Liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ
Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” với hơn 1.500 di tích và danh thắng, hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch, Thanh Hóa xác định TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là thị trường tiềm năng để quảng bá và liên kết phát triển du lịch.
Chiều 25/8, tại TP.HCM, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị liên kết, phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng thời giới thiệu những thắng cảnh nổi tiếng của địa phương.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Điểm tham quan Suối Cá Thần Cẩm Lương.
Du khách tham quan, chụp ảnh cùng Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ.
Theo Sở VHTT&DL Thanh Hóa, địa phương được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ”, sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, có giá trị quốc gia và quốc tế, bao gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 102km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã… Ngoài ra còn có nhiều trò diễn dân gian, lễ hội văn hóa đặc sắc như: trò Xuân Phả, múa Pồn Pôong, hát múa Đông Anh, lễ hội Lam Kinh…
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao tiềm năng, liên kết phát triển du lịch với các địa phương Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, du lịch Thanh Hóa luôn đứng top đầu cả nước về thu hút khách. Tuy nhiên, thị trường khách truyền thống, chiếm tỷ trọng cao của tỉnh vẫn là các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhất là Hà Nội.
“Chúng tôi kỳ vọng hội nghị tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch của tỉnh Thanh Hóa, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ hợp tác đem lại sản phẩm du lịch chất lượng cao, giá thành phù hợp, góp phần phục hồi ngành du lịch một cách bền vững”, ông Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh.
Khách tìm hiểu về các món đặc sản của Thanh Hóa tại không gian trưng bày giới thiệu các sản vật, sản phẩm du lịch của địa phương.
Tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ Thanh Hóa biểu diễn.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng tranh Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ cho các đại biểu.
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Thanh Hoá cùng Hiệp hội Du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch.
Hiện tại, Thanh Hóa đang phát triển các sản phẩm du lịch bốn mùa gồm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch mạo hiểm, du lịch trang trại nông nghiệp...
Không chỉ có danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực Thanh Hóa cũng phong phú, tiêu biểu có bánh gai Tứ Trụ, nem chua, gỏi nhệch Nga Sơn, cháo phi Cầu Sài, chả tôm…
Với lợi thế nêu trên, 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đón trên 10,2 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt 19.642 tỷ đồng.
“Doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, cùng các chương trình tour, tuyến mới; xây dựng chương trình hợp tác, quảng bá góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu Du lịch TP.HCM - Sống động từng trải nghiệm và Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa…”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đặc trưng của ngành du lịch TP.HCM có tính liên ngành, liên vùng và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ khác, bao gồm kéo theo sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tính đến nay, TP.HCM đã liên kết du lịch tổng cộng 5 vùng với 49 tỉnh, thành trong cả nước, tạo điều kiện chuyển tiếp dòng khách giữa TP.HCM với các địa phương, gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến.
Để hoạt động liên kết du lịch sôi nổi hơn, ông Dương Anh Đức đề nghị ngành du lịch các địa phương đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch một cách an toàn; lồng ghép các chuỗi sự kiện của các địa phương...
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ: Cần phát huy thế mạnh khác biệt của các địa phương trong liên kết, quảng bá, xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch.
“Mỗi địa phương cần nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác; chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, nâng tầm thương hiệu điểm đến; Thúc đẩy trao đổi khách giữa Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao, được triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.