Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở TP.HCM trước ngày hoạt động

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Giữ trật tự giao thông hay làm thế nào để giữ chân khách hàng là trăn trở của người dân đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TP.HCM) trước ngày phố ẩm thực đi vào hoạt động.

“Hay tin nơi mình buôn bán trở thành phố ẩm thực, tôi vừa mừng vừa lo. Hiện tại thì phố chưa thay đổi gì nhiều”, chị Ngọc Như (34 tuổi, ngụ quận 3) bày tỏ khi chỉ còn một ngày nữa là phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền hoạt động.

Theo kế hoạch đã được UBND quận 3 phê duyệt, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền sẽ triển khai đoạn từ giao lộ Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 4); dự kiến chính thức hoạt động từ 21/12, thời gian hoạt động 18-22h mỗi ngày.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở TP.HCM trước ngày hoạt động - 1Sự xuất hiện của tuyến phố này được kỳ vọng là điểm nhấn trong diện mạo đô thị quận 3.

Hơn 5 năm gắn bó với đường Nguyễn Thượng Hiền, chị Ngọc Như cũng như nhiều tiểu thương đang mong đợi tác động tích cực mà phố ẩm thực đem lại.

Lo ẩm thực không đủ đa dạng

Với người kinh doanh như chị Như, ý tưởng bến đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố ẩm thực rất đáng trông đợi. Theo chị, đây sẽ là bước đi tạo dấu ấn độc đáo thu hút khách tới khu vực.

“Trước giờ mọi người vẫn buôn bán, nhiều hộ bán nhỏ lẻ, tự phát chứ chưa có phương án kinh doanh nào cụ thể…”, chị Như nói và cho rằng việc phát triển đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố ẩm thực sẽ giúp hoạt động kinh doanh đi vào trật tự, ổn định.

Cũng buôn bán trên tuyến đường này, bà Hoàng Nga (56 tuổi) cho biết nhiều khách hàng có nhu cầu đi bộ rồi chọn địa điểm ăn uống. Tuy nhiên làm như thế nào để mô hình phố ẩm thực duy trì hoạt động mới là điều bà trăn trở.

Chồng về hưu, lương hơn 2 triệu, bà Nga mở thêm quán đồ ăn vặt tại nhà, vừa có công việc làm, vừa có đồng ra đồng vào. Tiền vốn bỏ ra ngày càng nhiều trong bối cảnh vật giá leo thang, nhiều lần bà Nga phải giảm bớt các mặt hàng nhập về.

“Nhìn chung, quán của tôi và các hàng xung quanh không có nhiều khác biệt. Chủ yếu bán đồ ăn vặt, như thế thì đi đâu người ta ghé mua rồi về cũng được. Phải làm sao để khách hàng đến phố ẩm thực lần một vẫn muốn quay lại”, bà Nga nói.

Băn khoăn của người phụ nữ tương tự nhiều khách hàng từng trải nghiệm dịch vụ tại đây, khi cho rằng đồ ăn tại đường Nguyễn Thượng Hiền chưa đủ đa dạng để thu hút thực khách.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở TP.HCM trước ngày hoạt động - 2

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền sẽ đi vào hoạt động từ 21/12. Ảnh: Ngọc Trang.

Thường xuyên tới phố Nguyễn Thượng Hiền, chị Kim Chi (24 tuổi, ngụ quận 1) cho biết nơi đây nổi tiếng với các món ăn vặt. Song chị chỉ thường mua về nhà vì không có nhiều lựa chọn để trải nghiệm, tham quan.

Đường Nguyễn Thượng Hiền dài hơn 350 m, hiện có 196 hộ dân, trong đó có 128 hộ kinh doanh. Tại đây có 78 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống như trà sữa, bánh tráng trộn, nem tré trộn… cùng 50 hộ kinh doanh quần áo, giày dép, hoa tươi…

Như vậy, tương lai của phố Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn là dấu hỏi với nhiều người. Người dân vẫn ngong ngóng hy vọng vào ngày phố ẩm thực “lột xác”, đa dạng, phong phú hơn.

Việc điều tiết giao thông

Nằm giữa giao lộ Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu nên cứ gần đến giờ tan tầm, xe cộ trên đường Nguyễn Thượng Hiền ngày càng đông đúc. Tiếng bán hàng rôm rả hòa cùng âm thanh xe cộ qua lại.

Nép mình trong góc đường, quán nước nhỏ của anh Thái Hưng (42 tuổi) có vô số đồ để sát nhau. Một bên là thùng đá, ở giữa là quầy pha chế, một bên là 2 chiếc ghế nhỏ để ngồi nghỉ lúc không có khách. Anh Hưng nói quán chỉ bán mang đi vì không có mặt bằng cho khách ngồi lại.

“Đường dân sinh diện tích nhỏ, khá chật hẹp, 2 ôtô đi ngược chiều đã kẹt xe, vỉa hè cũng không đủ để đậu xe. Nếu trục đường, nhà cửa thông thoáng hơn và có bãi đậu xe sẽ nâng cao mỹ quan đô thị”, anh Hưng chia sẻ.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở TP.HCM trước ngày hoạt động - 3

Ngày thường, đường Nguyễn Thượng Hiền vẫn tấp nập người đi lại. Ảnh: Ngọc Trang.

Giao thông cũng là điều khiến nhiều người đắn đo khi nghe thông tin đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố ẩm thực. Anh Thành Nam (32 tuổi, ngụ quận 3) cho biết nếu cấm đường từ 18h sẽ gây khó cho người tham gia giao thông tại các đường đường liền kề như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai.

“Tôi thường đi vào đường Nguyễn Thượng Hiền như một đường tắt để tránh kẹt xe. Nếu ngay từ 18h đã không cho phương tiện ra vào thì không còn đường nào giải vây cho các trục đường chính”, người đàn ông thổ lộ.

Theo ghi nhận chiều tối ngày thường, lượng xe trên đường Nguyễn Thượng Hiền đông đúc. Giờ cao điểm, nhiều tuyến đường lân cận khu vực này là điểm nghẽn giao thông, các phương tiện di chuyển khó khăn.

Theo UBND quận 3, trong thời gian phố ẩm thực hoạt động, các phương tiện giao thông không được ra vào, trừ xe gắn máy của hộ dân trong khu vực, khách mua mang về và người giao hàng tập trung vào các hẻm nhánh.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ở TP.HCM trước ngày hoạt động - 4

Vị trí của phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền. Ảnh: Google Maps.

Xe 4 bánh sẽ đi theo lộ trình thay thế là đường Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu, Vườn Chuối. Riêng phương tiện hai bánh phải lưu thông một chiều và di chuyển theo hướng đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thượng Hiền ra đường Nguyễn Đình Chiểu.

Khách tham quan có thể gửi xe tại vỉa hè phía sau trụ sở và bãi xe chợ Vườn Chuối và 1 phần vỉa hè gần khu vực phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền.

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền được triển khai theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ 1/10-20/11) sẽ khảo sát nhu cầu người dân về việc kinh doanh, cho thuê địa điểm kinh doanh đồng thời tổ chức hội nghị phản biện lấy kiến nhân dân.

Giai đoạn 2 (từ 21/11-20/1/2023): Ra mắt tuyến đường ẩm thực và vận hành, quản lý tuyến chuyên doanh ẩm thực.

Giai đoạn 3 (từ 21/1/2023 - 20/6/2023): Tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các cơ sở kinh doanh và người dân để sơ kết, rút kinh nghiệm, đề xuất mở rộng tuyến phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Trang (Zing News)

CLIP HOT