Số ca tử vong tại TP.HCM thấp nhất trong 20 ngày qua

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Số ca tử vong tại TP.HCM liên tục giảm mạnh. Ngày 10/9, thành phố ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 20 ngày qua (188 trường hợp).

Chiều 11/9, TP.HCM họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Đại diện cơ quan chức năng của TP đã trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

Gần 3.400 người xuất viện ngày 10/9

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 20 TP.HCM thực hiện Công điện 1099 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM.

Thành phố đang điều trị cho 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10/9, thành phố có 3.392 bệnh nhân xuất viện, 188 trường hợp tử vong. Đây là số ca tử vong thấp nhất thành phố ghi nhận trong 20 ngày qua, tính từ 22/8.

"Ngày 22/8, trước khi TP.HCM bước vào đợt tăng cường giãn cách, số tử vong là 340. Ngày 10/9 chỉ còn 188", ông Hải thông tin.

Từ 18h ngày 9/9 đến 18h ngày 10/9, thành phố đã lấy 597.776 mẫu xét nghiệm, trong đó có 7.058 mẫu đơn và 8.422 mẫu gộp, 498.793 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Đến ngày 10/9, hơn 7,5 triệu người đã được tiêm vaccine (6,4 triệu người tiêm mũi 1 và hơn 1,1 triệu người tiêm mũi 2)

Cũng theo thống kê, hơn 847.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền đã được tiêm.

Số ca tử vong tại TP.HCM thấp nhất trong 20 ngày qua - 1

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM lên tiếng về thông tin suất ăn của điều dưỡng có giòi

Ngày 10/9, báo chí phản ánh suất ăn của một điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến số 8 (TP Thủ Đức) có giòi. Tại họp báo, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, xác nhận đã điều phối đơn vị rà soát và xử lý.

Theo bà Lan, suất ăn này nằm trong số phần ăn được Bệnh viện dã chiến số 8 ký hợp đồng với công ty cung ứng. Trưa 9/9, điều dưỡng Đặng Văn Toàn nhận thấy phần ăn, cụ thể là dưa leo có sâu nên báo cáo lên điều dưỡng trưởng. Sau đó, PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 8, đã ghi nhận sự việc và yêu cầu kiểm tra tất cả suất ăn còn lại. Kết quả kiểm tra cho thấy không có tình trạng tương tự ở các phần ăn khác. Bệnh viện Dã chiến cũng ngừng hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn trên.

“Dù bệnh viện có chủ quan khi không báo cáo ngay cho cơ quan chức năng là Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM mà tự xử lý, tuy nhiên ban cũng rất đồng tình với cách xử lý trước mắt của bệnh viện”, bà Lan nói suất sưa leo hôm đó có sâu. không phải giòi và cho rằng đây có thể là tình trạng cá biệt.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã làm việc lại với công ty cung ứng. Đơn vị đang hoàn tất hồ sơ xử lý vi phạm và sẽ công bố với báo chí sau.

Việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng không ảnh hưởng đến lộ trình cấp thẻ xanh, thẻ vàng

Thông tin về các ứng dụng kiểm soát hiện tại, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, chia sẻ bản thân ông cũng thấy đang có quá nhiều ứng dụng (app) gây bất tiện cho người sử dụng. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng một app thống nhất, trong đó chỉ đạo kết nối, chia sẻ tất cả dữ liệu để phục vụ phòng, chống dịch, hạn chế việc người dân khai báo rồi phải khai báo lại.

Chỉ đạo này nêu rõ app của Bộ Công an là VNEID được xây dựng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên có tính xác thực cả về nhân thân, còn các ứng dụng khác thì chỉ xác thực qua điện thoại. Còn ứng dụng của công an có thể xác định cả điện thoại, nhân thân, thông tin khai bái nên đảm bảo được công tác quản lý. App của Bộ Công an có ưu điểm về tính chính xác, xác thực và có thể áp dụng trên các ứng dụng khác.

Theo ông Hà, tất cả giấy tờ của người dân đều xuất phát từ chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD). Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCMM cho biết có thể sẽ đề xuất sau này không cần đến hộ chiếu sẽ nhập thông tin với thẻ CCCD. Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai VNEID phục vụ người dân khai báo. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng sẽ có đánh giá phối hợp nâng cấp.

Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh app của Bộ Công an vẫn có ưu điểm hơn so với những ứng dụng khác. App này đang được Công an TP.HCM đưa vào sử dụng về kiểm soát lưu thông trên đường.

Số ca tử vong tại TP.HCM thấp nhất trong 20 ngày qua - 2

Ứng dụng VNEID của Bộ Công an được Công an TP.HCM đưa vào sử dụng về kiểm soát lưu thông trên đường. Ảnh minh họa: Đức Anh.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết thời gian qua, các đơn vị tiêm, tổ tiêm đã tổ chức tiêm, đồng thời cập nhật dữ liệu qua hệ thống tiêm chủng vaccine quốc gia. Nhưng thực tế có trường hợp người dân đã tiêm nhưng chưa được cập nhật kết quả hoặc thông tin bị sai.

Sở TT&TT và Sở Y tế đã huy động lực lượng để phối hợp xử lý các phản ánh. Người dân có thể phản ánh tại mục phản ánh trên Công thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia để bổ sung, cập nhật nếu thông tin bị thiếu, sai và chưa đầy đủ. Sở TT&TT và Sở Y tế sẽ tổ chức lực lượng bổ sung kịp thời.

"Tổng thông tin tiêm chủng sẽ phản ánh cập nhật ngay, việc này không ảnh hưởng đến lộ trình cấp thẻ xanh, thẻ vàng theo kế hoạch của thành phố. Lợi ích của người dân sẽ được bảo đảm", ông Từ Lương cho biết.

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Để thực hiện điều này, thành phố đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP), đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.

Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của Thành phố (Y tế HCM) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng chống dịch. Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Ai xác nhận việc F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh để cấp thẻ xanh?

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, tất cả trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh hay PCR đều được xem như người mắc Covid-19. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương và y tế cơ sở sẽ lập danh sách các F0 đang được cách ly ở nhà để chăm sóc, điều trị như phát thuốc an sinh.

Do đó, việc xác định thông tin F0 khỏi bệnh để có thông tin thực hiện thẻ xanh sẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Thông tin thêm, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đến nay, thành phố thống kê được nhu cầu nhân lực của các cơ sở y tế là 3.311 trường hợp. Ngoài ra, TP cũng cần thêm lực lượng y tế chăm sóc bệnh nhân và người thực hiện các công việc như nhập liệu, hậu cần...

Đến nay, hơn 1.700 F0 khỏi bệnh đã đăng ký. Tính đến 10/9, Sở Y tế đã phân bổ 908 F0 khỏi bệnh về các cơ sở y tế. Ngoài ra, một số trung tâm y tế có nhu cầu đã trực tiếp huy động F0 khỏi bệnh tại các cơ sở y tế tham gia.

Những người này được trang bị phòng hộ, sắp xếp nơi nghỉ, được xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ và tuân thủ phòng chống dịch.

TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ. Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó"; người dân được "đi chợ hộ". Công an TP.HCM cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được phép ra đường.

Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày, chỉ được bán hàng mang đi.

Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.

TP.HCM đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Zing News

CLIP HOT