thôi. Còn trẻ mà, hãy sống chứ đừng tồn tại”, Linh nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thiên Nhi (Ảnh: NVCC) (Zing News)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.