Kiểm tra thực tế công viên nổi tiếng ở Cố đô Huế
Lãnh đạo thành phố Huế chỉ đạo cần bảo vệ và dọn dẹp cảnh quan, chỉnh trang hạ tầng, đưa vào hoạt động vui chơi giải trí... tại công viên Thiên An vào tháng 3/2023.
Liên quan đến việc đầu tư công viên nổi tiếng ở Huế, ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế - có buổi kiểm tra thực tế Công viên Thiên An (khu vực hồ Thủy Tiên).
Chủ tịch UBND thành phố Huế kiểm tra thực tế Công viên Thiên An (khu vực hồ Thủy Tiên). Ảnh: Hải Vân.
Tại buổi kiểm tra này, ông Nhật chỉ đạo Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và các đơn vị liên quan của thành phố cần bảo vệ và dọn dẹp cảnh quan, chỉnh trang hạ tầng, sửa chữa nhà vệ sinh. Đồng thời nỗ lực, quyết tâm cao hoàn thành, đảm bảo các điều kiện cơ bản, đưa vào hoạt động vui chơi giải trí, ngoài trời tại công viên Thiên An vào tháng 3/2023 cho người dân và du khách thụ hưởng khi đến đây. Ngoài ra, tạo các mặt bằng đẹp để cắm trại, chụp ảnh; khôi phục lại không gian, điểm thưởng ngoạn độc đáo cho Huế.
Công viên hồ Thủy Tiên nằm ở đồi Thiên An, cách trung tâm TP Huế khoảng 10 km. 6 năm trước, công viên này trở nên nổi tiếng khi tờ HuffingtonPost của Mỹ đăng tải bài viết có tiêu đề "Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát". Sau khi lên báo nước ngoài, nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài khi đến Huế tham quan đã đến đây check-in như là điểm đến rùng rợn, kinh dị.
Khu vực "Khán đài nhạc nước" giờ đã hoang tàn. Ảnh: Hải Vân.
Công viên hồ Thủy Tiên được khởi công vào đầu năm 2001 với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 70 tỷ đồng. Khi được đưa vào sử dụng, công trình này được xem là khu vui chơi lớn ở Thừa Thiên Huế. Trên diện tích khoảng 20 ha đất, nhà đầu tư xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái phong phú, sân khấu nhạc nước...
Đến giữa năm 2004, khu du lịch này bắt đầu đón khách. Cùng với việc khai thác kém hiệu quả và nhiều lý do khác, chủ đầu tư dừng thi công khi nhiều công trình còn dang dở. Công ty Du lịch Cố đô tìm nhà đầu tư khác là Công ty TNHH Haco Huế để sang nhượng. Đến năm 2008, Cty TNHH Haco Huế thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp tục là 270 tỷ đồng. Kết quả, công trình vẫn giậm chân tại chỗ, tất cả hạng mục bị bỏ hoang.
Đầu năm 2017, sau khi Công ty TNHH Haco Huế không còn đủ khả năng để hoàn thành dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định thu hồi đất dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế) quản lý.
Hình ảnh con rồng xuất hiện nhiều trong các tấm ảnh của du khách. Ảnh: Hải Vân.
Dù bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp, công viên Thuỷ Tiên vẫn thu hút đông đảo giới trẻ đến tham quan.
Mới đây, HĐND TP Huế thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công viên Thiên An với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án để phục vụ chỉnh trang môi trường đô thị, tạo cảnh quan sinh thái, tạo điểm nhấn tham quan du lịch.
Khu vực thác trượt, hồ nước. Ảnh: Hải Vân.
Dự án có quy mô đầu tư gồm tuyến đường dạo quanh hồ Thủy Tiên có tổng chiều dài khoảng 2.040 m với bề rộng từ 4,5-6 m, kết cấu mặt đường bằng đá granit, trên nền bê tông. Ngoài ra, còn cải tạo tuyến đường bê tông hiện trạng dài khoảng 210 m, kết cấu mặt đường bằng đá granit trên nền bê tông hiện trạng; hệ thống điện chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước.
"Thủy Cung" đã trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hải Vân.
Nguồn vốn đầu tư dự án này từ ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện 2 năm.
Việc đầu tư dự án Công viên Thiên An được dư luận vui mừng, nhiều người dân kỳ vọng sau khi chỉnh trang, nơi đây sẽ thành công viên công cộng độc đáo, cảnh quan sinh thái, điểm tham quan du lịch cho mảnh đất cố đô, phục vụ người dân địa phương và du khách đến Huế.
Công viên “rùng rợn” ở Huế thu hút đông đảo du khách tò mò đến xem sắp được đầu tư để tạo điểm nhấn tham quan...