Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Phú Yên đổi mới tư duy “dám nghĩ, dám làm”, tìm hướng đi riêng để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển xanh gắn với phát triển du lịch.
Ngày 3/3, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức công bố quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng hơn 650 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến dự.
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên đặc trưng khác biệt của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá, ưu tiên.
Theo quy hoạch này, Phú Yên có ba khu vực trọng điểm phát triển, gồm:
Khu vực trọng điểm phía Bắc: Phát triển du lịch, kinh tế biển, trong đó thị xã Sông Cầu là trung tâm dịch vụ và du lịch phía Bắc Phú Yên, kết nối với thành phố Quy Nhơn (Bình Định) tạo cơ hội liên kết phát triển du lịch và các dịch vụ khác; tập trung đầu tư phát triển khu du lịch Vịnh Xuân Đài hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.
Khu vực trọng điểm phía Nam: Phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch... Khu vực Đông Hòa là cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng, khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế.
Đây là trung tâm công nghiệp, hậu cần của tỉnh, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp và logistics, liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong. Về phía Bắc của thành phố Tuy Hòa ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đào tạo cấp vùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực trọng điểm phía Tây: Phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch. Phát triển thị trấn Củng Sơn và Hai Riêng trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tận dụng lợi thế về giao thông, tập trung phát triển vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; phát triển du lịch gắn với văn hóa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái.
Tháp Nghinh Phong, công trình kiến trúc độc đáo bên bờ biển TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh từ lâu Phú Yên được biết đến là vùng đất "phú" trời "yên", giàu tiềm năng. Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh những lợi thế riêng có về địa kinh tế; là cầu nối gắn kết các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với bờ biển dài 189 km cùng nhiều thắng cảnh đẹp (Gành Đá Đĩa, Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh), tài nguyên năng lượng và các cảng biển nước sâu kết nối thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua 2 trục quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai và Đắk Lắk.
Một trong những khu resort cao cấp ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Phú Yên hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững phù hợp với xu thế của toàn cầu. Trở thành một trong những trung tâm về kinh tế biển xanh với các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp động lực gắn với hệ sinh thái năng lượng xanh.
Phó Thủ tướng tin tưởng, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ. Ông Hà thống nhất với định hướng đưa du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định đây là lợi thế lớn nên lãnh đạo địa phương cần phải đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm với cách đi riêng.
Thắng cảnh Hòn Yến nổi tiếng ở Phú Yên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Phú Yên với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...), Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết tỉnh này sẽ nỗ lực, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước.
Thắng cảnh Hòn Nưa, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
“Phú Yên sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư. Tỉnh cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp đến làm ăn lâu dài tại địa phương", ông Tuấn cam kết.
Cùng ngày, Phú Yên đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là: gần 10.500 tỷ đồng. Lãnh đạo địa phương cũng đã ký 6 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng vốn 128.800 tỷ đồng.