Bán hàng online: Nỗi băn khoăn của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bán hàng online là xu hướng hiện đại, nhưng nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp TP.HCM còn lo lắng về chất lượng, đóng gói, vận chuyển, thanh toán… của sản phẩm. Để giải quyết những băn khoăn này, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cần được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các đơn vị tư vấn, đào tạo và các đối tác TMĐT uy tín.

Thương mại điện tử là một xu hướng không thể phủ nhận trong thời đại công nghệ số hiện nay. Đây là một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc bán hàng trực tuyến cũng đang được nhiều hợp tác xã (HTX) và nhà sản xuất nông nghiệp áp dụng, nhằm tìm kiếm những thị trường mới và mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu

Báo cáo Tiêu dùng Thương mại Điện tử Việt Nam 2023 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm nông sản an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo báo cáo, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm nông sản an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Một báo cáo khác của Iprice hồi 2022 cũng nhấn mạnh việc hoa quả và rau củ là hai mặt hàng nông sản được mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Trong đó giá cả và chất lượng là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng kênh bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, tốc độ tăng trưởng trên 2 con số. Đáng lưu ý, kênh mạng xã hội và Tiktok tăng trưởng nhanh chiếm xấp xỉ 47% tỷ trọng đơn hàng các kênh bán online của nhà kinh doanh cũng như các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Bán hàng online: Nỗi băn khoăn của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp TP.HCM - 1

Ông Phạm Sơn Tùng – phó ban hợp tác hiệp hội tmđt việt nam (Vecom) chia sẻ về tình hình thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo ông Tùng, thống kê cho thấy nhóm sản phẩm nông sản, sản phẩm thiết yếu được người tiêu dùng quan tâm nhiều. Đơn cử, trái cây và rau củ chiếm 45%, chăm sóc sức khỏe chiếm 42%, thịt tươi và thực phẩm từ sữa chiếm 40%...

Ông Tùng cũng nhấn mạnh rằng việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử không chỉ là cơ hội mà còn là một thách thức, và cần phải giải quyết một số vấn đề hiện nay, chẳng hạn như logistcs và hạ tầng, để đảm bảo sự phát triển trong tương lai.

Điều này cho thấy cơ hội của các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến từ hợp tác xã tại TP.HCM trên sàn thương mại điện tử. 

Cơ hội nào cho nông dân và hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử

Để có thể thu hút và giữ chân khách hàng trong bối cảnh này, các HTX, ngoài giá cả thì cần phải chú trọng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm, cũng như sự đa dạng và độc đáo của sản phẩm.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn và đúng hẹn trong việc giao hàng cũng đang đặt ra những thách thức đối với các sàn thương mại điện tử. Để đảm bảo rằng sản phẩm được giao đến người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, cần phải xây dựng và duy trì một hệ thống vận chuyển hiệu quả và đáng tin cậy.

Trước những khó khăn này, nhiều chủ doanh nghiệp và HTX nông nghiệp tại TP.HCM chuyên về các loại nông sản chủ lực của TP băn khoăn không biết đưa hàng lên các sàn như thế nào, hình thức ra sao, chi phí, mức chiết khấu bao nhiêu. Họ cần được hỗ trợ và tư vấn để có thể khai thác được lợi ích của kinh doanh trực tuyến.

Bán hàng online: Nỗi băn khoăn của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp TP.HCM - 2

Bà Nguyễn Thị Yến Chi, Chánh văn phòng của sàn thương mại điện tử Sendo chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp trên Sendo.

Bà Nguyễn Thị Yến Chi, Chánh văn phòng của sàn thương mại điện tử Sendo chia sẻ, "Các HTX mới bắt đầu, chưa quen với việc kinh doanh trực tuyến, chúng tôi hỗ trợ rất nhiều để giúp họ đưa sản phẩm lên Sendo Farm. Nhà cung cấp, bao gồm HTX, nông hộ và các đơn vị phân phối, sẽ cung cấp sản phẩm trực tiếp cho chúng tôi, sau đó chúng tôi sẽ tiến hành vận hành và phân phối sản phẩm đến khách hàng".

Quy trình hoạt động của Sendo Farm là khi khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, Sendo sẽ gửi yêu cầu đặt hàng cho nhà cung cấp. Nhà cung cấp sẽ chuẩn bị hàng trước ít nhất 1 ngày, sau đó soạn hàng và giao về kho trung tâm. Tại kho trung tâm, Sendo sẽ chuyển hàng đến các điểm nhận hàng, bao gồm các tiệm tạp hóa và các khu vực được hợp tác với sàn. Điều này giúp người mua không phải chịu phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, bà Chi cũng nêu rõ rằng những nông hộ, HTX, và doanh nghiệp có kinh nghiệm hoàn toàn có thể tự mở gian hàng và tự quản lý kinh doanh của mình. "Về chi phí, nếu nhà cung cấp giao hàng cho chúng tôi, thì chúng tôi chỉ xác định giá mua vào, sau đó cân nhắc chi phí vận hành và áp dụng giá bán ra. Còn việc tự mở gian hàng, phí mở gian hàng và duy trì gian hàng sẽ tuỳ thuộc vào sản phẩm, thời gian hoạt động của cửa hàng, với mức phí dao động từ 2 - 5% trên mỗi đơn hàng, chúng tôi sẽ miễn phí phí mở và duy trì gian hàng", bà Chi giải thích.

Ngoài ra, theo bà Chi, các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn này để đạt được sự xét duyệt và đưa sản phẩm lên sàn.

Bán hàng online: Nỗi băn khoăn của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp TP.HCM - 3

Các loại sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Ngoài Sendo thì các sàn thương mại điện tử lớn khác như Shopee, Lazda hay Tiki cũng có những chính sách hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã bán hàng. Về cơ bản, các sàn thương mại đều miễn phí phí mở và duy trì gian hàng, tuy nhiên mỗi sàn có cách tính phí về đơn hàng khác nhau. Ví dụ như nông dân, hợp tác xã phải trả tiền cho khoản Phí thanh toán (tính bằng cách nhân tổng doanh thu đơn hàng sau khi trừ khuyến mãi và phí vận chuyển) với tỷ lệ 2,5%. Hay Phí hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm khác nhau tùy theo ngành hàng của Lazada. Đối với ngành hàng nông sản, tỷ lệ phần trăm là 5%...

Theo ông Nguyễn Bình Minh, thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, để có thể bán hàng trực tuyến, các HTX cần phải tuân thủ một loạt quy định pháp luật về kinh doanh điện tử. Trước hết, họ cần có giấy chứng nhận kinh doanh hoặc giấy chứng nhận thành lập theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc đăng ký kinh doanh điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là điều bắt buộc, trừ trường hợp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã đăng ký kinh doanh điện tử.

Thông tin về sản phẩm, giá cả, chính sách bảo hành, đổi trả, phương thức thanh toán, giao hàng, và các điều khoản khác liên quan đến việc bán hàng trực tuyến cũng phải được HTX cung cấp đầy đủ và chính xác.

Để đảm bảo sự an toàn và chất lượng của sản phẩm, các HTX cần đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn hiệu, bao bì, và hướng dẫn sử dụng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, họ phải tuân thủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Việc lựa chọn một sàn thương mại điện tử phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng. Các HTX cần xem xét phạm vi hoạt động, đối tượng khách hàng, chi phí tham gia, mức chiết khấu, chính sách hỗ trợ, và cũng cần xem xét đánh giá và phản hồi của người dùng để đảm bảo rằng họ đang hợp tác với sàn có uy tín và chất lượng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT