Tích cực “đẩy” tín dụng vào nhà ở xã hội
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, năm 2025 dự kiến sẽ có 135 dự án được triển khai, với gần 101.900 căn nhà ở xã hội.
Dự kiến 135 dự án nhà ở xã hội được triển khai
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, năm 2025 dự kiến sẽ có 135 dự án được triển khai, với gần 101.900 căn nhà ở xã hội. So với số liệu của năm 2024 khi cả nước chỉ có 108 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 47.532 căn hộ thì lượng cung nhà ở nhà hội năm 2025 dự kiến tăng 2,1 lần so với năm trước.
135 dự án nhà ở xã hội được triển khai
Theo các chuyên gia, sự gia tăng cả về số dự án cũng như lượng căn nhà ở xã hội trong năm 2025 là một bước nhảy vọt đáng ghi nhận, không chỉ phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ hơn của các địa phương mà còn minh chứng cho nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người lao động có thu nhập thấp.
Tại Hà Nội, năm 2025 dự kiến có 11 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000m² sàn xây dựng. Trong vòng 5 năm tới, thủ đô đặt mục tiêu phát triển thêm 50 dự án nhà ở xã hội mới, với tổng quy mô khoảng 57.200 căn hộ.
TP.HCM cũng nhập cuộc khi hiện có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn hộ trên quỹ đất tự tạo lập. Bên cạnh đó, thành phố còn kêu gọi đầu tư tại 7 khu đất với tổng số 8.000 căn hộ, đồng thời triển khai 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 70.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, đồng thời cải tiến thủ tục hành chính và mở rộng quỹ đất dành cho phân khúc này.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Xây dựng, trong những công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.
Cần “gỡ vướng” vấn đề vốn và lãi suất
Trong buổi làm việc với ngành ngân hàng sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngân hàng xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, góp phần xoá nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có ưu đãi cho những người trẻ có nhu cầu an cư, lạc nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, ngoài gói tín dụng ưu đãi từ ngân sách, các ngân hàng cũng sẽ có thêm cơ chế tín dụng thương mại phù hợp hơn để phát triển nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cơ chế chính sách ưu đãi tín dụng với doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội hiện nay chưa hấp dẫn khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, ngoài tín dụng chính sách với nhà ở xã hội, cần có chính sách phát triển các dự án nhà ở giá rẻ.
Các dự án này không khống chế giá, tỷ suất lợi nhuận, không bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đối tượng mua nhà, không hạn chế chuyển nhượng… như nhà ở xã hội.
Riêng với nhà ở xã hội, ngoài “gỡ” vấn đề vốn và lãi suất, cũng như đối tượng tham gia, các chuyên gia cho rằng, cần phải gỡ thêm các điểm nghẽn khác, đặc biệt là vấn đề tỷ suất lợi nhuận, thuế, quỹ đất và thủ tục.
Từ thực tiễn giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng mới đạt hơn 1% sau gần 2 năm, các chuyên gia cho rằng, cần cơ chế tín dụng ưu đãi mới để phát triển nhà ở xã hội.