Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tính đến ngày 18/11, đại dịch Covid-19 đã tước đi 23.476 sinh mạng người Việt Nam. Trong số này, có hơn 17.000 người ở TP.HCM đã ra đi mãi mãi trong đợt bùng phát dịch thứ tư.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa đi qua thời kỳ mất mát chưa từng có. Khởi đầu từ ca lây nhiễm trong cộng đồng vào giữa tháng 5/2021, TP.HCM đã trở thành “tâm dịch” lớn nhất cả nước.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 1

Người bệnh nặng được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Nhiều tuần liền, mỗi ngày có từ 200 đến 300 bệnh nhân phải ra đi mãi mãi, rất nhiều người trong số họ dù được can thiệp kỹ thuật hiện đại nhất với các bác sĩ giỏi nhất, vẫn giã từ cuộc đời trong cảnh quạnh quẽ, chưa kịp nói lời cuối với người ở lại.

Những đứa trẻ chưa kịp lớn

Trong hàng vạn đồng bào không may qua đời trong đại dịch, có những người là cha mẹ, ông bà và người thân của những đứa trẻ. Những cô bé, cậu bé còn tuổi ăn học đã phải chịu đựng những mất mát không sao gánh nổi. Những đôi mắt thơ ngây trông về xa xăm khi phút chốc thành trẻ mồ côi.

Em V.D.N. sống tại Phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân. Mẹ em không may bị nhiễm virus, sau đó bệnh diễn tiến nặng và không qua khỏi. Khi biết tin, cha em quá đau buồn rồi quẫn trí, cũng bỏ em mà ra đi mãi mãi.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 2

Bàn tay nắm thật chặt, em N. cố không biến nỗi đau thành nước mắt.

Cậu bé 12 tuổi có dáng người nhỏ nhắn nhưng mang trong mình nỗi đau quá lớn. Cả đời em có lẽ chưa bao giờ nghĩ, rằng có một ngày em bị tước mất đi tất cả, từ những người thương yêu đến mái nhà ấm áp đầy tình cảm gia đình. Sau biến cố, em sống cùng cô chú và bà ngoại.

Trên địa bàn Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, em V.H.M.K. không may phải mồ côi mẹ vì dịch bệnh. Cậu bé 15 tuổi vẫn chưa tin được là mẹ em đã vĩnh viễn ra đi, mọi chuyện diễn ra quá nhanh mà thậm chí người lớn cũng không tưởng tượng nổi.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 3

Em K. cùng cha và em trai tại ngôi nhà không còn bóng dáng người phụ nữ.

Tại ngôi nhà nhỏ trong hẻm sâu, em cùng cha đùm bọc nhau, sống qua mùa dịch. Mọi chuyện quán xuyến trong nhà giờ đây được cha gánh vác, người đàn ông động viên con cùng vượt qua nỗi đau mất mát, tiếp tục học tập vì cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Em T.K.M. năm nay 12 tuổi, sống tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Em phải gác lại mọi kế hoạch dang dở chưa kịp thực hiện với cha vì cha đã vĩnh viễn ra đi trong đại dịch.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 4

Mọi thứ vẫn còn như ngày hôm qua trên bức tường kỷ niệm.

Trong bức ảnh cũ đã phai màu treo trên tường, gia đình em vẫn còn tươi cười và đầy đủ bốn thành viên. Bức tường như ngưng đọng thời gian, lưu lại bao nhiêu kỷ niệm của gia đình, những tấm bằng khen, giấy chứng nhận thành tích học tập được nhà trường và quận đoàn trao tặng.

Tương lai sẽ là những tháng ngày hai mẹ con côi cút nắm chặt tay nhau. Mất đi người đàn ông trong nhà, mẹ của em sẽ dành mọi tình cảm cho các con, nuôi dạy cậu bé lớn lên trở thành người đàn ông mạnh mẽ như cha em đã từng.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 5

Những cuộc đấu trí "sống còn"

Ở cánh cổng cuối cùng nơi các y, bác sĩ tuyến đầu mỗi ngày đều đánh vật với thần chết, giành giật lại mạng sống cho các bệnh nhân, cũng là nơi chứng kiến nhiều sự mất mát, đau thương.

