Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tối 2/11 tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903-2013) và đón nhận Bằng công nhận các danh thắng, di sản quốc gia;  Bằng công nhận các kỷ lục  quốc gia

Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa - 1

Tham dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Giàng Seo Phử; Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn…

Năm 1903, người Pháp khám phá ra Sa Pa, kể từ đó, nơi đây được người Pháp đầu tư, mở mang, trở thành “kinh đô mùa hè” với người Pháp và châu Âu, một trạm điều dưỡng lý tưởng. Sa Pa hấp dẫn với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cho biết: Kể từ sau khi tái lập tỉnh vào năm 1991, tỉnh Lào Cai đã coi Sa Pa là trọng điểm du lịch,  tập trung đầu tư cơ hạ tầng, quảng bá xúc tiến du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Lào Cai tháng 6/2013 về phát triển du lịch đến năm 2020 đã xác định phát triển du lịch bền vững,gắn với bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc.Lào Cai phấn đấu xây dựng Sa Pa trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia.

Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa - 2

Sapa - điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh tư liệu

 Cũng theo ông Nguyễn Văn Vịnh, nếu như năm 2003, Sa Pa đón 120 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch và dịch vụ đạt 57 tỷ đồng thì sau 10 năm Sa Pa đón hơn 610 nghìn lượt khách trong đó  khách quốc tế đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên 40 %; doanh thu 488 tỷ đồng. Sa Pa hiện có 162 cơ sở lưu trú, nhà hàng với 3000 phòng, trong  đó có 47 khách sạn từ 1-4 sao. Một số công trình du lịch đã thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Sa Pa là trong 21 khu du lịch trọng điểm quốc gia. Trong thời gian tới, Lào Cai cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng để Sa Pa trở thành đô thị du lịch đặc sắc. Thực hiện có đa dạng các loại hình du lịch: làng bản, sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng. Tăng cường quảng bá, xúc tiến, chú trọng nguồn nhân lực. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa , bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái.

Cũng tại lễ kỷ niệm, thay mặt Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã trao Bằng công nhận di tích quốc gia cho danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ Pút tồng của người Dao đỏ Tả Phìn, lễ hội xuống đồng của người Dáy- Tả Van, nghề chạm khắc bạc của người Mông Sa Pa cho tỉnh Lào Cai.

Ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, đại diện Tổ chức Kỷ lục VN trao Bằng chứng nhận kỷ lục cho huyện Sa Pa: ruộng bậc thang lớn nhất và có nhiều bậc nhất; đèo Ô Quý Hồ- đèo dài nhất Việt Nam cho đại diện huyện Sa Pa và huyện Tam Đường- Lai Châu.

Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện quá trình hình thành và phát triển vùng đất cổ, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc Sa Pa.

Tin, ảnh: Minh Quân

(Báo Du lịch Việt Nam, số 47 (901), từ 31/10-6/11/2013)

 

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT