Tạo bệ phóng từ liên kết, phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương là nỗ lực không ngừng nghỉ của TP HCM trong lộ trình trở lại sau giai đoạn giãn cách với vô vàn khó khăn do dịch Covid-19.

Giữa tháng 10-2021, ngay sau khi cùng nhiều địa phương trên cả nước nới lỏng giãn cách xã hội, TP HCM đã có những bước đi đầu tiên tái khởi động ngành du lịch, đồng thời kết nối lại với các địa phương.

Chủ động, sáng tạo

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất dưới tác động của đại dịch Covid-19. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, với giãn cách xã hội kéo dài, ngành du lịch TP HCM và cả nước gần như "đóng băng", chỉ duy trì một số ít cơ sở lưu trú làm khách sạn cách ly, nơi ở cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch...

Khó khăn là vậy nhưng ngay khi có cơ hội, du lịch TP HCM và một số địa phương khác đã nỗ lực để trở lại. Giữa tháng 10-2021, ngay sau giãn cách xã hội và TP HCM vừa trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn do dịch Covid-19, đoàn lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc đầu tiên với tỉnh Tây Ninh về liên kết phục hồi ngành du lịch. Nằm trong khuôn khổ Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, TP HCM và tỉnh Tây Ninh là 2 địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái nông nghiệp.

Tạo bệ phóng từ liên kết, phát triển du lịch - 1

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tặng khăn rằn Nam Bộ cho các y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch trong chuyến tham quan Củ Chi (TP HCM) - Tây Ninh, tháng 10-2021

Tại buổi làm việc này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã thông tin về sự chuẩn bị những yếu tố, điều kiện an toàn để phục hồi kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch. Vài ngày sau, đoàn khách du lịch đầu tiên từ TP HCM đã tới Tây Ninh tham quan và trải nghiệm những điểm du lịch nổi tiếng của nơi đây.

Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, cơ cấu ngành du lịch chiếm 10%-12% trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, dịch bệnh đã làm ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thành phố đã có những giải pháp để "cứu" các cơ sở lưu trú như triển khai làm khu cách ly F0, F1, nơi ở cho đội ngũ y - bác sĩ… với mong muốn giữ chân nguồn nhân lực và duy trì phần nào cơ sở vật chất của ngành. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước tri ân lực lượng y tế bằng việc tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm những điểm đến hấp dẫn ngay trên "sân nhà", khởi đầu với 2 "vùng xanh" là Cần Giờ và Củ Chi.

"Những chương trình này được tổ chức, ngoài mong muốn bày tỏ tấm lòng của thành phố, cũng là bước khởi đầu để tái hoạt động du lịch" - bà Phan Thị Thắng nói.

Chiến lược trọng điểm

Lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM nhận định trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành thì mô hình liên kết du lịch có kiểm soát giữa TP HCM và Tây Ninh được nhìn nhận là bước đi chủ động, sáng tạo, mở ra triển vọng liên kết du lịch giữa các địa phương theo nguyên tắc thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho rằng những nỗ lực của TP HCM trong lĩnh vực du lịch là "không mệt mỏi". Bởi có quá nhiều khó khăn để trở lại thị trường khi dịch bệnh vẫn còn, tâm lý du khách, người dân và các địa phương rất thận trọng. Dù vậy, những bước đi mạnh mẽ của du lịch TP HCM để tuyên truyền, quảng bá nhằm thích ứng với tình hình mới là cần thiết với phương châm "du lịch an toàn và an toàn đến đâu, mở cửa đến đó".

Phát biểu tại Hội nghị liên kết du lịch giữa TP HCM và Đồng Tháp đầu tháng 11-2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, cho biết tỉnh này vừa thông qua kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương. Nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó chú trọng việc ứng phó an toàn với dịch bệnh; gắn phát triển du lịch với xây dựng nền văn hóa năng động, sáng tạo.

"Đặc biệt là liên kết để tạo thế và lực cho du lịch địa phương có thể học hỏi, kết nối vươn xa. Trong đó, liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là rất quan trọng, thiết thực" - ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, giai đoạn 2019-2020, các chương trình liên kết, phát triển du lịch của thành phố được triển khai đa phương với các vùng miền du lịch trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Bắc, Tây Bắc mở rộng, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tuy nhiên, sau giai đoạn giãn cách, để thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, TP HCM đã linh động, sáng tạo hơn trong liên kết bằng cách chọn thử nghiệm, xúc tiến lại với những địa phương đã mở cửa an toàn với tỉ lệ độ phủ vắc-xin Covid-19 cao…

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành du lịch TP HCM sẽ tiếp tục những chiến lược về liên kết du lịch với những điểm đến khác trên cả nước. Việc TP HCM chủ động liên kết cùng các địa phương không chỉ là giải pháp khôi phục du lịch mà còn là nhiệm vụ với vai trò trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Quan trọng hơn, liên kết cũng tạo ra những sản phẩm, tour tuyến mới vừa quảng bá vừa giữ gìn văn hóa; tạo cơ hội cho doanh nghiệp duy trì được thị trường nội địa và tạo tiền đề để đón khách quốc tế trong thời gian tới" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhìn nhận.

Trải nghiệm "một hành trình, nhiều điểm đến"

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch, bao gồm lưu trú, lữ hành và các khu, điểm du lịch.

"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Trong xu hướng gia tăng trải nghiệm của du khách với chương trình du lịch "một hành trình, nhiều điểm đến" thì việc liên kết lại càng cần thiết, với phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", "mở cửa thì phải an toàn" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh THÁI PHƯƠNG (Người Lao Động)

CLIP HOT