Bệnh viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP. Thủ Đức, TP.HCM là tuyến cuối trong hệ thống chữa trị Covid-19 tại thành phố, nhận các bệnh nhân nguy kịch, cần can thiệp kỹ thuật tân tiến. Hơn 100 bệnh nhân nằm trên giường bệnh, vây xung quanh là dây nhợ, ống dẫn, máy móc và sự sống còn của họ giờ được đo bằng những chỉ số trên màn hình.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 6

Các ca bệnh nặng được điều trị tại Bệnh viện.

Liên tục trong không gian là tiếng tít tít của máy móc, tiếng ho nhọc nhằn của người bệnh. Tuy vậy, đôi khi những âm thanh khó chịu lại khiến chúng ta dễ chịu. Đôi khi tiếng máy thở dội liên tục bên tai, tiếng người bệnh rên la vì đau, vẫn tốt hơn sự im lặng đến ám ảnh khi một ca bệnh không qua khỏi.

Với những bệnh nhân không may mắn này, nhân viên y tế thực hiện quy trình xử lý nghiêm ngặt, không để lây lan virus ra bên ngoài, rồi chuyển đi làm thủ tục, báo về cho gia đình. Họ - những y, bác sĩ cũng chính là những người đưa tiễn bệnh nhân về bên kia thế giới. Các y, bác sĩ trong ca trực đều quay mặt đi, có lẽ để giấu đi những giọt nước mắt...

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 7

Bệnh nhân không còn đủ sức chống chọi, buộc phải khép lại cuộc đời trong cô đơn, không người thân thích đưa tiễn

Bác sĩ CK2 Trần Thanh Linh, người từng điều trị cho Bệnh nhân 91 - phi công người Anh, không ít lần thấy cảnh tử biệt, nhưng anh vẫn lặng người đi vì xúc động và cảm thấy có phần trách nhiệm của mình.

Sau mỗi ca trực, bác sĩ Linh chậm chạp và kỹ lưỡng tháo bỏ khẩu trang, đồ bảo hộ, giày dép, mũ nón,... Lớp khẩu trang và dây áo quần bảo hộ hằn kín trên da thịt. Vị bác sĩ một mình bước dọc theo hành lang tưởng chừng như dài vô tận.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 8

Bác sĩ Linh kết thúc một ca trực khi đêm đã về khuya.

Những nén hương cho người ra đi

Nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19, TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm từ 20 giờ tối ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất, Quận 1. Buổi lễ được phát trực tiếp trên VTV - Đài Truyền hình Việt Nam, HTV - Đài Truyền hình TP.HCM và các đài truyền hình địa phương.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 9

Lễ tưởng niệm tổ chức trang trọng tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, Q.1 TPHCM.

Đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương và các đại biểu sẽ dâng hương, hoa tại điểm cầu. Tại buổi Lễ, Ban tổ chức chương trình sẽ phát phóng sự mang tên "Cuộc chiến sinh tử" và "Vượt lên đau thương" tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch bệnh.

Đồng thời, tại các quận 1, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình cũng làm Lễ thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20h35 cùng ngày.

Thương nhớ những cuộc đời phải khép lại vì COVID-19 - 10

Đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước chùa Pháp Hoa sẽ long trọng diễn ra nghi thức thả đèn hoa đăng tưởng niệm.

Cùng thời gian trên, thành phố vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... đậu tại các cảng kéo còi tưởng niệm. Thành phố cũng kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân...

Thông qua Lễ tưởng niệm cũng khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Anh - Ảnh: Hải An, Hữu Long

CLIP HOT