Nhiều trường học ở TP.HCM 'tung chiêu' để đảm bảo học sinh an toàn khi học trực tiếp
Bốn khối lớp 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM sẽ trở lại trường vào sáng mai 4-1 sau thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19. Ngoài việc áp dụng quy định chung, nhiều trường có những 'chiêu' để đảm bảo an toàn phòng dịch trong trường.
Tiết học đầu tiên trong ngày đầu trở lại trường của một lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Khoanh vùng bục giảng
Ngày 3-1, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, lớp học sẽ được khoanh vùng ở bục giảng và chỗ ngồi của học sinh.
Thầy Nguyễn Minh - hiệu trưởng nhà trường - giải thích: "Trường tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch nhưng cũng khuyến khích thêm thầy cô ở giai đoạn đầu là hạn chế tương tác các hoạt động của học sinh với nhau, hoạt động giáo viên với học sinh.
Tức là khoanh vùng bục giảng, khoanh vùng chỗ ngồi. Giáo viên không đi xuống dưới lớp cũng như không khuyến khích học sinh lên bảng làm bài để tránh tiếp xúc gần. Còn khi học thể dục, học ngoài trời, không học trên lớp. Trong quá trình dạy học, giáo viên bộ môn sẽ có cách tổ chức, quản lý để đảm bảo an toàn...".
Chia sân trường thành các góc
Nói về phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, ông Nguyễn Vi Tường Thụy - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM - cho biết, trường sẽ bố trí tất cả học sinh khối 7, 8, 9 học vào các buổi sáng trong tuần nên sẽ phân bổ thời gian học lệch ca, lệch giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Khi học sinh đi vào trường, Trường THCS Nguyễn Văn Tố đã phân luồng đầu vào theo từng lớp, yêu cầu học sinh đứng giãn cách, sau đó các em sẽ rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt. Nếu lúc này học sinh có biểu hiện gì đó thì sẽ được dẫn đến khu vực cách ly.
Trên lớp sẽ bố trí học sinh ngồi đúng khoảng cách, mở cửa thông thoáng, không bật máy lạnh…Để đảm bảo an toàn giờ ra chơi, nhà trường bố trí lệch giờ ra chơi để đảm bảo giãn cách. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chia sân thành các góc để đảm bảo sự an toàn cao nhất có thể cho học sinh.
"Ngoài tuân thủ quy tắc 5K, chúng tôi sắp xếp học sinh đến trường và ra về luôn tuân thủ theo quy trình một chiều, đến bằng một đường và về bằng một đường để đảm bảo an toàn nhất có thể cho các em" - ông Nguyễn Vi Tường Thụy thông tin.
Học sinh tại TP.HCM tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đội nhắc nhở học sinh không tụ tập
Ông Hồ Thanh Danh - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Bình Tân - cho biết trường có 3.000 học sinh (kể cả học sinh khối 6). Vì thế, từ khi học sinh khối 9 đi học trở lại, nhà trường tính kỹ các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh.
Ngày mai 4-1, trường bắt đầu đón thêm học sinh các khối 7, 8. Phương án an toàn là trường yêu cầu học sinh đi vào 2 cổng. Những học sinh đi bộ vào trường và về cổng trước. Cổng còn lại dành cho học sinh đi xe đạp vào trường và ra về.
Mỗi lớp học được chia làm 2 và mỗi bàn chỉ có một học sinh ngồi học. Học sinh khối 9 học buổi sáng còn học sinh khối 7, 8 học buổi chiều. Còn để đảm bảo an toàn khi ra chơi cho học sinh, Trường THCS Nguyễn Trãi chọn cách thiết lập một đội ngũ để nhắc nhở và yêu cầu học sinh không tụ tập.
"Học sinh đi học thích nhất là tay bắt mặt mừng, trò chuyện chơi với nhau, lớp này chơi với lớp kia. Nhà trường có đội ngũ 40 thầy cô là đoàn viên sẽ phân nhau túc trực nhắc nhở học sinh không tụ tập trên sân, bên cạnh việc rút ngắn hơn thời gian ra chơi để đảm bảo an toàn nhất cho các em" - thầy Hồ Thanh Danh nói.
Tận dụng sân trường rộng cho học sinh vận động
Sân trường rộng là một lợi thế của Trường THPT Trường Chinh (quận 12) nên nhà trường tận dụng "ưu đãi" này để tổ chức dạy học vừa đảm bảo an toàn vừa thoải mái nhất trong tiết thể dục.
Thầy Nguyễn Minh Hoàng - hiệu trưởng - cho hay: "Sân trường rất rộng, đến 2 mẫu. Học sinh đến trường mà không được vận động thì rất thiệt thòi.
Và cũng tùy theo khối lớp, khối 12 học 24 tiết/tuần, khối 10-11 học 18 tiết/tuần thì khối 12 sẽ học thể dục trực tiếp. Có 7 lớp 12 thì với diện tích sân trường rộng như vậy, các em sẽ được học tiết vận động rất thoải mái và đảm bảo an toàn".
Nhiều tỉnh thành cho học sinh đến trường sau Tết dương lịch 2022 Tại Bình Phước, học sinh khối 11 và 12 đi học lại từ hôm nay (3-1) ở những địa bàn cấp độ dịch 1 và 2. Từ ngày 10-1, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 7 đến 10 thuộc địa bàn dịch cấp độ 1 và 2. Trong ngày 3-1, Tiền Giang cũng sẽ bắt đầu giảng dạy trực tiếp cho sinh khối 9 và 12 ở các trường trong tỉnh. Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ thí điểm cho học sinh lớp 9 tại hai trường THCS Thống Nhất và THCS Nguyễn Văn Trỗi đi học lại từ hôm nay. Đến 10-1, học sinh lớp 12 các trường phổ thông, khối 9 các trường cấp 2, khối 5 trường tiểu học và lớp lá các trường mầm non được đi học lại. Tới ngày 17-1, học sinh các trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non ở Biên Hòa được đến trường học trực tiếp. Tại Vĩnh Phúc, học sinh toàn TP Vĩnh Yên sẽ đến trường từ 3-1. Trước đó, học sinh lớp 9 và lớp 12 đã đến trường từ 20-12, sau đó là các em từ lớp 6 đến 11 học trực tiếp từ 27-12. Tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ cho học sinh THPT học trực tiếp từ ngày 4-1, THCS từ ngày 10-1. Tại TP.HCM, học sinh từ lớp 7 đến 11 sẽ đi học lại từ 4-1, riêng xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được tới trường. UBND TP.HCM cũng giao Sở GD-ĐT, Sở Y tế tham mưu dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 và trẻ mầm non từ sau Tết Nguyên đán. Tại Trà Vinh, tỉnh đã triển khai thí điểm dạy, học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ở vùng cấp độ dịch 1 và 2 từ ngày 27-12. Các lớp từ 7 đến 11 dự kiến có thể sẽ đi học trực tiếp từ ngày 5-1. |
UBND TP.HCM vừa có văn bản cho phép các trường THCS, THPT đón học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đi học lại từ 4-1, giao Sở Giáo dục...